“Hổ phụ sinh hổ tử”
Dân gian có câu “hổ phụ sinh hổ tử”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. PGS, TS, BS Vương Thị Ngọc Lan là một trường hợp như thế.
Nói đến lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, không thể không nhắc đến vai trò khai phá, xây dựng từ những viên gạch đầu tiên trong công trình “thụ tinh trong ống nghiệm” của Giáo sư, BS, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng. TS, BS Vương Thị Ngọc Lan chính là con gái của BS Ngọc Phượng. Nhiều năm qua, BS Lan cùng chồng-ThS, BS Hồ Mạnh Tường-đã và đang đạt được nhiều thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn...
|
|
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và mẹ. |
Vương Thị Ngọc Lan tốt nghiệp Á khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 1996, sau đó trở thành bác sĩ phụ sản Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Cùng lúc ấy, ngành phụ sản Việt Nam bắt đầu tiến hành một công trình khoa học mà sau này mang lại hạnh phúc cho hàng triệu người, đó là phương pháp IVF. Trong ê kíp thực hiện, Ngọc Lan là bác sĩ trẻ tuổi nhất. Thời gian đầu, ê kíp phải trải qua rất nhiều lần thất bại khi thực hiện phương pháp mới, đồng thời cũng phải đối mặt với vô số định kiến, áp lực xã hội lúc bấy giờ. Nhiều người vì thế mà nản lòng.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Ngọc Lan không ngừng động viên những thành viên trong ê kíp. Sau 14 ca thất bại, đến ca thứ 15 thì tin vui đã tới. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca IVF. Mọi cảm xúc như vỡ òa.
Ngày 30-4-1998, Phạm Tường Lan Thy chào đời. Em được đặt tên với chữ lót Tường-Lan thay cho lời cảm ơn chân thành cùng sự biết ơn đối với vợ chồng BS Hồ Mạnh Tường-Vương Thị Ngọc Lan, những người đã giúp em có mặt trên đời, giúp gia đình em có thành viên mới.
Đây được xem là ngày “lịch sử”. Không chỉ mang lại niềm tin cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có cơ hội làm cha, làm mẹ, nó còn đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam, đập tan mọi hoài nghi về IVF.
- Vì sao chị lại chọn ngành này?-chúng tôi hỏi chị.
- Tôi chọn chuyên ngành sản vì lúc nhỏ tôi thường theo mẹ vào bệnh viện, thấy các em bé được sinh ra rất là kỳ diệu. Các bác sĩ sản khoa có trách nhiệm rất lớn vì mình nắm trong tay sinh mạng của hai con người! Căng thẳng biết bao nhiêu. Nhưng đến khi sản phụ “mẹ tròn con vuông”, hình ảnh em bé khóc, người mẹ cười, cả gia đình sản phụ vui mừng, khiến tôi thấy hạnh phúc-BS Lan nói.
Tận tâm với người bệnh
Khi kỹ thuật IVF được triển khai rộng rãi, BS Vương Thị Ngọc Lan lại tiếp tục suy tư, trăn trở. Chi phí cho một ca IVF khoảng 70 triệu đồng, còn quá cao với mức thu nhập của nhiều cặp vợ chồng. “Mỗi khi thấy bệnh nhân nói tui không có tiền, tui chấp nhận không có con, chấp nhận gia đình đổ vỡ… thật sự tôi thấy rất trăn trở”-BS Lan tâm sự.
BS Lan nhận thấy vấn đề ở chỗ, gần một nửa chi phí trong tổng số tiền điều trị là dành cho việc tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Nếu không phải tiêm thuốc, chi phí sẽ giảm đi một nửa…
Năm 2004, tại một hội nghị quốc tế ở châu Âu, chị được nghe báo cáo về kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (TTTNTON). Kỹ thuật này vượt trội hơn kỹ thuật thông thường ở chỗ bệnh nhân chỉ phải tiêm rất ít thuốc, rút ngắn thời gian điều trị và giảm đi 50% chi phí. Chị thầm reo lên: Lối ra đây rồi!
Thế là Vương Thị Ngọc Lan quyết định học bằng được phương pháp này, rồi chị đem về Việt Nam áp dụng thành công. Phương pháp TTTNTON đã mở ra hướng điều trị cho những cặp vợ chồng trẻ có điều kiện để làm IVF nhưng không có điều kiện kinh tế.
Đến nay BS Ngọc Lan và các đồng nghiệp đã thực hiện gần 10.000 ca điều trị hiếm muộn bằng phương pháp TTTNTON. Hiện trên thế giới, số quốc gia thực hiện thành công phương pháp này không nhiều. Có thể nói, BS Ngọc Lan đã góp phần đưa tên tuổi điều trị hiếm muộn của Việt Nam lên tầm thế giới, sánh ngang các quốc gia phát triển trong điều trị hiếm muộn.
Nhưng, kể cả khi chi phí đã giảm đi một nửa thì cũng vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng không có đủ kinh phí. Chị tiếp tục trăn trở một câu hỏi: Làm sao để mang tới hạnh phúc cho các cặp vợ chồng, thậm chí những người nghèo cũng được hưởng kỹ thuật này?
Tháng 9-2014, khởi nguồn trên ý tưởng của mẹ-BS Ngọc Phượng, BS Ngọc Lan cùng các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện Chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”, điều trị hiếm muộn miễn phí cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, chương trình trải qua 5 đợt đồng hành, với hơn 150 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên khắp cả nước. Tỷ lệ thụ thai thành công đạt 76%, nhiều em bé được chào đời từ chương trình ý nghĩa này. Điểm đặc biệt là đa số các cặp vợ chồng tham gia chương trình đều được chính tay BS Vương Thị Ngọc Lan thực hiện, từ khâu chọc hút trứng, thụ tinh, trữ đông đến cấy phôi.
|
|
Một buổi khám, tư vấn cho bệnh nhân của BS Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những trái ngọt hạnh phúc đã hình thành, tấm lòng của BS Vương Thị Ngọc Lan đã được đền đáp. Nhưng với chị như thế vẫn chưa đủ. Mỗi năm chị lại tự hứa với mình rằng năm sau sẽ phải làm nhiều hơn, phải giỏi chuyên môn hơn, có những công trình chất lượng hơn. Có như thế mới giúp đỡ được nhiều người, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình hơn nữa.
Đến Giải thưởng Tạ Quang Bửu
PGS, TS, BS Vương Thị Ngọc Lan là một trong ba nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, với công trình “nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang”, đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine (NEJM).
Các nhà khoa học đánh giá, kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Ước tính cả thế giới mỗi năm có hơn hai triệu cặp vợ chồng thực hiện IVF và có gần ba triệu lượt chuyển phôi đông lạnh. Tại Việt Nam hiện nay, mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện IVF và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Bằng việc trả lời câu hỏi khi nào thực hiện kiểu chuyển phôi nào, công trình trên giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Được biết, BS Ngọc Lan cùng các cộng sự phải sửa bản thảo nội bộ tổng cộng 17 lần trong khoảng 10 tháng để có một bản thảo hoàn chỉnh nhất nộp cho Tạp chí NEJM, sau đó còn phải trải qua nhiều vòng, nhiều câu hỏi, điều chỉnh trong nhiều tháng trời. Chị nói: “Đó là một quá trình dài, đầy căng thẳng nhưng cũng đầy thú vị. Mình học được nhiều điều và trưởng thành hơn từ hành trình đó”.
Lý giải về thành công của mình, BS Vương Thị Ngọc Lan thấy bản thân rất may mắn khi được làm việc cùng nhóm nghiên cứu được tổ chức chuyên nghiệp, tuân theo các chuẩn mực khoa học, làm việc có chất lượng và đầy nhiệt huyết. Chị cũng không quên nhắc tới gia đình với sự xúc động: “Tôi biết ơn gia đình tôi vì tôi hy sinh cho công việc bao nhiêu thì mẹ tôi, chồng tôi và các con tôi cũng hy sinh cho tôi bấy nhiêu”!
BS Vương Thị Ngọc Lan hiện là Phó trưởng khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và là Trưởng bộ môn Sản, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chị thường được trìu mến gọi là “người mẹ của nghìn con”.
BS Ngọc Lan là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp IVF, hỗ trợ phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và giúp xây dựng các trung tâm IVF khắp mọi miền đất nước. Năm 1998, chị được vinh danh tại Giải thưởng Kovalevskaia dành cho tập thể lao động nữ vì công trình IVF đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2017, chị được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
BS Vương Thị Ngọc Lan còn say mê nghiên cứu khoa học. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, chị đã có 3 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.
Hằng ngày, BS Ngọc Lan bắt đầu công việc sản phụ khoa từ 7 giờ sáng. Chị giảng dạy lâm sàng cho sinh viên, học viên sau đại học; buổi trưa làm thụ tinh trong ống nghiệm; buổi chiều tham gia công việc quản lý ở trường, dạy lý thuyết trên giảng đường (nếu có giờ giảng), đọc tài liệu, soạn bài giảng, viết bài nghiên cứu. Chiều muộn, chị đi khám ngoài giờ. BS Lan về nhà khoảng 7 giờ tối, cùng ăn cơm tối, nói chuyện và kiểm tra việc học hành của các con. Sau 22 giờ và sáng sớm là lúc chị suy nghĩ, đọc các đề tài nghiên cứu, viết báo, trả lời email...
|
HOÀNG VIỆT