QĐND - Du khách đến tham quan Làng kháng chiến Vực Quành (xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đều được trải nghiệm sâu sắc về những ký ức thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Những công sự, hầm hào, nhà cửa của một thời nhân dân Quảng Bình “vừa sản xuất, vừa chiến đấu” được ông Nguyễn Xuân Liên tái hiện rất sinh động ở đây.

Khách tham quan vừa được thưởng ngoạn một khu sinh thái trong lành, yên bình, vừa hoài niệm về những tháng năm cả nước cùng ra trận. Đặc biệt, trong Khu du lịch Vực Quành còn trưng bày, giới thiệu các loại vỏ bom đạn Mỹ đã giội xuống mảnh đất Quảng Bình. Những vỏ quả bom han gỉ xếp thành đống, dựng thành hàng, vừa là chứng tích tội ác, đồng thời cũng là giáo cụ trực quan để ông Liên giới thiệu với khách, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về chiến tranh.

Hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Xuân Liên bán nhà ở Hà Nội, vào Quảng Bình lập “Làng kháng chiến”. Ông mua 13ha đất làm khu du lịch sinh thái, đồng thời xây dựng một quần thể tái hiện làng mạc Quảng Bình thời chiến gồm các nhà tranh vách đất, hầm hào, công sự, nhà trẻ, lớp học dưới lòng đất... Ngoài ra, còn có những khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà bia ghi danh các liệt sĩ hy sinh trên đất Quảng Bình. Rồi ông đi các nghĩa trang trong tỉnh để ghi chép thông tin về mộ chí của các liệt sĩ, nhờ đó mà nhiều gia đình đã tìm được thân nhân của mình sau nhiều năm tìm kiếm…

Một số loại vỏ bom của không quân Mỹ được ông Liên trưng bày ở Làng kháng chiến Vực Quành.

Việc kỳ công nhất của ông Liên là sưu tầm các loại vỏ bom đạn Mỹ đã ném xuống Quảng Bình trong chiến tranh. Việc này không chỉ là tính kiên trì, chịu khó, mà cần có sự am hiểu nhất định về các loại bom, mìn, đạn dược của địch. Trong chống Mỹ, Quảng Bình là tỉnh nằm ở vùng “cán xoong” Khu IV, là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, đồng thời cũng là hậu phương trực tiếp của miền Nam, nên địch tập trung một khối lượng lớn bom đạn ném xuống vùng đất này. Riêng năm 1967, lượng bom đạn tăng gấp 3 lần so với năm 1966 và các năm sau đều tăng hơn nhiều lần. Trong gần 10 năm tiến hành Chiến tranh phá hoại (tháng 2-1964 đến tháng 1-1973), đế quốc Mỹ đã cho máy bay đánh phá Quảng Bình 72.561 lần, tàu chiến từ Hạm đội 7 bắn phá 2.544 lần, với hơn 1 triệu tấn bom đạn các loại. Tính ra, bình quân mỗi người dân Quảng Bình phải hứng chịu 2,3 tấn bom đạn Mỹ. Người dân Quảng Bình hồi ấy thường nói: “Về đầu làng gặp bom tấn, giữa làng thấy bom tạ, ra sau vườn thấy bom bi, ta đội bom mà đi, tháo bom mà cày cấy”.

Trận bom cuối cùng đế quốc Mỹ ném xuống Quảng Bình là ngày 13-1-1973, nghĩa là trước lúc ký Hiệp định Pa-ri 2 tuần, làm hơn 150 người dân vô tội và thanh niên xung phong ở xã Thanh Trạch bị giết hại. Cũng từ đó, bầu trời miền Bắc hết tiếng bom rơi, đạn nổ, nhưng cũng từ ngày ấy đến nay, thi thoảng vẫn có tiếng bom đạn thời chiến tranh sót lại vang lên, danh sách các nạn nhân bom, mìn còn dài thêm. Để người dân hiểu về tính năng từng loại bom của địch trong thời chiến, cũng như sự nguy hiểm của những “thần chết” đang ẩn mình dưới lòng đất, ông Nguyễn Xuân Liên đã kỳ công sưu tầm nhiều loại vỏ bom đạn Mỹ để giới thiệu với khách tham quan gần xa.

Rất tiếc là khi chúng tôi đến Khu du lịch Vực Quành, ông Liên đi vắng. Nhưng may mắn được gặp anh Đào Hữu Toàn, người giúp việc cho ông từ thuở mới lập làng đến nay. Dạo này vì tình hình sức khỏe không được tốt nên ông Liên thường ra Hà Nội chữa bệnh, vợ chồng anh Toàn - chị Luyến ở xã Nghĩa Ninh thường trực để hướng dẫn khách tham quan. Nói về số vỏ bom, mìn ông Liên sưu tầm được, anh Toàn chia sẻ: “Bác Liên là người rất chịu khó, ngoài việc tìm tòi các kỷ vật chiến tranh để trưng bày, bác đã đầu tư, chở về rất nhiều loại bom, mìn đã tháo ruột. Nói là “đầu tư” bởi chỉ tính riêng các loại vỏ bom, bác đã bỏ tiền túi hơn 35 triệu đồng để mua về từ đại lý sắt phế liệu. Gọi chúng là phế liệu nhưng bác phải mua với giá vật liệu, gần ngang giá sắt thép hiện hành. Nhưng khi tìm thấy “hàng quý hiếm” thì đắt mấy bác cũng mua”.

Dưới tán cây bưởi đang nở hoa thơm dịu nhẹ, anh Toàn lại say sưa nói về các chủng loại bom, mìn mà anh đã nhiều lần giúp ông Liên dựng lên chỗ này, khiêng đến chỗ kia cho hợp ý ông. Anh Toàn kể: “Hơn 30 vỏ bom có ở đây, quả nào cũng rất nặng, như loại Mk81 nặng 113kg, Mk82 nặng 227kg, nặng nhất là bom Mk84 nặng đến gần 1 tấn. Loại này có sức công phá rất lớn, hố bom sâu đến 11m, rộng hơn 15m, dùng để phá hoại các công trình trọng điểm, chặn sự chi viện trên các tuyến đường huyết mạch của ta. Ngoài ra, còn các loại bom khoan, bom chùm, đủ các loại bom đạn do đế quốc Mỹ huy động nhưng không thể khuất phục được ý chí sắt thép của quân và dân Quảng Bình”.

Bài và ảnh: XUÂN VUI