|
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc |
Hồ sơ đề cử “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội” là Di sản tư liệu thế giới đã hoàn thành phần nội dung tiếng Việt, đang tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Anh và hoàn tất những khâu cuối cùng, để chuyển đến UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào cuối tháng 11-2009. Bộ hồ sơ quan trọng này gồm 8 mục chính, trong đó giới thiệu tóm tắt về di sản; tổ chức đề cử; nội dung chi tiết về di sản; thông tin pháp lí; kế hoạch bảo vệ, quản lí, tiếp cận và một số thông tin khác. Quan trọng nhất của hồ sơ là phần đối chiếu so sánh giá trị di sản bia Tiến sĩ với các tiêu chí của UNESCO (tính quý hiếm, tính toàn vẹn, tính nguy cơ); bên cạnh đó còn đề cập đến tính xác thực, tính quốc tế, con người được khắc trên bia, chủ đề di sản (về tư tưởng chính trị, lịch sử, địa lí, triết học), hình thức và phong cách mỹ thuật...
Hồ sơ hoàn chỉnh sẽ bao gồm 1 bộ bằng tiếng Việt, 1 bộ bằng tiếng Anh cùng 4 phụ lục về lí lịch các tấm bia Tiến sĩ kèm theo ảnh; những bài viết, công trình nghiên cứu về bia; bản dịch nội dung khắc trên bia bằng tiếng Anh; bộ ảnh về 82 bia Tiến sĩ và khu di tích Quốc gia Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, xung quanh việc xây dựng hồ sơ và triển vọng của bia Tiến sĩ trong cuộc bình xét của UNESCO.
Phóng viên (PV): Ông có thể phác họa vài nét về giá trị của những tấm bia Tiến sĩ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội?
TS. Đặng Kim Ngọc: Hiện nay trong khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám này, những di vật có giá trị nhất, mang ý nghĩa nhiều nhất về góc độ văn hóa và lịch sử là những tấm bia Tiến sĩ. Nó là di sản văn hóa vô giá của đất nước ta. Giá trị của nó từ lâu đã được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử chứng nhận. Trước hết, đây là bằng chứng thể hiện sự tôn vinh những người tài, biểu dương những nhân tài của đất nước và cũng biểu tượng cho nền giáo dục khoa cử của chúng ta trong suốt 500 năm.
Những tấm bia đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ 15, năm 1484, nói về khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1482 cho đến thế kỉ 18 là khoảng trên 300 năm tồn tại. Cho đến hôm nay, chúng ta còn lưu giữ được 82 tấm bia. Bản thân những tấm bia này vừa là những tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo vừa hết sức có giá trị về mặt tìm hiểu nghiên cứu một giai đoạn phát triển nghệ thuật trang trí, điêu khắc của đất nước. Thứ nữa, bài kí điêu khắc trên bia với nội dung hết sức phong phú thông qua việc ghi lại lịch sử các khoa thi đã nói lên được quan điểm, tư tưởng của nhà nước về đào tạo, tuyển dụng nhân tài, về phát triển giáo dục và cả quan điểm về quản lí đất nước, sử dụng “cán bộ”. Quan điểm đó là giám sát, giáo dục cho đội ngũ, tầng lớp quan chức tuân thủ theo tiêu chuẩn cai trị đất nước là tài và đức. Đó là những thông tin mà những tấm bia cung cấp để chúng ta hiểu được một giai đoạn dài trong lịch sử đất nước.
|
Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
PV: Cách đây chưa lâu, Việt Nam đã có một di sản được xếp hạng Di sản tư liệu thế giới. Đó là Mộc bản triều Nguyễn. Nếu có thể so sánh, thì giá trị của 82 tấm bia Tiến sĩ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể sánh với Mộc bản triều Nguyễn không, thưa ông?
TS. Đặng Kim Ngọc: Mộc bản triều Nguyễn là những di vật rất có giá trị. Đó là những bản khắc bằng gỗ triều đình nhà Nguyễn ghi lại cách thức in ấn tác phẩm chính thống của triều đình. Còn những tấm bia đang đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều được các nhà khoa học, nhà quản lí thống nhất, giá trị của những tấm bia này rất ít hạng mục khác có thể so sánh. Do đó, khả năng hồ sơ này được chấp nhận rất cao.
PV: Việc xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu thế giới và Di sản văn hóa thế giới có khác nhau không, thưa ông?
TS. Đặng Kim Ngọc: Có khác! Ví dụ, Hoàng thành Thăng Long, Cung đình Huế, khu phố cổ Hội An… những di sản văn hóa thế giới, là cấp độ cao nhất cho nên hồ sơ cũng phức tạp, công phu, cầu kì và yêu cầu đòi hỏi cao hơn nhiều. Hồ sơ tư liệu thế giới ở cấp độ thấp hơn, lại ở mức châu Á-Thái Bình Dương nên yêu cầu đơn giản hơn.
PV: Trong quá trình xây dựng hồ sơ bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, chúng ta có nhận được sự giúp đỡ của UNESCO?
TS. Đặng Kim Ngọc: Đầu năm 2009, UNESCO thế giới đã tổ chức lớp tập huấn cho các nước có đăng kí di sản. Việt Nam đã cử một đoàn, trong đó có thành viên đại diện các cơ quan, tổ chức có tư liệu đăng kí đi tập huấn để tiếp thu phương pháp xây dựng hồ sơ. Đến thời hạn, chúng tôi phải báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Sở là cơ quan đứng tên nộp lên Ủy ban UNESCO Việt Nam. Ở đó có bộ phận thường trực là Ban điều phối UNESCO Việt Nam. Từ đây họ sẽ chuyển hồ sơ đến Ủy ban tiếp nhận hồ sơ của UNESCO thế giới. Tháng 3-2010 là biết kết quả được chấp nhận hay không. Đó cũng chính là giai đoạn cuối chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
PV: Sau khi gửi hồ sơ lên UNESCO, chúng ta còn cơ hội thuyết trình không, thưa ông?
TS. Đặng Kim Ngọc: Họ đã tạo cho mình cơ hội thuyết trình đề cương. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, họ cử chuyên gia sang Hà Nội tư vấn giúp mình chỉnh sửa hồ sơ. Còn khi mình đã nộp hồ sơ là không có điều kiện giải thích, thuyết trình nữa.
PV: Trong quá trình xây dựng hồ sơ, các ông có gặp khó khăn?
TS. Đặng Kim Ngọc: Cơ bản không khó khăn gì cả về mặt thời gian lẫn điều kiện. Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội nên thành phố rất quyết tâm và tạo điều kiện. Tuy nhiên, vẫn có một khó khăn. Đó là việc lĩnh hội yêu cầu về hồ sơ của UNESCO. Ta lĩnh hội không được hết, không đủ được ý của người ta nên mỗi lần chuyên gia UNESCO sang Hà Nội hướng dẫn thì lại vỡ thêm ra. Nếu không có họ, hồ sơ của chúng ta sẽ không thể đạt như đã làm.
PV: Nếu được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, UNESCO có ràng buộc chúng ta những yêu cầu về bảo tồn?
TS. Đặng Kim Ngọc: Qua trao đổi, tôi được biết, nếu như hồ sơ này được chấp nhận và được đưa vào danh sách những di sản tư liệu thế giới sẽ được hưởng những ưu đãi của UNESCO về bảo tồn bằng vật chất.
PV: Rất nhiều khả năng, di tích 82 tấm bia Tiến sĩ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội sẽ trở thành Di sản tư liệu thế giới. Việc ấy sẽ góp phần làm tăng giá trị của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, việc này cũng khiến trách nhiệm bảo vệ di sản thêm nặng?
TS. Đặng Kim Ngọc: Bia Tiến sĩ có tính độc đáo bao gồm cả việc để lộ thiên. Trước đây hơn chục năm chỉ là “đầu trần”. Đến năm 1994 mới xây dựng mái che. Tuy nhiên, dù có mái che nhưng việc bảo vệ vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là du khách hiếu kì, lại thiếu ý thức về cộng đồng, chạm vào đầu rùa để cầu may chăng. Việc đó xuất hiện hơn chục năm trở lại đây làm di sản bị mòn đi.
Chính ông Áp-ba-khon, chuyên gia rất có kinh nghiệm trong việc này của UNESCO đã gợi ý, nhiều nơi cũng gặp trường hợp này và người ta làm lồng kính bọc kín di sản.
PV: Nhưng thưa ông, nếu làm theo gợi ý của chuyên gia UNESCO sẽ làm giảm bớt tính thú vị của việc tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Những tấm bia để trần tạo cảm giác gần gũi hơn cho khách tham quan.
TS. Đặng Kim Ngọc: Bây giờ bàn về biện pháp bảo tồn, gìn giữ những tấm bia này hết sức phong phú về ý kiến. Ai cũng nhất trí cần phải bảo vệ nhưng giải pháp thế nào?
Chính vì nhiều ý kiến quá nên công tác bảo vệ tổng thể vẫn chưa triển khai được. Biện pháp hiện tại là trực tiếp nhắc nhở du khách. Bình thường thì không sao nhưng dịp thi đại học, thi chuyển cấp hay Tết, số lượng du khách tăng đột biến lên hàng trăm, việc nhắc nhở hết sức khó khăn.
PV: Khi trở thành Di sản tư liệu thế giới, nên chăng chúng ta mở một chiến dịch giáo dục ý thức gìn giữ di sản độc đáo này?
TS. Đặng Kim Ngọc: Tôi chỉ nêu một thực tế. Ý thức xã hội ở ta, tôi không nói là không có, nhưng có thể tạm cho rằng là hơi kém. Ví dụ như việc chấp hành luật giao thông rất yếu. Tôi chỉ thấy mỗi một chuyện mà người ta có ý thức thực sự là việc ở nhà bước xuống đường là đi bên phải, dù đường vắng tanh.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
DƯƠNG MỸ (thực hiện)