Thi cử thời kỳ phong kiến
Trong không gian nhà Thái học của Văn Miếu-Quốc Tử Giám được nhóm thiết kế đồ họa trưng bày minh họa khá hấp dẫn về các chủ đề: Chiêu mộ hiền tài, Con đường khoa cử, Gương sáng tiền nhân và Lưu danh muôn thuở. Trong đó giới thiệu những nét chính tư liệu về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442-1529; thi cử và chế độ đãi ngộ với những người đỗ đạt; một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và chuyển tải những thông điệp nổi tiếng về giá trị của việc đào tạo, sử dụng nhân tài cho đất nước.
Kể từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới triều vua Khải Định, lịch sử khoa cử Việt Nam trải qua hơn 800 năm với hàng trăm khoa thi được tổ chức tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Trong đó, dưới thời nhà Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn, các triều đại đã tổ chức được 183 khoa thi, tuyển chọn được 2.898 người đỗ đại khoa, gồm: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Khoa bảng...
Việc thi cử qua các thời kỳ có thể thay đổi với những tên gọi khác nhau, nhưng thời kỳ phong kiến chủ yếu có 3 kỳ thi chính là: Thi hương, thi hội, thi đình. Thi hương là kỳ thi được tổ chức ở các địa phương định kỳ 3 năm một lần (thường được tổ chức vào mùa thu các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) với 4 vòng thi. Thí sinh dự thi phải có lý lịch và tư cách, phẩm chất đạo đức tốt. Mỗi triều đại có một tên gọi khác nhau cho các vị đỗ khoa thi này. Nếu đỗ cả 4 vòng thi được gọi là hương cống (hoặc cử nhân). Thời nhà Nguyễn, đỗ 3 kỳ được gọi là tú tài, đỗ 4 kỳ là cử nhân. Sau khi đỗ kỳ thi hương, thí sinh sẽ được dự thi hội.
|
|
Vườn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay.
|
Thi hội là kỳ thi thường được tổ chức ở Kinh thành, cũng định kỳ 3 năm một lần (thường vào mùa xuân các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Thí sinh dự thi là các hương cống. Đỗ cả 4 vòng thi hội được gọi là tiến sĩ nhưng phải chờ thi đình xong để xếp hạng thứ bậc.
Thi đình là kỳ thi cao nhất trong khoa cử, được tổ chức ở cung điện nhà vua do vua trực tiếp ra đề và quyết định người đỗ. Những thí sinh đỗ tiến sĩ trong khoa thi hội thì mới được tham dự kỳ thi đình. Theo sử sách ghi lại thì dưới thời nhà Trần, 3 người đỗ đầu kỳ thi đình được phong tặng danh hiệu lần lượt nhất, nhì, ba là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Bài thi của các sĩ tử được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Kinh nghĩa (bài viết luận giải một nội dung trong kinh sách Nho giáo); chế, chiếu, biểu (chế, chiếu là các thể văn hành chính, luận bàn các vấn đề chính sự với tư cách nhà vua truyền đạt mệnh lệnh, phong tặng quan lại hoặc thần dân; biểu là nội dung do quan lại dâng lên nhà vua); thơ, phú (thơ chủ yếu là làm thơ Đường luật, 4 câu, mỗi câu 7 chữ; phú-một bài văn vần 8 câu, mỗi câu 7 chữ về một chủ đề cho sẵn); văn sách (là thể văn nghị luận trình bày những kiến giải lịch sử, sách lược về thời sự chính trị). Chẳng hạn, trong kỳ thi đình, bài thi cho các thí sinh là một bài văn sách do nhà vua trực tiếp ra đề, hỏi về các vấn đề quan trọng nhất của đất nước mà triều đình đang phải giải quyết.
Do tầm quan trọng của kỳ thi hội và thi đình nhằm tuyển chọn người hiền tài có thể làm quan trong triều đình nên cũng có những chức quan làm nhiệm vụ về khoa cử như: Độc quyền (chỉ xuất hiện trong khoa thi đình để trợ giúp nhà vua chấm bài); Đề điệu (người chủ trì tổ chức khoa thi); Giám thí (giám sát khoa thi); Tuần xước (bảo vệ trường thi); Thu quyển (thu quyển thi); Di phong (rọc phách quyển thi); Đăng lục (sao chép bài thi sang bản khác để người chấm điểm không nhận ra nét chữ của thí sinh); Đối độc (đọc đối chiếu giữa bản sao chép với bài thi gốc)...
Với những quy định về kỳ thi, cách làm bài thi như vậy đã cho thấy việc tham gia thi cử của các sĩ tử ngày xưa thật khó khăn. Con đường học tập đến khi đỗ đạt qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình càng vô cùng khó. Bởi thế mà người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn lưu truyền biết bao tấm gương hiếu học lều chõng đi thi vượt qua khó khăn, dùi mài kinh sử đỗ đạt thành tài của các nhân sĩ trí thức ngày xưa.
Theo cuốn “Thi cử Nho giáo” (Nhà xuất bản Thế giới, 2005) do hai nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Hữu Ngọc và Lady Borton chủ biên thì: “Các kỳ thi khó do cách ra đề... Trung bình có khoảng 70.000 đến 80.000 người dự thi hương, nhưng chỉ có khoảng 15 người được phong học vị tiến sĩ sau khi dự kỳ thi cuối cùng tại cung vua”... Hơn nữa, việc tổ chức thi cử thời kỳ phong kiến cũng chưa được quy củ bởi điều kiện tổ chức và khoảng cách giữa các kỳ thi quá xa. Chẳng hạn như thời nhà Lý, khoảng cách giữa các kỳ thi là từ 11 đến 42 năm. Các sĩ tử trượt một khoa thi có khi phải chờ đợi hàng chục năm mới có cơ hội thi lại và đỗ đạt. Đến triều đại nhà Trần, khoảng cách giữa các kỳ thi được thu hẹp xuống 7 năm. Kể từ năm 1434, các khoa thi bắt đầu được tổ chức 3 năm một lần và duy trì trong suốt triều đại nhà Nguyễn cho đến khoa thi hội cuối cùng vào năm 1919.
Tuyển chọn nhân tài phụng sự đất nước
Từ xưa tới nay, lịch sử dân tộc ta rất coi trọng hình thức tôn vinh hiền tài. Các bậc hiền tài, tiến sĩ tân khoa đỗ đạt thời xưa thường được vua ban thưởng tiền, mũ áo, cân đai, triều đình niêm yết bảng vàng, khắc tên trên bia đá, mời dự yến tiệc trong cung vua, xướng danh trước điện Kính Thiên, đi dạo ở vườn thượng uyển hay cấp ngựa, cho quân lính rước về quê vinh quy bái tổ... Bia tiến sĩ được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám kể từ năm 1484 chính là để lưu danh biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập của người dân đương thời và về sau. Qua thăng trầm của thời gian, đến nay Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn lưu 82 bia tiến sĩ ghi họ tên, quê quán của 1.302 vị tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi từ năm 1442 đến 1779. Trong đó có nhiều danh nhân tiêu biểu như: Vũ Hữu, Ngô Thì Sĩ, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm...
Tại Triển lãm “Bia đá kể chuyện”, người xem được giới thiệu thông tin của 14 bia tiến sĩ trong tổng số 82 bia tiến sĩ trong Vườn bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám. 14 bia đá ấy tương ứng với các khoa thi của giai đoạn 1442-1529 (từ triều Lê Sơ đến nhà Mạc). Một trong 10 tấm bia tiến sĩ đầu tiên được xây dựng để lưu danh các nhà khoa bảng là bia để danh tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442).
Trên tấm bia đầu tiên này có khắc bài văn bia bằng chữ Hán do Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, người viết chữ là Nguyễn Tủng, Tô Ngại khắc; trong đó có ghi tổng số người tham dự kỳ thi hội là 450 người và danh sách họ tên 33 vị đỗ tiến sĩ trong kỳ thi. Điều đáng chú ý là trên tấm bia đầu tiên ấy đã ghi lại câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung từ bao đời đến nay vẫn được lưu truyền: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Đây là quan điểm của nhà nước về giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài thời kỳ này và cũng được coi như lời tuyên ngôn cho tinh thần, mục tiêu của nền giáo dục Đại Việt, khuyến học thế hệ trẻ.
Với những giá trị tốt đẹp lưu truyền từ bao đời, Bia Tiến sĩ đã được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010, đến năm 2011 thì được ghi danh ở phạm vi toàn cầu. Năm 2015, Chính phủ nước ta công nhận 82 tấm bia tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia. Vì vậy, sau Triển lãm “Bia đá kể chuyện”, những câu chuyện về bia tiến sĩ sẽ còn tiếp tục được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng các cộng sự tổ chức giới thiệu tới công chúng, khách tham quan. Những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp cũng như công trạng của 1.302 vị tiến sĩ đang được lưu danh trên các tấm bia tại đây chính là những tư liệu quý góp phần giáo dục và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống hiếu học, trọng nhân tài của dân tộc ta hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: MINH THÀNH