Giữa mênh mông nắng gió và sự thưa thớt của cảnh quan, ngôi đền mới được phục dựng trên nền đất cũ đã thấy uy nghi. Tôi đứng giữa sân đền, nhìn xa hút về phía sau thấy dãy núi Đông Triều tựa bức trường thành sừng sững tôn cho ngôi đền mới một dáng vẻ đầy hào khí.
Vậy là cũng phải đợi qua một phần tư thế kỷ tôi mới có dịp về thăm lại “nơi chốn xưa dấu cũ” của nhà Trần, kể từ năm 1998-khi chúng tôi về Đông Triều để làm bộ phim “Đệ tứ chiến khu”. Việc quay đã hòm hòm, Trung tướng Lê Hai, nguyên chiến sĩ “Đệ tứ năm xưa” và cũng là người bạn chiến đấu với Trung tướng Nguyễn Bình (nguyên Tư lệnh Chiến khu Đệ tứ) đã gợi ý: “Hãy còn sớm, chúng ta nên ghé thăm đền An Sinh. Tôi nghe nói chính nơi đây là tư gia cũ của An Sinh Vương Trần Liễu”. Lời gợi ý đã đưa chúng tôi tới trước ngôi đền mới, thoảng nghe đâu đó những âm thanh Đông A vọng về náo nhiệt.
Theo con đường trải nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua những cánh đồng lúa đang thì ngậm đòng của phường Đức Chính, chúng tôi tới đền An Sinh (hay còn gọi là đền Trần). Cảnh quan bây giờ đã đậm nét hơn, ngôi đền chính trầm mặc dưới nắng hè, quây quần xung quanh là nhiều ngôi nhà phụ trợ cùng những hàng cây cao vút, tỏa bóng xanh mát rượi.
Đón chúng tôi ngay tại cổng đền là cô Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng ban Quản lý di tích đền An Sinh. Cô Phương sau màn chào hỏi liền “bắt tay” vào công việc giới thiệu về lịch sử ngôi đền An Sinh cùng những di tích gắn liền với dấu tích nhà Trần hiện có ở vùng đất này. Cô cho biết: “Các di sản văn hóa thời nhà Trần tại Đông Triều mang những dấu ấn vô cùng tiêu biểu, đặc sắc, chỉ riêng có ở vùng đất thánh địa linh thiêng này”.
Tranh thủ lúc cô Phương hướng dẫn đoàn vào chính điện làm thủ tục dâng hương, tôi liền ghé vào khu bày lễ. Rất may, tôi gặp được ông Nguyễn Văn Lợi, Thủ từ đền An Sinh. Người đàn ông nhà ở ngay gần cổng đền này thuở nhỏ thường cắt cỏ, thả trâu trên khu đồi, vui vẻ cho biết: “Đền được phục dựng lại năm 1997 trên nền đất đền cũ. Sau 3 năm xây dựng, đền được khánh thành vào ngày 20-8 âm lịch, năm 2000”. Rồi ông Lợi nói thêm: “Vị trí này vốn là Trường Sư phạm 10+2 của tỉnh Quảng Ninh. Trước nữa là Trường Học sinh miền Nam số 1 Đông Triều”. Nghe ông Lợi nói vậy tôi chợt nhớ ra, hồi đầu năm 1975, đơn vị tôi đóng quân ở xóm Dốc Sĩ bên xã Tràng An. Tuy với An Sinh là hai xã khác nhau nhưng từ chỗ đơn vị tôi chỉ đi chừng 2km là tới Trường Học sinh miền Nam số 1. Cũng đôi lần chúng tôi rủ nhau qua chơi với các bạn học sinh miền Nam. Tôi nhớ dạo ấy bên này khá xanh mát bởi nhiều hàng cây lâu năm cùng những dãy nhà học sinh quây quần đầm ấm. Nhớ vậy nên tôi hỏi lại: “Chọn vị trí này để phục dựng đền hẳn có lý do?”. Ông Lợi nói luôn: “Thì chính vị trí này xưa là nền Vương phủ của Đức An Sinh mà”.
Thì ra, dưới thời Trần, Đông Triều được biết đến là đất "thang mộc" của An Sinh Vương Trần Liễu. Ngài là người đầu tiên trong hoàng thân nhà Trần được cấp đất thang mộc ở nơi đây, để trấn giữ vùng quan ải Đông Bắc của nước Đại Việt. Đến cuối thế kỷ 13 thì vùng đất này trở thành “Triều đình phía Đông” của nước Đại Việt, địa danh Đông Triều cũng ra đời từ đó. Tại đây, nhà Trần đã xây dựng lăng tẩm của các vua và quý tộc hoàng gia; xây cất Thái miếu để thờ phụng tổ tiên và các vua nhà Trần; Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn vùng đất An Sinh, Đông Triều để nhập niết bàn và hóa Phật tại am Ngọa Vân. Vì vậy, Đông Triều còn được coi là Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm.
|
|
Đoàn nhà văn tham quan và chụp ảnh lưu niệm trước Di tích Quốc gia đặc biệt Thái miếu nhà Trần. |
Cô Nguyễn Thị Phương chỉ tay lên bức tường bên trái trong đền, là nơi treo “Sơ đồ tộc phả nhà Trần” và “Hệ phả Trần Triều”. Cô nói tiếp: “Đó là những sơ đồ tuy khái quát về lịch sử, nhưng cho thấy vùng đất Đông Triều này đã được chính sử ghi là quê gốc của nhà Trần. Vào khoảng thế kỷ 12, nhà Trần mới chuyển về Tức Mặc (Nam Định) rồi phát triển sang Long Hưng (Thái Bình) và phát tích đế vương ở đó. Sách “Đông Triều huyện phong thổ ký”, một cuốn sách chữ Hán chép tay, cũng ghi: Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới sau này mới chuyển xuống xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh. Ngay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh, tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này”.
Được biết, sau khi Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông, năm 1237, nhà vua đã lấy các vùng đất thuộc Quảng Ninh ngày nay: Yên Sinh (Đông Triều), Yên Dưỡng, Yên Bang (Uông Bí), Yên Hưng (Quảng Yên); Yên Phụ (Kinh Môn, Hải Dương ngày nay), cấp cho Trần Liễu làm đất thang mộc, đời đời ở đất ấy để sinh sống và trông coi phần mộ, thờ cúng tổ tiên. Vùng đất thang mộc của Trần Liễu được gọi chung là Yên Sinh (hay An Sinh), nhân dân còn gọi là vùng đất “Ngũ Yên”. An Sinh Vương Trần Liễu đã cho xây dựng Phủ đệ, đền miếu thờ cúng tổ tiên, trong đó Thái miếu được xây dựng thời kỳ này.
Chúng tôi lên xe đi tiếp tới Thái miếu ở thôn Trại Lốc cùng xã An Sinh. Được biết, ngôi Thái miếu cũ được xây dựng từ thế kỷ 13 trên một quả đồi nên người dân gọi là đồi Đình. Thái miếu đã qua nhiều lần trùng tu và lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1993. Đây là nơi thờ cụ Trần Thừa, thân sinh của vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh và An Sinh Vương Trần Liễu. Vì có phần hơi bé nhỏ so với tầm vóc của triều đại nhà Trần vĩ đại, bởi thế năm 2014, ngôi Thái miếu được xây mới ngay phía sau Thái miếu cũ.
Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã làm phát lộ rõ toàn bộ nền móng kiến trúc của Thái miếu qua các thời kỳ Trần, Lê, Nguyễn, đặc biệt là thời nhà Trần. Với diện tích khai quật hơn 3.000m2, các nhà khảo cổ đã làm rõ được quy mô kiến trúc mặt bằng tổng thể của Thái miếu dưới thời Trần, cho thấy việc trùng tu trải qua 3 giai đoạn, tôn tạo với 38 công trình kiến trúc liên hoàn, khép kín kiểu “nội vương ngoại quốc” mang kiến trúc đền, miếu của hoàng gia thời Trần. Giai đoạn đầu, Thái miếu được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 13, tức là sau năm 1237, An Sinh Vương Trần Liễu được vua Trần Thái Tông phong đất thang mộc ở vùng đất “Ngũ Yên”, nơi “quê cha đất tổ” để gìn giữ lăng miếu của tổ tiên. Đức An Sinh Vương Trần Liễu đã cho xây dựng Phủ đệ và Tổ miếu nhà Trần để thờ cúng tổ tiên và cha mình là Thượng hoàng Trần Thừa. Ở giai đoạn này, kiến trúc Thái miếu rất đồ sộ, nguy nga, kiến trúc kiểu chữ tam gồm 3 tòa: Tiền đường, trung đường và hậu cung, xen lẫn là các khoảng sân vườn, với lối kiến trúc gỗ đặc trưng thời Trần, móng nền được kè cuội, sỏi, xây gạch vồ, nền lát gạch bát lớn thời Trần, mái lợp ngói mũi lá, mũi hài rất lớn, qua nghiên cứu khảo cổ thì toàn bộ kiến trúc Thái miếu rất ít họa tiết hoa văn, con giống trang trí kiến trúc.
Đến cuối thế kỷ 13, sau khi An Sinh Vương Trần Liễu mất (năm 1251), Tổ miếu được trùng tu tôn tạo giai đoạn thứ hai, xây dựng mở mang hai bên dãy hành lang Đông Tây và những công trình kiến trúc khác tạo thành kiến trúc điện thờ nhiều lớp, khép kín. Tổ miếu không chỉ thờ tổ tiên nhà Trần mà triều đình còn duy trì thờ tự chung cho hoàng gia tại quê hương An Sinh. Đến thời điểm này, Tổ miếu không chỉ còn là Tổ miếu của An Sinh Vương nữa mà trở thành Thái miếu của cả hoàng tộc nhà Trần. Giai đoạn trùng tu thứ 3 diễn ra nửa cuối thế kỷ 14. Đây là giai đoạn Thái miếu được hoàn thiện, trùng tu và mở rộng khang trang, bề thế và vẫn còn được duy trì việc thờ cúng, tế tự tổ tiên và các vua Trần.
Qua nghiên cứu khai quật khảo cổ cho thấy quy mô kiến trúc của Thái miếu ở thời nhà Trần rất nguy nga đồ sộ với nhiều công trình liên hoàn và được hoàn thiện hơn với lối kiến trúc “nội vương ngoại quốc”. Tại đây, cũng đã phát hiện nhiều loại hình di vật đồ gốm, họa tiết hoa văn trang trí gạch ngói thời Trần. Trong đó đáng kể nhất là chậu gốm men hoa nâu lớn với thân vẽ hoa văn hoa chanh, hoa văn dây lá tiêu biểu cho mỹ thuật thời Trần. Đặc biệt là hoa văn hình 8 con rồng biểu hiện cho vật dụng của hoàng gia và nhà vua.
Từ những tương truyền và từ những khảo cứu khoa học cho thấy: Vùng đất Đông Triều nói chung, vùng đất xã An Sinh nói riêng, in đậm và lưu dấu những dấu tích về một triều đại rực rỡ-triều Trần trong lịch sử Đại Việt.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRỌNG VĂN