Nhà văn NIÊ THANH MAI (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk): Khuyến khích sáng tác bằng nhiều hình thức

leftcenterrightdel
  Nhà văn Niê Thanh Mai. 

Đối với các tác giả, nhất là người sinh ra sau chiến tranh, đề tài LLVT và CTCM là thử thách lớn. Dù vậy, tại Đắk Lắk, đề tài sáng tác này vẫn luôn thu hút các văn nghệ sĩ. Trong những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác về nhiều đơn vị bộ đội trên địa bàn.

Những cuộc gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ giúp các tác giả hiểu sâu và đầy đủ hơn đời sống, nhiệm vụ cũng như những vất vả, hy sinh, tình cảm của bộ đội. Mỗi hành trình, chuyến đi thực tế, Hội luôn chú trọng hướng tới từng đề tài, nhân vật, chủ đề xuyên suốt để các tác giả chủ động thu thập tư liệu, hình thành ý tưởng, đề cương cho tác phẩm của mình hiệu quả nhất. Từ đó, nhiều tác phẩm có chiều sâu và cảm xúc đã ra đời, đến với cán bộ, chiến sĩ và lan tỏa tới đông đảo công chúng.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để vận động, khuyến khích sáng tác, chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm và quảng bá tác phẩm bằng nhiều cách thức khác nhau khá hiệu quả. Những điều đó phần nào khích lệ các tác giả trong việc nỗ lực sáng tác về đề tài LLVT và CTCM.

Để các tác giả có những điều kiện và động lực sáng tạo tốt nhất, ngoài hỗ trợ về tư liệu, chất liệu và cảm xúc sáng tạo thông qua những chuyến đi thực tế tới các đơn vị, các cuộc gặp mặt, trao đổi; chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn mang tính chuyên đề.

Chẳng hạn như tọa đàm chuyên ngành văn học chuyên đề sáng tác về người lính và cách mạng (dự kiến tháng 5-2025); chương trình công bố, giới thiệu tác phẩm mới sáng tác về đề tài LLVT và CTCM; tập huấn chuyên ngành cho cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS và Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk...

Qua đó, vừa giúp các văn nghệ sĩ có điều kiện gần gũi, hiểu hơn về bộ đội và môi trường quân ngũ, vừa thiết thực giúp nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa-văn nghệ tại đơn vị. Hơn thế, qua đây có thể phát hiện, phát triển các hạt nhân, tài năng sáng tác là chính những cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị, góp phần bổ sung vào đội ngũ tác giả mới trong Quân đội.

---------------------------------

Thượng tá, nhà văn PHÙNG VĂN KHAI (Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Tạo động lực mạnh mẽ cho đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng

leftcenterrightdel
      Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai. 

Làm thế nào để các tác phẩm của đội ngũ tác giả trong Quân đội có đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho Quân đội? Quan trọng nhất là tác phẩm phải đi được vào quần chúng nhân dân, đi được vào đời sống bộ đội. Để tiếp tục khơi thông và tạo động lực mạnh mẽ cho dòng văn học viết về người lính và chiến tranh, những kiến nghị được đặt ra và cần thực hiện một cách liên tục, bền vững. Đó là:

Cần quan tâm bồi dưỡng sâu sắc, toàn diện về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng và nhu cầu về hưởng thụ ở một mức độ cao hơn đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tình hình mới cho đội ngũ tác giả. Phải đặt những sáng tác trong khung cảnh đổi mới cũng như nhận thức cao hơn, toàn diện hơn của đông đảo bạn đọc để đội ngũ nhà văn trẻ đặt mục tiêu, lý tưởng phấn đấu trên từng trang viết.

Cần phải chăm sóc và tạo điều kiện đi thực tế, đi cơ sở, nhất là đi tới những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, tìm hiểu kỹ đời sống của bộ đội và nhân dân để từ đó tác giả có kiến thức sâu rộng, toàn diện, sự đồng cam cộng khổ phải được hiện hình trong từng trang viết một cách trung thực nhất.

Cần phải tiến hành thực hiện tốt khu vực tiếp nhận bản thảo, xây dựng các hội đồng để thẩm định đối với từng tác phẩm, nhất là các tác phẩm giàu cá tính và có những thể nghiệm về nội dung văn bản, hình thức nghệ thuật, để từ đó lựa chọn ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân. Có sự đầu tư bài bản, thực hiện phát hành và quảng bá tác phẩm dưới nhiều hình thức như: Sách in, sách điện tử, sách nói, sách 3D để hấp dẫn các khu vực người đọc, tạo sức sống mạnh mẽ cho từng tác phẩm.

Cùng với đó, phải thực hiện việc khen thưởng, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần với đội ngũ tác giả trong và ngoài Quân đội viết về đề tài người lính và chiến tranh; để đề tài trên luôn có sức hấp dẫn lâu bền, góp phần trở thành một trong những trụ cột đáng tin cậy trong việc bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng chính trị, kiến thức văn hóa, đời sống tinh thần ngày càng tốt hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

------------------------

Tác giả trẻ HỒ THỊ LINH XUÂN (An Giang): Đề tài thách thức với người viết trẻ

leftcenterrightdel
     Tác giả Hồ Thị Linh Xuân. 

Viết về chiến tranh luôn khó và nhiều thách thức, đòi hỏi ở người viết sự nghiêm cẩn rất cao. Khó khăn lớn nhất đối với tôi và nhiều tác giả trẻ hiện nay là thiếu trải nghiệm, nhận thức và vốn sống về chiến tranh. Vì vậy, người viết trẻ phải dày công nghiên cứu tư liệu, sử liệu, đọc nhiều sách báo, những tác phẩm văn chương của thế hệ đi trước... để hình dung không khí của thời đoạn đã lùi xa ấy như thế nào. Đặc biệt, tìm hiểu từ những người đã đi qua chiến tranh bởi chính những “tư liệu sống” giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về Quân đội cũng như chất liệu cho các sáng tác. Dù biết văn chương là hư cấu nhưng suy cho cùng phải được xây dựng từ cái thực thì mới không sa vào mô tả sáo rỗng, ngô nghê, cưỡi ngựa xem hoa.

Viết về đề tài LLVT và CTCM, các thế hệ đi trước, những nhà văn tên tuổi, những người có trải nghiệm thật về chiến tranh đã viết rất nhiều. Có những tác phẩm đỉnh cao đã "đóng đinh" vào nhiều thế hệ độc giả. Hôm nay cần khai thác, viết về đề tài này như thế nào để không cũ kỹ, xáo mòn, đó cũng là thách thức lớn cho người viết trẻ. Trong khi đó, những tác giả ngoài Quân đội, nhất là người viết trẻ hiện nay, ít có điều kiện tiếp xúc với môi trường Quân đội, với bộ đội để tìm cho mình các nhân vật điển hình.

Cũng bởi những khó khăn, thách thức của đề tài khiến nhiều tác giả trẻ có phần e dè, không mấy mặn mà; trong khi có nhiều đề tài khác dễ khai thác và tìm chất liệu lại gần gũi với đời sống, “ăn khách” hơn. Vì thế mà người trẻ viết về dòng văn học này trong bối cảnh đời sống đa chiều, đa loại hình giải trí hiện tại đang phải cạnh tranh để tìm độc giả của mình.

Từ những trải nghiệm thực tế của mình và có lẽ cũng là mong muốn của nhiều tác giả trẻ khi viết về đề tài LLVT và CTCM, tôi mong sẽ có nhiều cơ hội được gặp những nhân chứng, được tạo điều kiện để đến và hiểu hơn về bộ đội ở miền biên giới, hải đảo xa xôi... Qua đó có thêm chất liệu viết về cả người lính đã ngã xuống và trong thời bình. Thứ nữa là mong muốn được hỗ trợ trong đầu tư sáng tác và công tác xuất bản. Hiện tại cũng có một số chương trình khích lệ sáng tác về đề tài LLVT và CTCM từ Quân đội nhưng sau đó, các tác phẩm cần đến được với đông đảo độc giả hơn để động viên tác giả và để bằng văn học lan tỏa, tôn vinh giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

 HOÀNG DƯƠNG - PHƯƠNG NHI (ghi)