Trong đó, cách ứng xử phổ biến nhất, được lưu truyền ngàn đời qua là “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Cái sự ăn không chỉ để no bụng, nạp năng lượng phục vụ cuộc sống. Thuở trước, khi điều kiện kinh tế còn muôn vàn khó khăn, việc ăn cho no cái bụng trở thành vấn đề lớn với bao gia đình Việt. Bởi thế, “ăn trông nồi” là tự biết cân đối sử dụng lượng cơm, thức ăn sao cho cân bằng với các thành viên trên mâm cơm. Tuy nhiên, trên mâm cơm người Việt không có sự “công bằng” tuyệt đối. Thuở khó khăn, cha mẹ “buộc mồm”, nhường cơm cho các con đang tuổi “ăn không biết no” là chuyện thường tình.

leftcenterrightdel
 Người Việt luôn coi trọng văn hóa truyền thống bên mâm cơm. Ảnh: NGỌC MỸ

Thời sau này, nhu cầu “ăn no” được nâng lên thành “ăn ngon”. Ngoài chuyện cha mẹ nhường con cái, lại có việc hậu sinh dành món ngon để kính bố mẹ, ông bà.

Trên mâm cơm người Việt, cái sự “ăn trông nồi” không chỉ thể hiện cách ứng xử tế nhị mà còn là sự nhường nhịn, dành cho nhau của các thành viên trong gia đình, là đức hy sinh vô vàn của cha mẹ dành cho con cái.

Khác với “ăn trông nồi” thể hiện trong quá trình dùng bữa, việc “ngồi trông hướng” thường được thực hiện trước bữa ăn. Bữa cơm trong căn nhà 3 gian hay 5 gian truyền thống thường diễn ra ở gian giữa, tức là gian đặt ban thờ ông bà, tổ tiên. Vì thế, việc ngồi ăn cơm trước tiên phải tuyệt đối tránh xoay lưng về phía ban thờ. Thứ nữa, vị trí ngồi trên mâm cơm thể hiện thứ bậc trong gia đình. Bậc trưởng thượng ngồi ở những vị trí trang trọng nhất. Con cháu ngồi dưới. Phụ nữ thường đảm nhận việc xới cơm, tiếp canh...

Người hiểu lễ tiết, khi ngồi xuống mâm cơm, sẽ tự biết lựa chọn vị trí phù hợp.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” không chỉ là một “quy chuẩn” trên mâm cơm của người Việt. Đó còn là một triết lý sống quý giá. “Ăn trông nồi” khuyên nhủ người ta về cách cư xử đúng mực trong ăn uống. Ấy cũng là lời khuyên về cách ứng xử trong cuộc sống. Khi mỗi người đều biết nhường nhịn, biết hy sinh, tất yếu sẽ tạo nên một cộng đồng ấm áp, biết quan tâm, chăm sóc cho nhau.

Trong khi đó, “ngồi trông hướng” thể hiện tôn ti, trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi người cần phải chú ý chọn vị trí phù hợp với thứ bậc, vai trò của mình. Nơi tôn nghiêm càng phải chú ý việc đi lại, đứng ngồi, ăn nói cho phù hợp, thể hiện có văn hóa.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là một bài học đạo lý được người Việt truyền lại từ ngàn đời. Mỗi người đều cần phải rèn luyện về cách cư xử, cử chỉ đúng mực, lịch sự, không quá hồn nhiên trong ăn uống, trong xử sự. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, bài học ấy càng cần thiết. Một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn trọng từ cách ăn, cách uống từ trong gia đình sẽ hình thành được ý thức tốt và cách ứng xử phù hợp với cuộc sống. Hơn thế, đó còn là đức hy sinh. Muốn có một xã hội tốt đẹp, thịnh vượng, mỗi người đều phải biết hy sinh cái cá nhân vì cái chung. Để sau đó, mỗi người đều được hưởng thụ lợi ích lớn hơn nhiều lần từ cái chung tốt đẹp.

TRẦN LONG