Nhà văn Hữu Mai tên đầy đủ là Trần Hữu Mai, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Trong quá trình công tác tại Truyền hình Quân đội nhân dân, tôi có một hai lần gặp ông và muốn ghi hình phỏng vấn, song ông đều khéo léo từ chối. Ông rất trân trọng các nhà văn trẻ và mong muốn lớp trẻ sớm trưởng thành. Tính ông kín đáo, lịch duyệt và luôn khiến người khác khâm phục về trí nhớ và sự hóm hỉnh của mình.

Nhà văn Hữu Mai đã dành phần lớn những năm tháng sung sức nhất thể hiện các tác phẩm lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho Hữu Mai tình cảm và sự tin tưởng đặc biệt. Các tập sách của Đại tướng do Hữu Mai thể hiện đã đạt tới một trình độ rất cao, tầm tư tưởng lớn và nhất là tính khoa học, tính nghệ thuật rất sâu sắc.

Nhà văn Hữu Mai vào Tự vệ thành đầu năm 1946 trong khí thế toàn quốc kháng chiến theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, ông tham gia chiến đấu tại Liên khu 2 (Hà Nội) và liền đó nhập ngũ, lên đường kháng chiến. Khi Đại đoàn 308 thành lập, Hữu Mai được phân công phụ trách tờ báo Quân Tiên Phong của Đại đoàn.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tờ báo Quân Tiên Phong luôn có vai trò rất quan trọng về công tác tư tưởng, chính trị, là món ăn tinh thần và công cụ tuyên truyền sắc bén của người chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong, cả các đơn vị bạn và nhân dân trên địa bàn hoạt động của Đại đoàn. Những tháng năm làm báo ấy đã cho Hữu Mai không chỉ kinh nghiệm sống dày dặn, mà cả tư duy về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh ngay trong lòng cuộc chiến, để sau này đó chính là nền tảng quan trọng khi ông thể hiện các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hữu Mai là nhà văn sớm có sách về Điện Biên Phủ. Đó là cuốn "Cao điểm cuối cùng" in năm 1961 viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ với sự trung thực và điểm nhìn từ người trực tiếp tham gia Chiến dịch. Những tình tiết ác liệt nhất, hy sinh xương máu nhất đều được Hữu Mai viết đến tận cùng không né tránh chính là bản lĩnh của một nhà văn Quân đội. Kể cả những mặt tiêu cực trong chiến tranh, nhất là trong giờ phút chiến đấu ác liệt tại điểm cao Đồi A1 đã có nhân vật là cán bộ cấp tiểu đoàn rời bỏ nhiệm vụ thì ngòi bút của Hữu Mai cũng thẳng thừng vạch ra. "Cao điểm cuối cùng" là một trong những điểm nhấn, sự lựa chọn cách viết tôn trọng sự thật lịch sử đến mức tối đa. Điều này luôn nhất quán trong suốt hành trình của ngòi bút Hữu Mai.

Nhà văn Hữu Mai rất nổi tiếng với bộ tiểu thuyết "Vùng trời". Ba tập "Vùng trời" được ông viết trong gần 10 năm chính là một trong những bộ sách quan trọng nhất của Hữu Mai và nhất là với Bộ đội Không quân. Cho đến hôm nay, các thế hệ chiến sĩ Quân chủng Phòng không-Không quân đều coi đây như pho sử sống của đơn vị. Rất nhiều học sinh, sinh viên các thời kỳ trong và sau chiến tranh khi đọc "Vùng trời" đã mong muốn phấn đấu trở thành phi công. Đây cũng là điều đặc biệt và đặc sắc, những đóng góp về văn học-nghệ thuật trong đời sống người chiến sĩ.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và sau đó, nhà văn Hữu Mai đã cho in các tác phẩm: "Đồng đội" (1962); "Phía trước là mặt trận" (1966); "Dải đất hẹp" (1967); "Trận đánh cuối cùng" (1976); "Bưu ảnh vùng đất mới" (1978)... đã càng cho thấy nội lực và nhất là trách nhiệm với bộ đội, nhân dân, với công cuộc kháng chiến chống Mỹ và những vấn đề cấp thiết sau chiến tranh của nhà văn Hữu Mai. Ông chính là một trong những nhà văn Quân đội mẫu mực trong nhập cuộc với đời sống.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai. Ảnh do gia đình nhà văn Hữu Mai cung cấp 

Về tiểu thuyết, Hữu Mai vô cùng nổi tiếng với tác phẩm "Ông cố vấn" viết về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Các nhân vật chính trong "Ông cố vấn" đã tạo ra sự hấp dẫn trong suốt hơn 30 năm từ dấu mốc năm 1989 khi tác phẩm ra đời với hàng trăm nghìn bản in, nhiều nhà xuất bản tái bản liên tục đã cho thấy thành công vượt trội của tác phẩm. Năm 1989, nhà văn Hữu Mai đã được mời đi dự Đại hội thế giới lần thứ nhất thành lập Hiệp hội quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám.

Đối với nhà văn Hữu Mai, dấu mốc lịch sử lớn nhất với đời văn của ông khi được Tổng cục Chính trị phân công tới làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thể hiện bộ sách nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-1964). Trong buổi đầu tiên làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai đã cảm nhận rất sâu sắc về vị Đại tướng của nhân dân.

Sau này, trong hồi ức của mình, Hữu Mai bồi hồi nhớ lại: “Đại tướng đưa tôi một đề cương 15 điểm, mỗi điểm ghi vắn tắt vài chữ, như: Hội nghị Bộ Chính trị; Đường ra mặt trận; Đêm trăng bên bờ suối; Bữa tiệc bánh cuốn... Đại tướng nói thêm về những đề mục cụ thể, cách diễn đạt ngắn, rõ vấn đề, không thừa một câu và kết thúc: “Viết độ 15 chương”. Hữu Mai nói: “Thưa anh, cũng phải 15 chương. Nhưng thời gian chỉ còn một tháng!”.

Đại tướng nói: “Anh hiểu lầm rồi, tôi người miền Trung, nói chương là trang”. Hữu Mai nhẹ nhàng: “15 trang không thể nói hết nội dung này...”. Đại tướng mỉm cười: “Cứ làm đi rồi xem”. Cuối buổi làm việc, Hữu Mai đề nghị, vì thời gian quá gấp, lại đã có một số tư liệu về những điều Đại tướng nêu trong đề cương nên sẽ tranh thủ viết ra trước để gợi ý, nhớ lại các sự việc, sau đó sẽ sửa chữa lại theo ý của Đại tướng và được Đại tướng vui vẻ đồng ý.

Đến ngày cuối cùng của cuộc hẹn một tháng, nhà xuất bản nhận được bản thảo “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, khoảng 100 trang. Đây chính là phác thảo đầu tiên cho cuốn sách “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” đã được Hữu Mai hoàn thành 35 năm sau đó.

"Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" là một trong những cuốn sách xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.

Trong khoảng thời gian dài làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai đã dành toàn bộ trí tuệ và tâm huyết để thể hiện các tác phẩm bằng sự khoa học, tính chân xác lịch sử, văn phong trang nghiêm... với điểm nhìn của vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh trong tổng quan đất nước. Những trang văn đó còn sống động tới hôm nay và mai sau.

Những trang văn đó chính là trí tuệ và tâm hồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Đó là các tập sách: "Từ nhân dân mà ra"; "Những năm tháng không thể nào quên"; "Chiến đấu trong vòng vây"; "Đường tới Điện Biên Phủ"; "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử"... đã cho thấy sức vóc và trí tuệ của nhà văn Hữu Mai. Đây cũng là một phần chính yếu trong văn nghiệp của ông.

Nhà văn Hữu Mai được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 2001) với các tiểu thuyết "Vùng trời", "Ông cố vấn", "Cao điểm cuối cùng"; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt V (năm 2017) cho các tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh", "Người lữ hành lặng lẽ", đã cho thấy sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhà văn Hữu Mai. Thế hệ chúng tôi vô cùng may mắn khi được làm đội ngũ kế cận các thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ, sau đổi mới và cùng cảm nhận được trọng trách đặt lên vai mình trước mỗi trang viết từ nhân cách và sự nghiệp của các ông.

Khi tôi trao đổi với nhà thơ Hữu Việt-con trai của nhà văn Hữu Mai về văn nghiệp của ông đã cảm nhận rất rõ sự kính phục và nhất là ước muốn tổng hợp toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Hữu Mai. Với tư cách những nhà văn Quân đội thế hệ đi sau, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng phối hợp với gia đình và các nhà xuất bản thực hiện in ấn các tác phẩm của nhà văn Hữu Mai một cách trang trọng và trọn vẹn. 

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI