Dù đã có biết bao công trình nghiên cứu, dù bao giả thuyết đã được đưa ra, nhưng đến hiện tại, nguồn gốc của ngôi đình làng Việt vẫn chưa được công nhận chính thức. Theo cuốn “Đình Việt Nam” của Giáo sư sử học Hà Văn Tấn, từ thế kỷ thứ II, từ “đình” đã xuất hiện. Tuy nhiên, thời đó, chữ “đình” gắn với chữ “trạm”, tức là “đình trạm”-nơi nghỉ chân của khách qua đường. Đến thời nhà Trần, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi:  “Thượng hoàng xuống chiếu rằng, trong nước ta, phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ. Trước là tục nước ta, sau là vì nắng mưa nên làm đình để cho người ta đi đường nghỉ chân, trát vách bằng vôi trắng gọi là đình trạm”. Thời nhà Lê, “Hồng Đức thiên chính” ghi:  “Người giàu đã bỏ tiền làm đình hay công đức làm chùa… Vậy con cháu đặt hậu ở đình hay ở chùa mà thấy kẻ giữ ở hậu có trái lễ thì trình báo với nha môn để thu lại tiền công đức”.

Ngoài công trình “Đình Việt Nam” của Giáo sư Hà Văn Tấn, còn có không ít ý kiến khác nhau về nguồn gốc của ngôi đình làng. Có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng. Ý kiến khác cho rằng, vào thời Lý ở Thăng Long, những phương đình được xây dựng để dán các thông báo của chính quyền, hoặc làm nơi tuyên đọc các chiếu chỉ của nhà vua. Sau đó, kiến trúc loại này tỏa về làng với chức năng như trụ sở hành chính của làng. Cũng có ý kiến xuất phát từ tín ngưỡng, cho rằng, đình làng bắt nguồn từ các kiến trúc thờ thần đất và thần nước.

leftcenterrightdel
Đình Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1553 dưới thời vua Lê Thần Tông, thờ Đức Thánh Tản, là hình ảnh tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ đặc sắc của người Việt xưa.  
Trên thực tế, với những chứng tích còn hiện hữu, ngôi đình làng Việt cổ nhất được xác định là đình Thanh Hà thuộc làng Thanh Hà trước kia, nay thuộc phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bia của đình đề năm Thuận Thiên thứ 3 (1433), tức thời Lê Sơ, đầu thế kỉ XV. Một số ngôi đình cổ khác được xác định thời gian xây dựng, gồm: Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) dựng năm 1531, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) năm 1566, đình Là (Thường Tín, Hà Nội) năm 1581, đình Nghiêm Phúc (xã Lam Cầu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) năm 1591, đình Đại Đoan (xã Đoan Bái, Gia Lương, Ninh Bình) năm 1583…

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, đình làng là sản phẩm riêng có của dân tộc Việt Nam. Người Việt sáng tạo ngôi đình để đề cao tín ngưỡng thờ cúng của mình, là nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho tất cả các di tích khác và tạo nên được một thế cân bằng cho tâm hồn người Việt trong khủng hoảng tinh thần của xã hội, để người Việt Nam luôn là người Việt Nam.

Ngôi đình làng Việt mang 3 chức năng cơ bản, gồm: Tín ngưỡng, hành chính và văn hóa.

Ở chức năng tín ngưỡng, các đình làng Việt thường thờ cúng Thành Hoàng làng. Mỗi đình làng có thể có một Thành Hoàng khác nhau. Đó trước hết là các thần tự nhiên được khoác áo nhân thần với các tiểu sử thế tục như: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Cao Các, Quý Minh. Thứ hai là các nhân thần, tức các nhân vật lịch sử như: Lý Bôn, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo… Thành Hoàng làng thứ ba gắn liền với tín ngưỡng bản địa, như tục thờ cây, thờ đá thời nguyên thủy... Còn một Thành Hoàng làng phổ biến nữa là những người có công khai phá đất đai, lập nên làng.

leftcenterrightdel
Đình Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) được xây dựng khoảng thế kỷ 17 thờ thành hoàng làng là các vị tiên công đã có công lập ra xã Quan Lạn và thờ Trần Khánh Dư, một vị tướng thời nhà Trần, người có công lớn trong trận đánh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, Cửa Lục góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: VĂN TUYẾN 
Ở chức năng hành chính, đình làng thực sự là một trụ sở hành chính cấp thấp nhất. Đó là nơi xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng, từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh…

Ở chức năng văn hóa, đình làng luôn giữ vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. Trong đó, đỉnh cao của sinh hoạt văn hóa mỗi làng Việt luôn là hội làng-hoạt động “xuân thu nhị kỳ” có quy mô và gây ấn tượng nhất trong năm. Hội làng thường gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ là các hoạt động có tính nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng. Phần hội là hoạt động mang tính giải trí, gắn liền với thế tục, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Trải qua nhiều thế kỷ, cả ba chức năng chính yếu của ngôi đình làng Việt hiện vẫn phát huy hiệu quả trong cuộc sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trong đó, chức năng văn hóa ngày càng phát triển, trở thành những dấu ấn riêng có của mỗi làng quê. Đình làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian… Và hơn thế, ngôi đình làng đã trở thành một hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt. Lễ hội ở đình trở nên linh thiêng và có sức cộng cảm. Mọi khía cạnh đời thường được nâng lên không gian thiêng liêng. Những người con xa xứ khi nhớ về quê hương đều không quên hình ảnh đình làng-chứng tích tâm hồn, nhân chứng lịch sử bởi đó cũng chính là một mảnh hồn quê…

VŨ LÊ NGỌC