Từ “tiếng hát" đến “lễ hội”

Lễ hội làng Sen diễn ra vào dịp sinh nhật Bác hằng năm là cuộc hành hương của hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên văn nghệ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp cả nước về xứ Nghệ, về làng Sen để “hát về Người-Hồ Chí Minh”, bày tỏ lòng ngưỡng vọng, thành kính nhớ ơn Người.

Ông Nguyễn Hữu Thuông, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ An-kiến trúc sư đầu tiên của chương trình này, từng chia sẻ: "Ngày đó, một nỗi niềm luôn canh cánh trong tôi là làm sao để hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm mang đậm màu sắc xứ Nghệ. Thế rồi ý tưởng liên hoan những bài hát về Bác Hồ lóe sáng trong đầu. Từ đó, kế hoạch Liên hoan tiếng hát làng Sen ra đời".

Ngày 19-5-1981, Liên hoan tiếng hát làng Sen lần thứ nhất diễn ra trên một không gian văn hóa rộng lớn: Thành phố Vinh-làng Chùa-làng Sen với 5 đoàn nghệ thuật quần chúng: TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Hà Nội, Huế và Nghệ An. Liên hoan thành công ngoài mong đợi tạo nên mốc son đáng nhớ, một dấu ấn văn hóa đặc biệt không chỉ cho nhân dân xứ Nghệ. Từ đó, đến hẹn lại về làng Sen, Liên hoan tiếng hát làng Sen thu hút đông đảo lực lượng diễn viên quần chúng, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ hai miền Nam-Bắc. Xứ Nghệ thực sự trở thành một không gian văn hóa lan tỏa những bài ca về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, sôi nổi, hào hùng, say mê. Riêng huyện Nam Đàn, liên tục trong ngần ấy năm, tất cả các xã, thị trấn cũng như các cơ quan, trường học trên địa bàn đều có tiết mục, chương trình tham gia với chất lượng cao, đầy đủ các nội dung của lễ hội.

Để tạo nên sức sống lâu bền của lễ hội, từ năm 1985 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh liên tục mở các trại sáng tác bài hát về Bác Hồ. Viết về Bác là nỗi niềm canh cánh trong tâm thức các nhạc sĩ từ lâu, vì thế khi có dịp về làng Sen, sống cùng làng Sen, tiếp nhận được những cảm xúc nồng ấm từ làng Sen, các nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều bài hát về Bác Hồ, về Mẹ làng Sen, về xứ Nghệ đi cùng năm tháng...

Những sáng tác ra đời đã được các nghệ sĩ đón nhận, dàn dựng và biểu diễn ngay, tạo nên hiệu ứng văn hóa rộng rãi trong công chúng. Theo nhạc sĩ Lê Hàm, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An: Có thể nói, không có trại sáng tác âm nhạc nào mà chất lượng nghệ thuật thành công được như các trại sáng tác tại làng Sen. Tình Bác đã làm cho những ca khúc mới của các nhạc sĩ viết về Người có sức sống thật mãnh liệt, dài lâu.

Hình tượng Bác Hồ trong các lễ hội được xây dựng trên nhiều bình diện khác nhau, đa dạng, phong phú, lắng đọng. Mỗi kỳ liên hoan, lễ hội, ban tổ chức chọn một chủ đề như: “Toàn dân hát về Bác Hồ” (năm 1981), “Nhân dân các dân tộc miền núi hát về Bác” (năm 1989), “Cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang hát về Bác” (năm 1994), “Khúc hát truyền thống dâng Người” (năm 1996)... Từ chủ đề chung, các đơn vị tham gia đã sáng tạo ra nhiều phương thức biểu diễn phong phú, đa dạng và còn có tên gọi riêng cho chương trình nghệ thuật của mình, như: “Bác Hồ với Tây Nguyên” của đoàn Gia Lai, “Việt Bắc nhớ Bác khôn nguôi” của tỉnh Điện Biên, “Miền Nam trong trái tim Người” của TP Hồ Chí Minh... Qua từng năm tháng, số lượng tham gia của các địa phương ngày càng tăng, khúc hát lượn, hát sli theo bên điệu lý Nam Bộ, khúc dân ca quan họ bên điệu hò khoan sông Mã làm cho mỗi chương trình biểu diễn mang sắc thái nghệ thuật sinh động, mới lạ, cuốn hút người xem. Đặc biệt, với các địa phương mà Bác từng sống và làm việc, chương trình nghệ thuật lại gắn với những sự kiện lịch sử, có dấu ấn riêng. Được đầu tư công phu nên dẫu là văn nghệ quần chúng nhưng nội dung, hình thức đều chỉn chu, nghiêm túc, đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Với các nghệ sĩ, được hát về Bác trên quê Bác kính yêu khiến ai nấy đều gắng hết sức mình, hát với những cảm xúc, tình cảm thiêng liêng nhất. Qua thực tiễn liên hoan, rất nhiều diễn viên quần chúng xuất sắc đã được phát hiện, bổ sung cho lực lượng chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ trưởng thành nhanh chóng qua các kỳ liên hoan tiếng hát làng Sen, trong đó có những nghệ sĩ sau này trở thành Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, như: Bích Ngọc, Tiến Dũng, Ngọc Hà (Nghệ An), Y Moan (Gia Lai), A Mư Nhân (Bình Thuận)...

Năm 2001, sau 20 năm tổ chức, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức “Hội thảo khoa học về Tiếng hát làng Sen”. 76 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của liên hoan này, đặc biệt nhấn mạnh đến sự lan tỏa của văn hóa Hồ Chí Minh sau mỗi đợt liên hoan. Kết luận của hội thảo đã quyết định nâng tầm sự kiện này thành Lễ hội làng Sen cấp quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng, tạo điều kiện phát triển về quy mô, đan xen, lồng ghép nhiều loại hình, hoạt động văn hóa để tình cảm thiêng liêng với Bác của lực lượng văn hóa, văn nghệ cả nước trở nên lung linh hơn.

leftcenterrightdel

 Chương trình nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ hội làng Sen năm 2015. Ảnh: HOÀNG TRINH 

Lan tỏa văn hóa Hồ Chí Minh

Được sự đầu tư của Bộ VHTTDL, kịch bản Lễ hội làng Sen cấp quốc gia đã được xây dựng theo phương án đan xen, lồng ghép nhiều hoạt động văn hóa trên một không gian rộng lớn, với biểu diễn văn nghệ quần chúng là hạt nhân trung tâm, nhân dân là chủ thể của lễ hội.

Mở đầu là lễ dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ ở TP Vinh (Nghệ An) với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, nhân dân. Tiếp đó là cuộc diễu hành về báo công với Bác ở Khu di tích Kim Liên. Lễ rước ảnh Bác từ quê ngoại Hoàng Trù về quê nội Kim Liên. Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức song hành cùng liên hoan văn nghệ. Đó là: Tuần lễ chiếu phim về Bác Hồ, Tuần lễ đọc sách về Bác Hồ, Triển lãm tranh ảnh về đề tài Bác Hồ, Hội thi người đẹp làng Sen, Hội thi kể chuyện về Bác Hồ, Viết chữ thư pháp, Hội trại “Thanh niên làm theo lời Bác”, Triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của Nam Đàn, giới thiệu địa chỉ du lịch văn hóa, lịch sử Nghệ An, thi đấu thể thao...

leftcenterrightdel

Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật trong chương trình Lễ hội làng Sen. Ảnh: HOÀNG TRINH 

Mặc dù lễ hội trải dài trên một không gian văn hóa rộng lớn từ TP Vinh đến Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn), về quê ngoại, quê nội Bác, nhưng có sự đầu tư công sức, chỉ đạo nội dung của Bộ VHTTDL, các nhà khoa học, nhà quản lý, 4 kỳ lễ hội làng Sen cấp quốc gia diễn ra hết sức sôi động, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, trang trọng. Cách điều hành của ban tổ chức kỳ lễ hội sau nhịp nhàng hơn kỳ lễ hội trước. Qua mỗi lần lễ hội cấp quốc gia, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nghệ An đều tổ chức tổng kết cả về lý luận và thực tiễn công tác tổ chức... Quả thực, Lễ hội làng Sen đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hoạt động văn hóa, trở thành nơi quy tụ lòng dân thành kính biết ơn, ngưỡng vọng Bác. Chính vì thế lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia một cách tự giác, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa từ lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa trong nhân dân, đúng như câu hát “nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn”.

 

Những năm qua, vì yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 nên Lễ hội làng Sen phải tạm dừng. Song, trong lòng người dân xứ Nghệ, trong lòng người khắp mọi miền Nam-Bắc về viếng Bác trong dịp 19-5, những tình cảm thiêng liêng với Bác, sự lan tỏa văn hóa Hồ Chí Minh từ khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn âm thầm tuôn chảy.

Trong điều kiện bình thường mới, để chuẩn bị cho Lễ hội Làng Sen năm nay, vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Nghệ An. Thể theo tình cảm và nguyện vọng của đồng bào cả nước, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất đề nghị cấp trên cho phép nâng cấp Lễ hội làng Sen thành Lễ hội văn hóa Hồ Chí Minh.

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN