Năm 1659, dưới thời vua Lê Thần Tông, đình Hội Thống được khởi công. Chỉ sau một năm, ngôi đình được hoàn thành theo kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm hai tòa chính là Nội Tẩm và Bái Đường. Nội Tẩm đặt bài vị thờ Thành hoàng. Bái Đường có 7 gian, 32 chân cột lớn có chu vi lên đến 1,7m. Chính giữa Bái Đường đặt bức hoành phi khắc 3 chữ Hán "Kiên Nghĩa xã" do nhà vua ban. Đó là sự ghi nhận của triều đình với việc người dân có công phò vua, giúp nước. Vì thế, đình Hội Thống còn có tên khác là đình Kiên Nghĩa.
Đời nhà Nguyễn, đình Hội Thống được tôn tạo, nâng cấp, trở thành một ngôi đình đẹp nổi tiếng xứ Nghệ, là niềm tự hào của người Xuân Hội. Nhà thơ Nguyễn Hành, tiến sĩ đầu triều Nguyễn từng mô tả về ngôi đình này trong "Bài văn thúc ước": "Một ngôi đình nước chảy vào lòng/ Bốn tòa miếu cây vờn nên bóng...", "Xã Mỹ Nhân chốn chốn sum vầy/ Làng Kiên Nghĩa đâu đâu trọng vọng".
|
|
Voi đá trong đình Hội Thống. |
Cùng vẻ đẹp nổi tiếng gần xa, đình Hội Thống còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của người dân nơi đây. Theo tục lệ, hằng năm vào đầu mùa xuân, dân làng tổ chức hội họp tại đình Hội Thống mừng năm mới, chúc nhau vạn sự tốt lành và cho đọc lại "Bài văn thúc ước". Dịp vui chơi này thường tổ chức cuộc thi rất độc đáo mang tên "cử đỉnh". Những người tham gia cuộc thi đều là thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Luật chơi khá đơn giản, người chơi di chuyển một hòn đá lớn đi nhiều vòng quanh sân đình. Ai di chuyển được nhiều nhất là người chiến thắng. Ngoài tục mừng năm mới, theo cuốn “Di tích danh thắng Hà Tĩnh”, mỗi năm, tại đình có hai lễ tế: Tế xuân và tế thu. Còn theo cuốn “Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam”, hằng năm, đình Hội Thống có 4 lễ hội lớn, gồm: Lễ khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), lễ du xuân (ngày 16 tháng Giêng), lễ kỳ yên (ngày 15 tháng Bảy âm lịch), lễ rước đồ mã (ngày 25, 26 tháng Chạp). Ngoài ra, sau mỗi lần tế Thành hoàng, người dân Xuân Hội còn tổ chức lễ hạ điền ở khoảng ruộng trước đình.
Cùng những giá trị về mặt kiến trúc và văn hóa, tín ngưỡng, đình Hội Thống còn mang nhiều giá trị về mặt khảo cổ. Trong quá trình thăm dò, thám sát, khai quật, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật là đồ gốm, chì, lưới, đất nung và nhiều mảnh vỡ sành, sứ liên quan đến các nền văn hóa cổ Việt Nam có niên đại vào khoảng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18; bát gốm men trắng hoa lam Trung Quốc (thế kỷ 16-18); mảnh gốm Hizen Nhật Bản (sản xuất vào khoảng nửa sau thế kỷ 17). Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, các hiện vật gốm sứ và di vật văn hóa cổ có niên đại từ khoảng thế kỷ 13-14 cho thấy, khu vực Hội Thống là một thương cảng cổ từng có một giai đoạn phát triển mạnh dưới thời Trần. Đặc biệt, việc phát hiện các mảnh gốm Hizen cho thấy, từ khoảng thế kỷ 17 đã có sự xuất hiện của thương nhân người Nhật đến buôn bán, giao thương tại khu vực thương cảng cổ Hội Thống.
Do mang nhiều giá trị độc đáo, đình Hội Thống đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1995. Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá do thiên tai nên nhiều hạng mục của đình đã bị xuống cấp, hư hỏng. Tháng 8-2021, xã Xuân Hội đã tiến hành trùng tu, sửa chữa một số hạng mục như các cột trụ nhà tiếp văn, tiếp võ. Tuy nhiên, về tổng thể, đình Hội Thống đã xuống cấp rất nhiều, cần có phương án trùng tu, nâng cấp, bảo tồn.
Bài và ảnh: NGUYÊN NHUNG