Những năm gần đây, nhận thức của chúng ta về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa tâm linh ngày càng rõ hơn. Theo GS Hồ Sĩ Vịnh, nhận thức này có được từ khẳng định của các nhà nhân học quốc tế về thuộc tính tâm linh của con người. Con người là một sinh vật kỳ diệu, có khối óc và trái tim biết rung động trước những giá trị tinh thần đẹp đẽ, cao cả. Từ đó, hình thành nên một đời sống tâm linh sâu thẳm. Vì vậy, văn hóa tâm linh có sức sống bền vững. Thừa nhận vai trò của văn hóa tâm linh càng củng cố niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Thực chất văn hóa tâm linh không chấp nhận mê tín, dị đoan.

Và đình làng-công trình kiến trúc cổ truyền, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa của người dân, chính là một biểu tượng văn hóa tâm linh của làng quê Việt. Đình là nơi tổ chức lễ hội, nơi người Việt chia sẻ, gửi gắm tình cảm, nơi nam nữ hò hẹn, tình tự. Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, em thương mình bấy nhiêu. Đình vừa thiêng liêng, vừa dân dã, nên “ai đi xa cũng nhớ về”. Trong nhật ký của bao lớp trai làng lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, đình làng như lời hẹn ước ngày trở lại, là động lực thôi thúc người lính hoàn thành nhiệm vụ với quê hương, đất nước.

Trong suốt nghìn năm Bắc thuộc, người Việt Nam chỉ mất nước chứ chưa bao giờ mất làng. Làng trở thành thành lũy, nền tảng của văn hóa dân tộc. Vì lẽ đó, bảo tồn, tôn tạo, phát huy ý nghĩa văn hóa của đình làng là vấn đề cốt yếu trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta không chỉ gìn giữ các di sản kiến trúc đình làng, mà còn gìn giữ mối tương quan của con người với di sản đó. Điều quan trọng là làm cho người dân hiểu và tiếp tục gắn bó với đình làng, thì cộng đồng làng, xã sẽ được cố kết với nhau, sẽ có chỗ dựa vững chắc, sẽ có niềm tin về cội nguồn và cuộc sống hiện tại.

HỒNG HẢI