QĐND - Tọa lạc trên phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, Bảo tàng Công an nhân dân thu hút đông đảo du khách tham quan. Những hiện vật, các tổ hợp mỹ thuật, các phòng lưu niệm ở đây mang đến cho người xem dấu ấn về những chiến công to lớn và thầm lặng của lực lượng Công an nhân dân...

Đại tá Nguyễn Thị Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng, khẳng định: “Bảo tàng có hệ thống trưng bày được chỉnh lý, bổ sung và có nhiều đổi mới cả về số lượng hiện vật, diện tích trưng bày, phòng khánh tiết... Kết hợp các hiện vật gốc với các tổ hợp mỹ thuật đã tái hiện các vụ án, chuyên án, các vấn đề, lịch sử... Mong muốn của chúng tôi là luôn hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan”.

 Tổ hợp mỹ thuật chuyên đề: “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Với hơn 2.000 hiện vật, nhiều chủ đề hấp dẫn như ở gian trưng bày chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân nhân", người xem bị cuốn hút bởi bức thư của Bác gửi đồng chí Hoàng Mai vẫn còn nguyên vẹn màu sắc, từng nét chữ. Thật xúc động trước những lời căn dặn của Người: “Trên tờ báo phải luôn rèn luyện anh em tư cách đạo đức, tư cách người công an cách mệnh: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”... Những lời căn dặn ấy đã trở thành 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân cho đến ngày hôm nay...

 Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tra cứu bảng thông tin điện tử.

Trong các gian trưng bày còn lồng ghép đưa các tổ hợp mỹ thuật, mô phỏng sinh động các vụ án nổi tiếng trong lịch sử, hệ thống tra cứu điện tử giúp người xem dễ dàng cập nhật thông tin... Nhiều tổ hợp mỹ thuật như: "Công an xưởng Nam Bộ trong kháng chiến" nói về tổ chức công an được thành lập với mục đích sửa chữa, phục hồi và sản xuất vũ khí, đồ dùng sinh hoạt trang bị cho cán bộ, chiến sĩ công an ở khu vực Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu kháng chiến; tổ hợp mỹ thuật vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu; tổ hợp mỹ thuật "Căn cứ cách mạng K20 của Quận ủy quận III, thành phố Đà Nẵng"... rất sinh động, phong phú. Bên bức tượng của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Hợi, nhiều người xem bùi ngùi, xúc động và kính phục tinh thần anh dũng, quả cảm của chị. Ngày 27-9-1950, chị đã xách vali bom lên Thông báo hạm Amyot P'lnville của giặc Pháp, bình thản chấp nhận hy sinh để cho nổ tung Thông báo hạm Amyot P'lnville.

Không gian thoáng rộng, trưng bày khoa học, hiện đại, tôn vinh rõ nét hình ảnh người chiến sĩ công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ"... Đó là cảm nhận chung của nhiều du khách về tham quan bảo tàng.

Bài và ảnh: VĂN HẠNH