Một trong những vị minh quân nổi bật ở Việt Nam có lẽ là Vua Trần Nhân Tông. 730 năm trước (năm Quý Tỵ 1293), ở tuổi 35 đầy sung sức, ông đã tự nguyện nhường ngôi cho Thái tử Thuyên (Vua Trần Anh Tông) để dành thời gian cho việc dưỡng tâm và nghiên cứu Phật pháp. 5 năm sau đó (năm 1298), ông xuất gia và trở thành sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một trong những niềm tự hào tín ngưỡng của đất Việt.

Sử sách ghi nhiều câu chuyện về tài dùng người của Trần Nhân Tông. Ông luôn biết cách ưu ái với các tài năng, ngay cả khi những tài năng đó “nhân vô thập toàn”. Câu chuyện với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chính là theo hướng đó. Ông quan võ có phong độ anh hùng biển xanh này từng lập chiến công đánh úp quân Nguyên nên được lập làm Thiên tử nghĩa nam. Trần Khánh Dư sau đó còn dẹp được người Man ở vùng núi nên còn được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Đây là chức vụ mà nếu không phải là hoàng tử thì không được phong nhưng vì Trần Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam nên mới được hưởng đặc ân này. Cứ thế, Trần Khánh Dư được phong lên tới chức Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ. Tuy nhiên, Trần Khánh Dư lại bị mắc tội “đầu mày cuối mắt” với Công chúa Thiên Thụy, khi đó đang là vợ của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần Nhân Tông trong tình thế khó xử vì rất ngại Trần Hưng Đạo phật ý nên mới bên ngoài thì sai người đánh chết Trần Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng bên trong lại dặn đừng quá tay để Trần Khánh Dư phải chết. Để làm nghiêm phép nước, mặc dù rất trọng tài năng võ tướng của Trần Khánh Dư, sau vụ này, Trần Nhân Tông đã phải xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch, thu tài sản không để lại cho một chút gì. Cực chẳng đã, Trần Khánh Dư phải đi làm nghề bán than kiếm kế sinh nhai ở châu Chí Linh...

Một lần, chiếc thuyền chở Trần Nhân Tông đỗ trên bến Bình Than. Lúc đó, nước triều đã rút, gió lồng lộng. Bỗng nhiên vua thấy đi ngang qua là một chiếc thuyền lớn đầy than củi mà trên đó là một người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, trông rất giống Trần Khánh Dư. Trần Nhân Tông mới chỉ và bảo quan thị thần:

- Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương đó sao?

Rồi vua sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp. Khi nghe quân hiệu bảo là có lệnh vua triệu thì Trần Khánh Dư đã ngang ngạnh nói:

- Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu.

Nghe quân hiệu tâu lại, Trần Nhân Tông không những không nổi giận mà lại thốt lên đầy thương cảm:

- Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế.

Và vua lại sai nội thị đi gọi. Khi Trần Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá đến, vua xót xa than:

- Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi...

leftcenterrightdel

Dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: XUÂN KHU 

Rồi Trần Nhân Tông xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư, ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước... Không phải Trần Nhân Tông không biết rõ những điểm yếu của Trần Khánh Dư, nhưng với ông, tài làm tướng của người này là cần cho đất nước trong thời điểm gian nguy phải đối mặt với nguy cơ xâm lược lớn từ phía nhà Nguyên nên ông cũng phải bỏ qua nhiều điều sai quấy của Trần Khánh Dư. Về sau, Trần Khánh Dư cũng lập được những võ công không nhỏ...

Cũng chính Trần Nhân Tông, sau khi đã trở thành Thái thượng hoàng, đã có mắt xanh nhận ra chân tài của chàng nho sinh Đoàn Nhữ Hài để triều đình sau đó trọng dụng, cất nhắc lên thành một trong những trọng thần hàng đầu. Sách sử kể rằng, năm 1299, tức là vào khoảng 6 năm sau khi Vua Trần Anh Tông lên ngôi, một lần Thái thượng hoàng (Trần Nhân Tông) từ phủ Thiên Trường về Thăng Long. Hôm đó lại đúng lúc triều đình rỗi việc, Trần Anh Tông cùng bề tôi uống rượu xương bồ tới say khướt. Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", về tới kinh sư, Thượng hoàng thả bước đi dạo khắp các cung điện từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Khi cung nhân dâng bữa, không thấy Vua Trần Anh Tông đâu, Thượng hoàng rất lấy làm lạ (Vua Trần Anh Tông vốn nổi tiếng là người con có hiếu, thông thường, mỗi khi biết cha về bao giờ cũng vội vàng tới vấn an ngay). Tuy nhiên, lần này vì say quá nên khi cung nhân vào trong nội đánh thức, nhà vua vẫn không sao mở mắt ra được. Thế là Thượng hoàng nổi trận lôi đình, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.

Đến giờ Mùi, Vua Trần Anh Tông mới dứt cơn say, tỉnh dậy, hay chuyện lấy làm hoảng hốt. Nhìn quẩn nhìn quanh thấy những bề tôi thân tín chẳng có ai. Vua lật đật ra khỏi cửa cung (lúc này cũng không có ai coi giữ), nhằm hướng sông Nhị cho đỡ bức bối, tới cửa chùa Tư Phúc, thấy một thư sinh mặt trẻ măng đang ngồi cắm cúi đọc sách. Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”. Gã thư sinh vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: “Thần vì mải học, đi lỡ ra đây”. Vua lại hỏi: “Thế nhà ngươi tên gì?”. “Bẩm, thần tên là Đoàn Nhữ Hài!”. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nhà vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:

- Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng. Giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội. Ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu.

Đoàn Nhữ Hài đứng trước mặt vua, trong chốc lát đã soạn xong tờ biểu, lời lẽ đầy ân hận và cảm động. Vua bèn lấy thuyền nhẹ nhằm hướng Thiên Trường đi ngay, cho Đoàn Nhữ Hài theo mình. Tới rạng sáng hôm sau thì tới. Vua sai Đoàn Nhữ Hài vào phủ dâng biểu cho Thượng hoàng. Thượng hoàng giận, giả bộ không thèm để ý đến, mặc Đoàn Nhữ Hài cứ quỳ trước cửa điện. Chiều hôm ấy thời tiết xấu, trời bỗng nhiên nổi mưa to gió lớn. Đoàn Nhữ Hài vẫn quỳ nguyên tại chỗ không nhúc nhích. Động lòng, Thượng hoàng sai nội nhân ra cầm tờ biểu tạ tội vào. Đọc xong, Thượng hoàng cho gọi Vua Trần Anh Tông tới và nói:

- Trẫm xem lời lẽ trong tờ biểu rất hay, rất khéo, rất hợp lòng trẫm. Chắc không phải lời lẽ của con, vậy ai đã viết cho con vậy?

Vua Trần Anh Tông tâu, đó là Đoàn Nhữ Hài. Thượng hoàng gật gù tỏ ra tâm đắc rồi lại nghiêm mặt nói:

- Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này?

Vua dập đầu tạ tội. Thượng hoàng cho gọi Đoàn Nhữ Hài vào, nhìn thấy gương mặt còn búng ra sữa của kẻ học trò lạ, tấm tắc khen: “Bài biểu ngươi soạn rất hợp lòng ta!”. Rồi Thượng hoàng xuống chiếu cho Trần Anh Tông vẫn được làm vua, các quan về triều như cũ...

Lời khen của Thượng hoàng có lẽ đã giúp Đoàn Nhữ Hài được Vua Trần Anh Tông thêm tin tưởng và lập tức phong làm Ngự sử trung tán, chức quan rất to đối với một người mới 19 tuổi (ông sinh năm 1280)... Đoàn Nhữ Hài về sau còn lần lượt nắm giữ các chức vụ Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An... Không chỉ ở triều Vua Trần Anh Tông mà cả triều vua tiếp theo, Trần Minh Tông...

Trần Nhân Tông qua đời ngày 3-11 âm lịch năm 1308, được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân (núi Yên Tử, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định: “Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế?”. Còn các sử gia thời hậu Lê đã nhận định về ông trong "Đại Việt sử ký toàn thư" như sau: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.

ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN