Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn
Trà Cổ là một vùng đất cổ biên viễn nằm phía Đông Bắc Tổ quốc. Phía bắc cách con sông Ka Long là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tuyên ngôn của cư dân ở đây kể lại rằng: ...Ngày xửa ngày xưa có 12 gia đình ngư dân hai thôn Cổ Trai và Trà Phương (Đồ Sơn, Hải Phòng) đang đánh cá ở vùng biển Bắc thì gặp bão to, gió lớn, triều cường. Thuyền dạt vào bờ bắc sông Mang (Ka Long) nhưng chức trách ở đây không cho người nước Nam cập bến. Họ buộc phải bẻ lái cho thuyền chạy về hướng Nam giữa bão tố, cuồng phong. Thuyền dạt vào một gò đất xung quanh sú, vẹt ken dày. Nghe tin có thuyền gặp nạn, bà con mạn ngược Ka Long đã băng mưa to, gió lớn mang thuốc men, cơm áo xuống cứu trợ.
Đi qua trận bão dông trong ấm áp nghĩa tình đồng bào vùng đất chưa có tên này, bà con ngư dân Đồ Sơn đều nhận ra rằng: Đây là một miền quê phong thủy tốt tươi; phong tục trọng hậu, tình đồng bào đằm thắm. 6 gia đình đã quyết tâm ở lại với vùng địa đầu Tổ quốc này để khai cơ, lập nghiệp. Họ lấy chữ “Trà” trong tên làng Trà Phương và chữ “Cổ” trong tên làng Cổ Trai để đặt tên cho vùng đất biên viễn này là Trà Cổ.
Đất lành chim đậu, 6 gia đình người Đồ Sơn ở lại lập làng biên viễn Trà Cổ làm ăn thuận hòa, phát đinh, phát lộc. Vùng đất sú, vẹt xưa nhanh chóng trở thành một làng ven sông, ven biển trù phú thu hút cư dân mạn ngược Ka Long cùng đến định cư lâu dài. Trà Cổ thành một bến cá trù phú tấp nập tàu, thuyền vào ra, cư dân bờ bắc Ka Long (Quảng Tây, Trung Quốc) cũng ghé thuyền sang buôn bán nhộn nhịp. Tiếng Việt chen tiếng Hoa rôm rả từ mờ sáng đến tối. Trà Cổ trở thành cầu nối giao thương Việt-Trung ngày càng nhộn nhịp.
Có làng là có đình làng. Nhân dân Trà Cổ chọn khu đất cao nhất, đẹp nhất dựng lên ngôi đình nho nhỏ để thờ Sơn thần, Thủy thần, Thành hoàng làng và làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Câu tục ngữ: “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” được truyền từ đời này sang đời khác như một lời nhắc nhở cháu con nhớ về gốc gác họ tộc quê hương mình, nhớ về những tiền nhân đã khai hoang phục hóa lập làng.
Ngôi đình cổ thuần Việt
Năm 1400, trong chuyến tuần du vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân tại Trà Cổ. Nghe chuyện cư dân Đồ Sơn tự nguyện ra vùng đất này để ra khơi vào lộng đánh bắt hải sản và phát triển vùng đất hoang sơ này trở thành một làng biên viễn trù phú, Vua Lê Thánh Tông hết lời ngợi khen. Với tầm nhìn xa của bậc minh vương, Vua Lê Thánh Tông nhận ra ý nghĩa chiến lược to lớn của vùng đất này... Thấy ngôi đình làng tọa lạc trên vùng đất phong thủy cực đẹp nhưng kiến trúc còn khiêm tốn, nhà vua ban chiếu chỉ: Miễn thuế cho cư dân vùng đất này 30 năm, miễn phu đài, tạp dịch cho tráng đinh 5 năm để lấy của, lấy công xây mới ngôi đình làng thật to đẹp, bền chắc. Giao Bộ Công cử người ra giúp nhà chức trách nơi đây thiết kế, thi công ngôi đình, xuất quốc khố 500 lạng vàng hỗ trợ. Phong cho 6 cư dân Đồ Sơn đầu tiên ra đây lập làng là “Nhân thần”, tôn là “Thành hoàng làng” được để bài vị vào đình để thờ cúng, cho phép chọn thêm các anh hùng hào kiệt có công với xã tắc giang sơn, bờ cõi, cương vực của đất nước phối thờ trong đình.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, mùa xuân Quang Thuận (thứ hai Tân Tỵ 1461), đình được khởi công xây dựng.
Đình quay về hướng Nam, dài 29,8m, rộng 18,5m, kiến trúc kiểu chữ J quen thuộc. Đình gồm 5 gian, 2 chái tiền đường và 3 gian hậu cung. Mái đình lợp ngói mũi hài, trên bờ tường đắp lưỡng long chầu nhật trên các đầu đao, con guột uốn cong hình rồng tạo cho đình nét uyển chuyển, mềm mại. Hệ thống vì kèo được kết cấu theo kiểu giá chiêng, chồng rường chạm trổ sắc nét, ghép mộng chắc chắn. Đình có 32 cây cột gỗ lim được kê trên đá tảng, trong đó có 14 cột đường kính gần 0,7m, cao 5m và 18 cột đường kính 0,5m, tất cả đều được sơn son thếp vàng. Đình Trà Cổ là ngôi đình duy nhất của Việt Nam còn nguyên hệ thống ván sàn. Sàn được lát xung quanh bằng nhau, ở giữa lòng đình chia làm 3 cấp, gian ngoài cao, càng giữa càng thấp xuống, mỗi lớp sàn chênh lệch nhau 20cm, cao cách mặt đất 50m. Sàn còn được lát cả ngoài hiên. Các gian đình còn được đóng dầm ngang dọc, lát ván có tác dụng giữ cho bộ khung không bị xiêu vẹo và cũng là chỗ để phân biệt ngôi thứ trong làng xã dưới chế độ cũ. Các đường nét chạm khắc được chạm trổ, kênh bóng công phu, tỉ mỉ, sắc nét, bố cục cân xứng hài hòa tạo thành những bức tranh khắc gỗ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chế tác gỗ, mang đậm phong cách thời Lê, thuần Việt.
Thoạt đầu bước vào đình là 6 bức chạm kênh bóng đầu rồng trên 6 đầu bẫy. Đầu rồng được gối lên cột hiên, miệng ngậm đường xà đỡ mái, đao mái đầu rồng khỏe mập sau một vài nếp uốn lượn đều là nét thẳng về phía sau. Trên các đao mái là các con rồng múa lượn, đầu hướng về phía trước. Các bức cốn được chạm trổ rất đẹp, công phu, hầu hết nét trang trí đều mang phong cách nghệ thuật đời Hậu Lê với đề tài chủ yếu là rồng, phượng, đao, mái, mây, lửa tương ứng với khát vọng giữ nước, vươn tới, sản xuất, môi trường sống... 5 bức cửa võng, mỗi bức dài 3,4m nối các cột cái theo chiều dài đình. Mỗi bức cửa là một bức tranh chạm khắc tinh xảo mô tả cảnh tiên cưỡi rồng bay trong mây vượt qua nhấp nhô sóng biển, phía trên chính giữa cửa vòm là hình lưỡng long chầu nguyệt quen thuộc nhưng được cách điệu một cách cầu kỳ, phóng khoáng. Trên hai bức cốn ở gian giữa còn chạm hình một đàn rồng mẹ, rồng con đang múa lượn quấn quýt, uyển chuyển bên nhau. Bức cốn phía trái chạm hình tiên cưỡi rồng đang bay trong mây. Phải chăng hình tượng rồng, tiên quần hội trong các bức tranh gỗ độc đáo này là lời nhắn gửi của tiền nhân với hậu thế huyền thoại “con rồng, cháu tiên" của con dân đất Việt.
Dọc hai bên lối đi từ cửa chính vào là hai hàng lan can nối các sàn với nhau có chiều cao 0,65cm, dài 1,8m được ghép bằng 23 phiến gỗ lim. Hình tượng chạm trổ trên hai bức lan can này là hai con rồng ngẩng cao, miệng rộng, mắt mở tròn to, thân rồng càng về sau càng giảm dần rồi vút thẳng. Rồng và Mặt trăng được những người thợ tài hoa đặt trong khung cảnh trời mây, hoa, lá hài hòa, gần gũi với trí tưởng tượng của người Việt, như một lời nhắc nhở đời sau nhớ về huyền tích cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, nghĩa đồng bào. Gian tiền đường của đình Trà Cổ nổi bật bức đại tự sơn son thếp vàng, nội dung khẳng định chủ quyền quốc gia: “Nam sơn tịnh thọ, Địa cửu trường thiên” (tạm dịch: Nước nam bền vững, trời đất rộng, dài). Chạy dọc theo các hàng cột đình là những đôi câu đối nói rõ ý nghĩa khi dựng ngôi đình này là “Bảo hộ xã tắc muôn đời vững như bàn thạch, sáng chói hào quang” và nhắc nhở cháu con: “Phải biết yêu lấy đất, trời này. Văn phải hay, võ phải giỏi, để lại phúc phận cho đất nước”.
|
|
Một nghi lễ trong Lễ hội đình Trà Cổ. |
Hậu cung đình Trà Cổ rộng 72m là nơi thờ cúng tôn nghiêm, đặt long ngai bài vị thờ 6 vị có công dựng làng Trà Cổ được vua ban Thành hoàng làng. Rất tiếc qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, họ tên các vị đã bị thất truyền. Ngăn cách giữa tiền đường và hậu đường là bức đại tự “Nghiễm nhược lãm” nghĩa là: Vào đình phải nghiêm túc, lịch lãm. Giữa hậu cung đình là bức cốn được chạm trổ công phu, tinh xảo theo lối tả thực làm nổi bật hình tượng bông sen đang nở, đặt chính giữa giải hoa văn ô vuông phía dưới bức xà. Theo các nhà nghiên cứu di sản văn hóa đánh giá thì đây là bông hoa sen duy nhất được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các đình làng cực Bắc Tổ quốc. Thêm một minh chứng về sự thịnh trị của văn hóa Phật giáo Việt Nam thời Vua Lê Thánh Tông. Nhưng có lẽ vượt ra ngoài tâm ý của các nghệ nhân ngày ấy, gần 600 năm sau, hoa sen là biểu trưng thiêng liêng gắn bó quê hương với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Bác Hồ.
Đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2014. Nơi đây được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất có quy mô đồ sộ, kiến trúc đẹp, độc đáo còn lưu giữ được nhiều nguyên bản nhất Việt Nam. Ở nơi giao thoa văn hóa Việt-Trung nhưng từ kiến trúc, bài trí, tín ngưỡng, lễ hội... đều thuần Việt. Vì thế vượt lên trên ý nghĩa một ngôi đình, đình Trà Cổ trở thành một cột mốc biên cương không xây bằng cốt thép, bê tông mà xây nên bằng hồn cốt văn hóa Việt. Ngôi đình không chỉ khẳng định cương vực quốc gia mà còn là minh chứng cho truyền thống giữ nước bằng văn hóa của dân tộc.
Bài và ảnh: NGUYỄN KHẮC THUẦN