Vị thế của những tài năng trẻ
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tài năng trẻ VHNT không chỉ là những người kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là lực lượng sáng tạo chính trong việc xây dựng và làm mới các ngành công nghiệp văn hóa. Những tài năng trẻ đóng góp không chỉ bằng tài năng nghệ thuật mà còn qua khả năng đổi mới, sáng tạo và khả năng thích ứng với xu thế mới. Ở khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Họ giúp duy trì những hình thức nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương và các nghệ thuật truyền thống khác, đồng thời đưa chúng vào đời sống đương đại...
Qua nhiều giai đoạn phát triển, có thể thấy, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, trong đó có những tài năng trẻ chính là thế hệ kế cận, có khả năng phát huy vị thế xung kích, vai trò tiên phong, nêu gương và lan tỏa các giá trị VHNT. Đáng chú ý, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa thì các nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nghệ sĩ trẻ không chỉ tiếp thu các kỹ thuật truyền thống mà còn sáng tạo ra những phong cách, hình thức nghệ thuật mới, từ đó tạo ra sự hấp dẫn độc đáo cho công chúng.
Bằng cách thử nghiệm và đổi mới, nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ không chỉ làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa mà còn giúp ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với xu hướng hiện đại. Họ tạo ra những tác phẩm có sức hút mạnh mẽ, góp phần làm tăng giá trị văn hóa và phát triển thị trường nghệ thuật. Sự sáng tạo của họ không chỉ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể nói, tài năng trẻ VHNT là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu được ươm trong một môi trường tốt, được Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận thì những tài năng trẻ ấy sẽ thăng hoa, tỏa sáng. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, những tài năng ấy sẽ khó có điều kiện phát triển và trong không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt.
Tiếp sức cho tài năng trẻ
Những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển VHNT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng, huy động tối đa nguồn nhân lực, tài lực của toàn xã hội để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Việc thu hút và sử dụng nguồn tài năng trẻ VHNT đã được chú trọng. Nhà nước đã có chính sách thiết thực như miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật trong các trường VHNT. Một số đề án trong đào tạo nhân lực phát triển VHNT đã và đang được tổ chức triển khai như: Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực VHNT ở nước ngoài đến năm 2030"; Dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 4 nhà hát trực thuộc bộ theo cơ chế đặt hàng (giai đoạn 2014-2020)... Bên cạnh đó, Nhà nước đã đầu tư việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở văn hóa như nhà hát, phòng trưng bày và trung tâm nghệ thuật nhằm tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho nghệ sĩ, giúp nghệ sĩ cảm thấy thoải mái và chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT vẫn gặp phải nhiều thách thức. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế trong cơ hội phát triển và sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ tài năng trẻ VHNT; cơ chế và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chồng chéo; quy định chế độ phụ cấp còn ở mức thấp, chưa đầy đủ; chính sách tuổi nghỉ hưu đối với viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp... Đặc biệt là vấn đề đào tạo tài năng trẻ nghệ thuật hiện nay còn nhiều khó khăn.
Bà Lê Trinh, Phó trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Kịch Việt Nam nêu dẫn chứng: “Tại các trường đào tạo về nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, một số năm “trắng tay” trong việc tuyển sinh diễn viên, đặc biệt là diễn viên thi tuyển đầu vào của các ngành truyền thống như chèo, tuồng, cải lương... Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, các chuyên ngành đặc thù như kèn, gõ, nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc cũng thưa vắng người học.
Đề cập tới tạo môi trường cho các tài năng trẻ VHNT phát triển, bà Ngô Thị Minh Nguyệt, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí VHNT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trăn trở: “Gặp gỡ mùa thu-một sự kiện điện ảnh thường niên-quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến giảng dạy, giao lưu, học tập về điện ảnh đã phải dừng lại sau 10 năm là ví dụ cho việc thiếu đi sự hỗ trợ về kinh phí. Một số bạn trẻ sau những cái bắt tay hợp tác đầy đam mê khi cho ra đời các sản phẩm là những bộ phim hoạt hình đẹp mắt, phản ánh văn hóa, lịch sử dân tộc như... đã rệu rã khi không còn nguồn kinh phí để duy trì và phát triển. Những mô hình câu lạc bộ văn hóa như: Ca trù, hát xẩm, nhạc kịch đường phố cũng chỉ lóe lên rồi tắt khi thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động...
|
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Tài năng trẻ: Nguồn lực, sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật" do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức, tháng 11-2024. Ảnh: GIA PHÚ |
Tại Hội thảo “Tài năng trẻ: Nguồn lực sáng tạo và phát triển VHNT" do Tạp chí VHNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến tham luận đã đề xuất những giải pháp nhằm tiếp sức cho tài năng trẻ VHNT. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, liên tục trong phát triển tài năng trẻ như: Chính sách tài chính, đào tạo, hợp tác quốc tế; chính sách khuyến khích sáng tạo và phát triển nghề nghiệp; chính sách tiếp cận thị trường và quảng bá... Đồng thời cần nâng cao vai trò của xã hội, của các tổ chức, đoàn thể trong phát triển tài năng trẻ Việt Nam; xây dựng môi trường VHNT, đặc biệt là môi trường VHNT số, tạo thuận lợi cho việc phát triển tài năng trẻ VHNT.
Từ vị thế của tài năng trẻ, theo giới chuyên môn, sứ mệnh lịch sử đang đặt ra cho mỗi người trẻ nói chung và tài năng trẻ VHNT nói riêng là cần có ý thức tự bồi dưỡng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, năng động, sáng tạo các giá trị cao của những loại hình VHNT, tạo nên chất lượng, chiều sâu và vị thế cao của nền VHNT Việt Nam.
Theo GS, TS Lê Thị Hoài Phương, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, để thu hút nhiều người học và không bỏ sót tài năng, các trường đào tạo VHNT cần chủ động đi đến các địa phương “đãi cát tìm vàng” để tổ chức tuyển sinh. Đây vẫn là cách làm hiệu quả nhất. Các hội nghề nghiệp cần tạo nhiều sân chơi là cuộc thi tài năng trẻ về các loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau...
Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy VHNT truyền thống, nếu như các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ giống viên ngọc còn ẩn mình trong đá, rất quan trọng nhưng để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo. Bởi thế, theo các chuyên gia, song song với việc khuyến khích người trẻ tham gia đóng góp trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy và sáng tạo giá trị VHNT truyền thống cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đủ sức hấp dẫn, thu hút người trẻ tham gia và giữ chân người trẻ gắn bó, cống hiến cho VHNT truyền thống.
ĐẶNG THỦY