Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đang gấp rút hoàn chỉnh bộ hồ sơ về lịch sử khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám, để đệ trình UNESCO sớm xét duyệt là Di sản Văn hóa thế giới.
Nguyện vọng của chính quyền và nhân dân Hà Nội là mong muốn UNESCO sớm công nhận trong năm 2010 để Việt Nam tiến hành Đại lễ kỉ niệm Thăng Long-Hà Nội tròn 1000 năm tuổi vào tháng 10-2010 càng thêm ý nghĩa.
*
* *
Văn Miếu dựng năm 1070, ở bên trong có tạc tượng Chu Công, Khổng Tử cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và vẽ hình 72 hiền nho để thờ cúng, bốn mùa có tổ chức tế lễ. Văn Miếu còn là nơi để riêng cho thế hệ thái tử (con vua) đến học tập: Mỗi tháng hai lần thái tử có mặt ở đây (Văn Miếu) để nghe giảng sách.
Năm 1076, tức là 6 năm sau lập Quốc Tử Giám ở liền đằng sau Văn Miếu để làm nhà học cho con cháu các quan đại thần.
Năm 1253, lại dựng trong khu học này nhà Quốc Học Viện để tuyển lựa những học sinh ưu tú trong cả nước về đây học tập.
Từ đầu thế kỉ thứ 15, việc học ngày càng phát triển nên năm 1483, cả khu này được xây dựng lại và mở rộng thêm ra. Văn Miếu khi ấy gồm có: điện đại thành để thờ tiên thánh, nhà giải vũ ở hai bên tay phải, tay trái chia ra thờ các tiên hiền, tiên nho. Điện sanh phục làm nơi túc yết, để các quan tới túc trực trước khi làm lễ. Một kho để chứa đồ tế khí và một khu làm nhà bếp.
|
Nét đẹp trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Duy Tường |
Phía đằng sau Văn Miếu là khu nhà học, gọi là nhà Thái học (học cao). Trong nhà Thái học, có lập 2 giảng đường, một ở phía Đông, một ở phía Tây làm chỗ giảng dạy học sinh (bây giờ gọi là lên lớp). Và đặt một kho bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách. Hai phía Đông, Tây nhà thái học là nhà cho học sinh ở, mỗi bên có 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, tổng cộng là 150 gian, đủ chỗ ở cho 300 học sinh. Số học sinh đến đây đều là những người đã thi Hương ở các địa phương và đều đỗ ở 4 kì.
Quy mô khu Văn Miếu và nhà thái học trong thời phong kiến như thế là đã rộng lớn. Cho tới đầu thời Nguyễn (năm 1802), vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) bãi bỏ Trường Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đổi nhà thái học thành nhà khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử và dựng Khuê Các (nay vẫn gọi là Vọng Khuê Văn Các) ở trước Văn Miếu.
Đến năm 1833, bức tường bao quanh Văn Miếu kéo dài gần 1 cây số, đã được xây lại và 40 cái cột khá to trong nhà Văn Miếu cũng được sơn lại.
Năm 1858, dãy nhà tả hữu Văn Miếu dùng làm nơi dựng bia (xin nhớ kĩ năm này-người biên soạn) cũng được tu sửa lại.
Hàng bia đá ở Văn Miếu ghi tên những người đỗ Tiến sĩ, kể từ khoa thi năm 1442 cho tới khoa thi (cuối cùng) năm 1778 (cách đây 1.231 năm).
Mỗi khoa thi được dựng thành một tấm bia. Nghĩa là trong khoảng thời gian ấy có tất cả là 116 khoa thi, đáng lẽ phải là 116 tấm bia, nhưng hiện nay chỉ còn 82 tấm (và 1 tấm mới phát hiện gần đây, vậy là chỉ còn 83 tấm bia).
Trong những tấm bia đó, có một số tấm bia bị vua, chúa nhà Nguyễn cho lệnh đục khoét đi, vì có nhiều dòng Văn bia ghi công đức chúa Trịnh hoặc là ghi tên tuổi những người đỗ “Tiến sĩ” mà tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
Cho đến năm 2009, Văn Miếu vẫn là một công trình kiến trúc cổ, xây dựng tương đối quy mô, tồn tại cho đến ngày nay ở Thủ đô Hà Nội.
Toàn khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám có chiều dài 350m, chiều rộng 75m, có ngót một cây số là tường bao quanh. Về phong thủy thì Văn Miếu hướng mặt về phía Nam, trông ra Văn Hồ. Văn Miếu gồm nhiều lớp nhà, lớp cửa và cách nhau 5 cái sân khá rộng.
Thoạt đi vào là cái cổng lớn của Văn Miếu, xây bằng gạch theo kiểu tam quan. Đi theo đường lát gạch, qua sân thứ nhất thẳng tới cổng lớn thứ hai là Đại Trung Môn, hai bên có 2 cổng nhỏ. Qua cửa Đại Trung Môn là vào sân thứ 2 và tới Khuê Văn Các, hai bên cũng có 2 cổng nhỏ. Sau đấy là vào sân thứ 3, ở đây có giếng nước hình vuông, xung quanh có bao lan can, gọi là Thiên Quang Tỉnh. Hai bên trái và phải của cái giếng là 2 dãy bia đá lớn dựng trên lưng con rùa đá. Qua các dãy bia thì tới cửa Đại thành, vào sân thứ 4, tức là vào khu vực chính của Văn Miếu gồm 2 nếp nhà chính, cách nhau bằng cái sân hẹp, mái của 2 nhà chính lợp bằng thứ ngói cổ rất to và dày. Nếp nhà ngoài là Đại bái để bày đồ thờ và tế lễ, nhưng mọi đồ vật ấy đã bị thực dân Pháp cướp phá tất cả, chỉ còn lại một bức hoành phi viết 4 chữ Hán “Vạn tuế sư biểu” (Tiêu biểu đạo làm thầy cho muôn đời) của vua Khang Hy nhà Thanh, ở cuối thế kỉ 17 đã tự tay viết và gửi sang cung tiến vào Văn Miếu.
Nếp nhà trong là chính-tẩm, ba mặt xây tường bao, mặt trước có cửa gỗ bức bàn. Trong chính-tẩm có khán thờ, đặt trên bệ gạch để thờ Khổng Tử. Phía đằng trước nhà đại bái, ở phía hai bên sân có 2 nhà tả hữu vu, để thờ thất thập nhị hiền (72 danh nho) nhưng cũng bị thực dân Pháp phá hủy. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới cho xây dựng lại từ sau khi tiếp quản Thủ đô (1954). Sau nhà chính-tẩm, đi vào là sân thứ năm. Trong sân này còn đền thờ Khải Thánh, tức nhà Thái học của thời nhà Lê, nhưng năm 1947 cũng bị thực dân Pháp phá trụi.
Năm 1442, khoa thi Tiến sĩ chính thức đầu tiên của nhà Lê sơ được tổ chức. Cũng nhân sự kiện này, Lê Thái Tông định ra lệ dựng bia, khắc tên những người đỗ Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nhưng mãi đến năm Hồng Đức thứ 15 (1844) (tức là phải sau khoa thi thứ nhất là 42 năm), dưới thời Lê Thánh Tông, ý định của Lê Thái Tông mới được thực hiện. Năm này dựng 10 bia của 10 khoa thi kể từ năm 1442 đến năm 1484.
Hiện nay ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 tấm bia, khắc tên 1.307 tiến sĩ của cả nước từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm 1779.
Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên là bia khắc tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 đời Lê Thái Tông (1442). Khoa thi này lấy đỗ 33 người (3 Tiến sĩ cập đệ, 7 Tiến sĩ xuất thân và 23 đồng Tiến sĩ xuất thân).
Ba người đỗ đầu là Nguyễn Trực (Trạng Nguyên); Nguyễn Như Đổ (Bảng Nhãn), Lương Như Hộc (Thám Hoa). Người xếp hàng đầu trong tấm bia này được khắc tên là Trạng Nguyên-Nguyễn Trực-người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
NGỌC MINH (Sưu tầm và biên soạn)