Giữa năm 1979, tôi từ đơn vị cơ sở được điều chuyển về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ngày đó anh em làm báo và các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) chung bếp ăn tập thể ở sau nhà số 8, Lý Nam Đế (Hà Nội). Hôm đó ngồi bàn đối diện với tôi là một người đứng tuổi, nước da ngăm đen, gương mặt tròn đôn hậu, đôi mắt sáng, anh chủ động hỏi tên tôi. Rồi anh mừng ra mặt: “Ồ, số tạp chí vừa ra có truyện ngắn của anh!”.

Tôi cũng bất ngờ. Chả là trước ngày về báo, tôi có viết truyện về người thầy giáo thương binh, tựa là "Giờ học đầu tiên" và ra bưu điện gửi, đến khi tôi gặp anh là sau ba tháng cũng không biết tạp chí có dùng truyện ngắn đó hay không. Anh tự giới thiệu: “Mình là Triệu Bôn, Trưởng ban Văn xuôi”.

Nhà văn Triệu Bôn còn vui vẻ nói là anh rất ấn tượng với chi tiết trong truyện ngắn của tôi: "bụi phấn bảng bay làm mờ cái kính cận của thầy giáo, suốt giờ giảng ông phải tháo kính ra lau lau mấy bận". Sau buổi đầu quen biết ấy bỗng làm tôi hứng khởi, viết thêm truyện ngắn nữa mang sang nhà số 4 Lý Nam Đế gửi trực tiếp cho trưởng ban văn. Sau khoảng nửa tháng, nhà văn cầm bản thảo sang phòng làm việc của tôi. Anh ngồi trước tôi, nói như thể mình có lỗi: “Triệu Bôn phải xin lỗi Quang Đẩu, đã chữa hết cách rồi nhưng truyện của anh vẫn có cái gì đấy chưa ổn về những chi tiết đời sống”. Tôi chợt nhìn vào chục trang bản thảo đánh máy để trên bàn thấy dày đặc bút đỏ biên tập, gạch xóa, thêm thắt. Lúc đó tôi có hơi ngượng vì sự non tay nghề của mình, nhưng lại thực sự cảm động trước tấm lòng tận tụy với cộng tác viên của nhà văn đàn anh mới quen biết.

Nhà văn Triệu Bôn tên thật là Lê Văn Sửu, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Anh sinh năm 1938, xuất thân trong gia đình nông dân, học trung học ở quê, nhập ngũ từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, là chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau về học khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh và làm giáo viên văn hóa trong Quân đội. Do có năng khiếu văn học, anh được điều sang Báo Quân khu Việt Bắc. Từ thập niên 1970, anh đi B, vào mặt trận Đường 9-Khe Sanh, tiếp đến là mặt trận B2, làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Sau ngày nước nhà thống nhất, anh về VNQĐ, mấy năm sau chuyển ngành, làm Trưởng ban biên tập Báo Người Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam, chuyên viên cao cấp của Bộ Văn hóa-Thông tin và của Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

leftcenterrightdel

Nhà văn Triệu Bôn (bên phải) và tác giả ở đền thờ Chử Đồng Tử bên bờ sông Hồng, đầu năm 2000. Ảnh: HỒNG PHÚC 

Một thời gian khá dài trên danh nghĩa phải làm những việc sự vụ hành chính như thế, nhưng anh không khi nào ngừng sáng tác và dù cảnh nhà lúc đó nhiều vất vả, anh vẫn viết đều đặn và nhiều sáng tác sau này gây xôn xao văn đàn. Trong cuốn "Kỷ yếu nhà văn Việt Nam hiện đại", anh có lời tự bạch về giai đoạn sống khó khăn này: “... tôi cam phận suốt đời nghèo để có một đời văn chương”.

Tiếc thay, năm 2003, nhà văn Triệu Bôn bị trọng bệnh qua đời ở tuổi 65, cái tuổi đã về già nhưng với anh đang là thời kỳ đạt độ chín về trải nghiệm sáng tạo! Đời văn chương Triệu Bôn đến lúc đó đã để lại tổng cộng 27 đầu sách gồm hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong chiến tranh là: "Mầm sống", "Lửa than". Sau ngày hòa bình là: "Rừng lá đỏ", "Rạng sáng", "Tiểu đoàn trong vòng vây", "Gã đau đời", "Một phút và nửa đời người", "Sao chiếu mệnh bay lạc", "Kẻ trọng tội", "Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm", "Cơn co giật của đất"... Riêng tiểu thuyết "Cơn co giật của đất", anh viết trong hai năm, hoàn thành từ năm 1988, song do tính nhạy cảm, dữ dội trong nội dung mà hàng chục năm sau, khi anh đã qua đời mới xuất bản. Và chính cuốn này cùng với cuốn nổi tiếng trước đấy là "Mầm sống", nhà văn Triệu Bôn đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 3, năm 2012.

"Mầm sống" là câu chuyện trần trụi về hai người lính bị thương nặng chưa kịp rút khỏi nơi nóng bỏng bom đạn, khét lẹt thuốc súng, cái chết rình rập. Họ dìu nhau lê lết trong hốc đá, bụi cây, vết thương nhiễm trùng bốc mùi, có lúc người này phải giúp người kia cắt bỏ miếng thịt bùng nhùng ở vết thương, rạch mủ, xếp các mảnh xương vụn, băng bó lại; cũng có lúc vì quá đau đớn, mệt mỏi, một người có ý định cho nổ quả lựu đạn trong tay tự sát... Nhưng rồi họ xốc lại tinh thần, động viên nhau tìm về được đơn vị. Mầm sống, hay đấy chính là danh dự, lý tưởng sống của người lính cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể bị thui chột, lụi tàn.

Trong cuộc hội thảo ở Hội Nhà văn Việt Nam tìm tác phẩm xứng đáng truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà văn Triệu Bôn, đã có nhà văn nhận xét về tiểu thuyết "Cơn co giật của đất" rằng: “Viết theo lối cổ điển, nghĩa là lấy nhân vật làm trọng, hành động gần như tuyến tính theo thời gian, không lên gân cốt, không đẩy tới quá, một thái độ hiện thực. So với trào lưu văn chương đang mốt bây giờ, nó chả phải cách tân. Nhưng vấn đề Triệu Bôn chạm đến thì chưa nhiều người cùng thời động tay vào: Cải cách ruộng đất và những ảnh hưởng của nó”. Còn tham luận của nhà văn Hồ Anh Thái ghi nhận về cả quá trình sáng tác sau này của anh: “Hơn mười năm cuối đời, Triệu Bôn viết khác hẳn. Không còn là Triệu Bôn viết về chiến tranh, khốc liệt. Không còn là Triệu Bôn viết về cái đời thường thô mộc. Anh đã mấp mé chạm đến ranh giới giữa thực và ảo, tinh tế hơn”.

Một ngày đầu năm 2000, nhà văn Triệu Bôn rủ tôi đi lễ hội đền Chử Đồng Tử-Tiên Dung ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau khi tham quan ngôi đền, ngồi dưới bóng cây sưa cổ thụ trong vườn, nhà văn rút trong túi xách ra cuốn "Một phút và nửa đời người" tặng tôi. Anh nói: "Với mình, mỗi cuốn sách đều có cái duyên cớ đời thực của nó, cuốn này được viết sau khi “thử ngồi tù”. Tôi ngạc nhiên nhìn anh, có chuyện thử ngồi tù sao? Hiểu thắc mắc của tôi, anh mỉm cười gật đầu và nhỏ nhẹ kể:

- Đó là những năm đầu thập niên 1980, thời kỳ nền kinh tế nước ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong xã hội cũng nảy sinh nhiều chuyện tiêu cực phức tạp. Mình có anh bạn thân thời đi B nay là một thượng tá công an, trưởng trại giam Phú Sơn. Tìm hiểu bước đầu thấy nhiều người trong trại từng là cán bộ, sĩ quan, lái xe, thủ kho, quản lý... chỉ vì một phút bất cẩn, hoặc nông nổi, thiếu suy nghĩ mà vướng vòng lao lý. Mình chợt nghĩ, đến gặp họ với danh nghĩa nhà văn, nhà báo thì họ khó có thể bộc lộ hết tâm can, chi bằng cũng giả danh một người tù sống cùng họ một thời gian thì chắc sẽ có nhiều phát hiện hay. Nghe mình trình bày nguyện vọng đóng giả tù nhân, anh bạn trưởng trại giãy lên bảo: Ông ốm o thế vào đấy chúng giã cho, tôi mang tội với bà xã ông à? Mình nèo mãi, ông bạn cũng xuôi xuôi, cuối cùng nhất trí cho làm tù nhân “rởm” trong một tuần. Trưởng trại tạo ra một cái cớ đủ để anh em tù tin mình tham ô tiền Nhà nước, bị lộ, phải vào nhà đá. Một tuần nằm trong tù, mình mới hiểu ra là mỗi người vào tù đều có hoàn cảnh riêng xô đẩy, không ai giống ai. Hết một tuần nằm trại, mình đến gặp ông bạn trưởng trại để cảm ơn. Và được sự đồng ý của ông, mình đã đi mua một can rượu 5 lít, một mũ cối lạc luộc mang về chiêu đãi mấy anh em tù mới quen. Sau đận đi thực tế ấy, mình đã có ý tứ từ nguyên mẫu trong đời thực để viết tiểu thuyết này. Anh thử đọc xem trang văn có mang được hơi thở cuộc sống không nhé?

Với nhà văn Triệu Bôn, mỗi trang văn, mỗi cuốn sách đều thấm đẫm những trải nghiệm thực tiễn như thế. Trong tiểu thuyết "Một phút và nửa đời người", nhân vật Khoái bị tù vì đi đào vàng trái phép được lấy theo nguyên mẫu. Khoảng chục năm sau, khi cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, nhà văn Triệu Bôn bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Một buổi chiều muộn, chợt có người từ Thái Nguyên tất tả đến thăm, nhà văn nhận ra ngay “bạn tù” năm xưa, cố giơ tay ra bắt: "Làm sao mà Khoái biết để đến đây với anh?". Và nhà văn hỏi thăm tình cảnh hiện tại của người ấy sau khi ra tù. Khoái nói là em đã từng có rất nhiều vàng nhưng vàng cũng không đem lại cho em hạnh phúc và phải đợi khá lâu, em mới vỡ ra rằng ở đâu cũng có người tốt, ở đâu cũng có người sống không ra gì anh ạ. Trong câu chuyện Khoái nhắc đến bộ phim đã công chiếu trên tivi "Phần đời không muốn nhớ" của nhà biên kịch Trần Quốc Huấn chuyển thể từ tiểu thuyết này của Triệu Bôn. Khi còn ở tù, Khoái cũng nghe nói phim tái hiện lại thời đào vàng “chui” và không thể ngờ qua phim ảnh, tiểu thuyết, anh bỗng trở nên nổi tiếng. Rồi may mắn, sau khi ra tù, anh được xem lại bộ phim và liền về Hà Nội tìm đến “bạn tù” Triệu Bôn. Sau hàng giờ hàn huyên, Khoái đưa ra một cái chai thủy tinh đựng đầy vàng cám có từ thời đi đãi vàng, nói: “Em kiếm được ít vàng cám, không kịp chuyển thành tiền, em mang đến biếu anh, anh nói để chị đổi lấy thuốc chữa bệnh cho anh”. Nhà văn liền bảo: “Chú cất chai vàng đi, mang về lo cho vợ con, đừng để vàng xen vào giữa anh và chú”...

Câu chuyện liên quan đến những chuyến đi thực tế trong thời chiến cũng như trong thời bình để về sau xây dựng nên tác phẩm của nhà văn Triệu Bôn, làm tôi nhớ đến lời tự bạch đầy tâm huyết của nhà văn Nga nổi tiếng K.Paustovsky (1892-1968) trong tác phẩm "Bông hồng vàng", một thời được các nhà văn nước ta rất tâm đắc: “Tôi hiểu rằng cảm hứng trong sáng tác cũng dễ tắt như nó dễ bùng lên nếu ta bỏ đói nó. Cái vốn quan sát cuộc sống của tôi lúc đó quá nghèo nàn và hạn hẹp. Lúc đó tôi đặt cuốn sách lên trên cuộc đời chứ không phải đặt cuộc đời lên trên cuốn sách. Cần phải làm cho đời sống tràn đầy trong ta...”.

Tháng 9-2023 vừa qua là tròn 20 năm nhà văn Triệu Bôn đi xa. Tôi viết bài thay cho một tuần nhang thắp tưởng niệm anh, một người viết đầy trách nhiệm với nhân dân, đất nước đã làm đúng như cái cách mà nhà văn lớn K.Paustovsky từng chỉ ra, lúc nào cũng “đặt cuộc đời lên trên cuốn sách”!

PHẠM QUANG ĐẨU