Từ hiện tượng “Bắc Bling”

MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy kết hợp cùng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Xuân Hinh, Tuấn Cry, phát hành trên YouTube tối 1-3 và ngay lập tức trở thành một hiện tượng của làng nhạc Việt. Chỉ sau 3 ngày ra mắt, MV lọt Top 4 MV được xem nhiều nhất thế giới 24h qua, Top 1 xu hướng trên YouTube tại Việt Nam với 10 triệu lượt xem và thịnh hành trên nhiều nền tảng âm nhạc khác trong và ngoài nước.

Nhiều văn nghệ sĩ, người nghiên cứu và cả khán giả ở các lứa tuổi khác nhau lý giải về nguyên nhân thành công của MV “Bắc Bling”. Dễ nhận thấy, đây là sản phẩm âm nhạc được nữ ca sĩ đầu tư chỉn chu, dành nhiều tâm huyết để tôn vinh quê hương Bắc Ninh của mình nói riêng, những giá trị văn hóa của dân tộc nói chung. Điều đó khiến MV “Bắc Bling” không chỉ khiến người Bắc Ninh thấy tự hào, yêu thích mà cũng nhận được cảm tình của công chúng cả nước. Những địa danh nổi tiếng, di sản văn hóa hay sản vật đặc trưng của địa phương đã được ê kíp khéo léo đưa vào MV. Cùng với đó, âm nhạc đậm chất dân ca khiến ca khúc nhanh chóng đến gần hơn với khán giả.

Theo soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam thì MV “Bắc Bling” có chất xẩm, dân ca rất đậm, nhất là phần ca từ. “Dân ca Việt thường bắt nguồn từ ca dao hoặc những bài nói vần rất hay của cha ông xưa. Nhiều năm qua, tôi để ý thấy các ca khúc phổ thơ thì vần điệu nhưng nhạc sĩ tự làm thì ít vần, giá trị văn học của ca từ trong ca khúc không cao. Ở MV “Bắc Bling”, các nghệ sĩ đã làm nên những câu gieo vần giàu ngôn ngữ văn học, đậm chất dân ca, dễ nghe, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, tạo được sự gần gũi giữa nghệ sĩ và khán, thính giả”, anh lý giải. Ngoài ra, không thể phủ nhận hình ảnh đẹp mãn nhãn với những bộ trang phục truyền thống hoặc lấy cảm hứng từ trang phục dân tộc là một điểm nổi bật có vai trò lớn tạo nên thành công cho MV. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn khán giả trẻ và khiến hiệu ứng từ MV lan tỏa rộng rãi hơn.

leftcenterrightdel

MV "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy thành công tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc. 

MV “Bắc Bling” không phải là sản phẩm nghệ thuật đầu tiên mà Hòa Minzy chọn khai thác yếu tố văn hóa dân tộc. Năm 2023, MV “Thị Mầu” mang phong cách dân gian đương đại của nữ ca sĩ cũng nhận được sự yêu mến, ủng hộ của khán giả khi khai thác nghệ thuật chèo với câu chuyện nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Đặc biệt, năm 2020, MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" được nữ ca sĩ thực hiện theo phong cách cổ trang lịch sử, lấy cảm hứng dựa trên câu chuyện có thật mối tình của Nam Phương Hoàng Hậu triều Nguyễn trở thành MV thịnh hành trên YouTube với lượt xem lớn. Không chỉ vậy, MV còn tạo được hiệu ứng rộng rãi trong cộng đồng khi qua hình ảnh, câu chuyện trong đó, nhiều bạn trẻ sôi nổi trên các diễn đàn tìm hiểu về những nhân vật trong lịch sử triều Nguyễn, tìm đến các địa danh ở Kinh thành Huế chụp ảnh với cổ phục. Phong trào tìm hiểu và sử dụng cổ phục cũng được đẩy lên trong giới trẻ.

Rõ ràng, khi nghệ thuật tôn vinh, quảng bá văn hóa đúng cách sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Càng hiệu quả hơn khi các nghệ sĩ trẻ có lợi thế nắm bắt nhanh nhạy và trúng thị hiếu của công chúng đương đại, nhất là giới trẻ. Nghệ sĩ trẻ trân trọng văn hóa truyền thống luôn nhận được sự ghi nhận, khuyến khích, động viên của các nghệ sĩ đi trước cũng như công chúng. Việc NSƯT Xuân Hinh vắng mặt đã lâu lại xuất hiện trong MV “Bắc Bling” là một minh chứng, như ông chia sẻ: “Khi thấy bạn trẻ có tâm với văn hóa truyền thống, tôi rất xúc động và nhận lời vì muốn góp chút sức mình khuyến khích, lan tỏa các giá trị ấy đến với nhiều người hơn”.

Tới câu chuyện tôn vinh, lan tỏa cổ phục

Trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh là những loại hình gần gũi, dễ dàng tiếp cận khán giả và cũng có nhiều chất liệu, dư địa từ văn hóa truyền thống nếu nghệ sĩ biết khéo léo khai thác. Chỉ nói riêng về câu chuyện trang phục chẳng hạn. Cách đây không lâu, màn biểu diễn “Trống cơm” của bộ 3 nghệ sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven trong Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã để lại ấn tượng mạnh cho khán giả. Tiết mục đậm chất dân gian, bùng nổ về âm nhạc và mãn nhãn về hình ảnh với sự xuất hiện của 3 nghệ sĩ trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống. Ngay sau đó, nhiều bài viết trên báo chí và mạng xã hội đã hết lời khen ngợi trang phục của các nghệ sĩ. Trên các hội, nhóm cổ phục Việt, xôn xao người hỏi địa chỉ mua, may áo dài theo mẫu đó.

Những năm gần đây, cùng với làn sóng cổ phong, tìm lại những giá trị xưa cũ của dân tộc, trang phục là lĩnh vực được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nhiều hội, nhóm, cộng đồng của người trẻ yêu và quan tâm tìm hiểu, tôn vinh cổ phục Việt xuất hiện. Cho tới năm 2020, khi bộ phim “Phượng khấu” được phát hành trên nền tảng mạng, lấy cảm hứng từ câu chuyện hậu cung triều Nguyễn ra mắt, “cổ phục Việt” trở thành một từ khóa càng được quan tâm rộng rãi hơn. Điện ảnh Việt trước đó đã có nhiều bộ phim điện ảnh và cả truyền hình đề tài lịch sử có khai thác trang phục cổ nhưng đều gây nhiều tranh cãi về thẩm mỹ, độ chính xác lịch sử, chất lượng... vì thế, không được công chúng quan tâm nhiều. Dù là bộ phim chiếu trên nền tảng mạng và không được đánh giá cao về nội dung, diễn xuất nhưng điểm thành công xuất sắc của “Phượng khấu” là ở trang phục. Bộ phim sử dụng hơn 500 bộ cổ phục có giá trị ước tính hơn 5 tỷ đồng được tài trợ bởi Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên-một đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu, thiết kế cổ phục. Trang phục thẩm mỹ cao, chất lượng, đa dạng kiểu loại và có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng sát với lịch sử, trong đó có những bộ long bào, phượng bào được phỏng dựng lại trị giá tới cả trăm triệu đồng. Bộ phim khi vừa phát sóng những tập đầu tiên, đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ với các cuộc tìm hiểu, tranh luận hấp dẫn về lịch sử, nhất là trang phục.

leftcenterrightdel

Nhiều bạn trẻ mặc cổ phục tham gia Bách Hoa Bộ Hành trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh ngày 8-3. Ảnh: NGHINH DƯƠNG 

Cho đến nay, cùng với sự phát triển của các diễn đàn, hội, nhóm yêu thích cổ phục, sự ra đời của nhiều đơn vị kinh doanh trang phục cổ cũng như các dịch vụ đi cùng như chụp hình; có thể nói rằng, cổ phục đang ngày càng có vị trí nhất định trong đời sống đương đại, nhất là giới trẻ. Cổ phục đã không còn chỉ xuất hiện trên phim, sân khấu hay các bộ ảnh, sự kiện văn hóa mà đã và đang được phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân. Cũng ngày càng có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá và phổ biến cổ phục. Có thể kể đến như Ngày hội Việt phục Bách Hoa Bộ Hành-xuất phát từ ý tưởng của nhóm bạn trẻ yêu, muốn quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục dân tộc, lần đầu tiên tổ chức vào năm 2022, đã được trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Bách Hoa Bộ Hành lần thứ V được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, đã tạo sự lan tỏa rộng rãi với hàng nghìn người đăng ký tham gia. Hay mới đây, Ban tổ chức Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” Concert D3 kêu gọi khán giả diện trang phục truyền thống Việt Nam khi đi xem, với mong muốn trở thành “Sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất” nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của trang phục truyền thống dân tộc. Ngay khi thông tin trên được đưa ra, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả và người yêu văn hóa dân tộc...

Từ đời thường lên sân khấu, rồi lại từ sân khấu ra đời thường, hành trình của cổ phục hay các giá trị văn hóa dân tộc khác đều cho thấy mong muốn, nỗ lực tôn vinh, quảng bá nét đẹp truyền thống của cha ông ta. Nhưng như nhà thiết kế và nghiên cứu trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên cho rằng: “Để không gây những tác động ngược, hiểu lầm cho khán giả thì người làm nghệ thuật cần hiểu sâu sắc trang phục truyền thống chuẩn mực, giới hạn nào cho đổi mới cách tân và vận dụng khéo léo trong tác phẩm”.

Quả thực, làm nghệ thuật vốn đã là hành trình gian nan, để qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống lại không phải ai cũng dám làm và làm đúng. Tuy vậy, giống như lời bộc bạch của NSƯT Xuân Hinh-người cả đời đam mê theo đuổi văn hóa dân tộc: “Tôi hiểu đi vào văn hóa dân tộc rất khó, khó về mọi thứ, khiến khán giả thích, yêu lại càng khó hơn. Nhưng nghệ sĩ trẻ hôm nay có rất nhiều lợi thế so với chúng tôi, chỉ cần có đam mê, có tâm với văn hóa dân tộc, tôi tin các bạn sẽ thành công, mang lại những giá trị trong nghệ thuật cho cộng đồng”.

HOÀNG DƯƠNG