leftcenterrightdel
Trưng bày về Đường Trường Sơn tại Bảo tàng.

Không gian trưng bày về hoạt động văn nghệ Trường Sơn chỉ chưa đầy 2m2 trong bảo tàng nhưng cũng đủ giúp người xem cảm nhận được thế giới văn hóa-nghệ thuật của các nghệ sĩ-chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi phải chống chọi với mưa bom bão đạn quân thù, những người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, cất cao lời ca, tiếng hát, vượt qua khó khăn, gian khổ, đói rét và hiểm nguy. Đây là chiếc áo tự may để mặc biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội của Đội Tuyên truyền văn hóa Trung đoàn Pháo phòng không 20. Kia là cuốn tập nhạc viết tay rất nắn nót với tiêu đề “Trên tuyến đầu chống Mỹ” của nhạc sĩ Hồng Hải, chép lại 80 bài hát của nhiều nhạc sĩ để mang bên mình suốt dặm đường chiến đấu. Một chiếc đàn accordion từng chinh chiến khắp các sân khấu của chiến sĩ Binh trạm 34, Sư đoàn 472. Một chiếc máy quay phim của Cục Chính trị, Đoàn 559 sử dụng ghi lại các hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trong những năm 1966-1975. Đặc biệt, hai cây đàn tự tạo từ vỏ ống pháo sáng thu được của địch. Một cây đàn guitar của Đội Tuyên truyền Binh trạm 34, Sư đoàn 472, Bộ tư lệnh Trường Sơn và một cây đàn mandolin của các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 84, Sư đoàn 968, Bộ tư lệnh Trường Sơn... Những nhạc cụ tuy đơn sơ nhưng vô cùng giá trị, như những người bạn đem lại niềm vui cho các chiến sĩ trên bước đường hành quân, sau mỗi ngày làm việc vất vả...

leftcenterrightdel
Những vật dụng tự tạo của chiến sĩ Trường Sơn.

Tham quan các khu trưng bày tại bảo tàng, chúng tôi như được tiếp thêm ngọn lửa tinh thần của thế hệ thanh niên một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Giữa đại ngàn Trường Sơn, những người lính đọc thơ, thổi sáo cho nhau nghe; người nghệ sĩ, diễn viên không quản bom đạn, vào tận chiến hào biểu diễn nghệ thuật động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội. Tinh thần quyết chiến sục sôi của người lính làm nhiệm vụ trên các tuyến đường Trường Sơn còn được thể hiện bởi biết bao khẩu hiệu được viết lên trên mảnh gỗ xù xì, tấm phên nứa, vỏ đạn hay gốc cây: “Sống bám đường/ Chết kiên cường dũng cảm”; “Máu công binh có thể đổ/ Đường không thể tắc”; “Sông nước là trận địa/ Cầu phà là vũ khí/ Công binh là dũng sĩ kiên cường”; Sê San nổi sóng phà qua/ Lòng người chiến sĩ "xê ba" (C3) quản gì”... Chính đời sống văn hóa, văn nghệ lan tỏa khắp chiến hào, mọi nẻo đường đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Bộ đội Trường Sơn cùng quân dân cả nước đánh thắng kẻ thù.

leftcenterrightdel
Đàn ghi ta tự tạo từ vỏ ống pháo sáng của Đội tuyên truyền Binh trạm 34, Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Chị Lương Thị Nguyệt, hướng dẫn viên Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh kể: Nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc còn sống, trong một lần tham quan bảo tàng đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một thời trai trẻ của mình đang đọc thơ cho đồng đội nghe giữa núi rừng Trường Sơn tại đây. Ông đã viết vào cuốn sổ ghi cảm tưởng rằng: “Không thể mang cả núi rừng Trường Sơn về trong một ngôi nhà, nhưng ngôi nhà Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã chứa đựng tất cả những kim cương, quặng quý của dãy núi ấy”. Có lẽ đó cũng là lý do khiến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trở thành một trong những địa chỉ được đông đảo du khách tìm đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Mỗi năm, bảo tàng đón hơn 20.000 lượt khách tham quan. Hằng năm, bảo tàng còn phối hợp với các trường phổ thông tổ chức nói chuyện lịch sử, giáo dục, tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Bài và ảnh: MINH THÀNH