QĐND - Văn miếu Trấn Biên Ðồng Nai chính là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Văn miếu Trấn Biên là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng của nền văn hóa dân tộc.
|
Văn miếu Trấn Biên. |
Năm 1698, khi Chưởng cơ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất thì vùng Đồng Nai bấy giờ đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất ở phía Nam. Đó là Cù Lao Phố. Nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho vùng đất mới, 17 năm sau, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên, với vai trò như một trung tâm văn hóa-giáo dục ở vùng đất Đồng Nai. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Phía Nam trông ra Phước Giang, phía Bắc dựa vào Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...”. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, chép: “Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh”. Người dân Nam Bộ kính trọng gọi đó là Văn Thánh miếu, nơi không chỉ thờ Khổng Tử mà còn thờ phụng các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, giáo dục của đất nước.
|
Khuê Văn các Văn miếu Trấn Biên. |
Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai là sự tiếp nối truyền thống của Văn miếu Thăng Long, là biểu trưng của tinh thần hiếu học và những giá trị văn hóa. Văn miếu Trấn Biên được trùng tu năm 1794. Ðích thân chúa Nguyễn đến đây dâng lễ vào mùa xuân và mùa thu hằng năm. Từ năm 1802, vua nhà Nguyễn ủy nhiệm quan Tổng trấn thành Gia Ðịnh, quan Tổng trấn Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ hằng năm thay nhà vua. Thời đó, bên cạnh Văn miếu Trấn Biên là trường học của tỉnh Biên Hòa. Gắn liền với Văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển, đã sinh ra những danh nhân làm rạng rỡ miền đất phương nam như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Ðức, Nguyễn Ðình Chiểu, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Ðịnh.
Văn miếu Trấn Biên trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852. Năm Giáp Dần đời hưng nhà Nguyễn (1794) văn miếu được trùng tu với kiến trúc quy mô, có “Đại thành điện”, “Đại thành môn”, “Thần miếu”, “Dục Thánh từ”, “Khuê Văn các”, “Dụng lễ đường”, “Sùng văn đường”.
|
|
Văn bia Văn miếu Trấn Biên. |
Bia thờ Khổng Tử tại Văn miếu Trấn Biên. |
Năm 1861, khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa (theo “Biên Hòa sử lược” của nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu), chúng đã tàn phá hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm dập tắt tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ. Văn miếu Trấn Biên bị hủy hoại sau 146 năm tồn tại. Người đời nay chỉ hình dung Văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách.
Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhất là các cuộc chiến tranh xâm lược của giặc ngoại xâm, trong tâm thức của người Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên vẫn luôn luôn tồn tại. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa-Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên trên nền Văn miếu xưa, nay thuộc phường Bửu Long, TP Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Văn miếu Trấn Biên được xây dựng lại theo hình thức truyền thống nhưng thể hiện biểu trưng mới về văn hóa-giáo dục và tinh thần trọng việc học hành theo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Văn miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của địa phương; đồng thời là một thiết chế văn hóa, du lịch gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia. Do vậy, ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa-giáo dục xưa và nay, Văn miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực. Từ khi khánh thành (năm 2002) đến nay, Văn miếu Trấn Biên là nơi thường xuyên diễn ra lễ viếng các bậc tiền nhân, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục. Ngoài ra, văn miếu còn là nơi đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.
Bài và ảnh: Phạm Quang Trọng