Sáng tạo nhưng phải giữ vững hồn cốt
Nhà nghiên cứu, GS, TS Đặng Hoành Loan nhận định: Trong hơn một thập kỷ qua, nếu không có lớp nghệ sĩ trẻ thì có thể NTDG đã lụi tàn. Họ thật sự yêu nghệ thuật truyền thống (NTTT) và đóng vai trò quan trọng trong công việc giữ gìn, phát huy di sản NTDG. Tuy nhiên, không phải tất cả người trẻ Việt Nam đều như thế. Lý do, NTTT là một hình thức cổ truyền không phải ai cũng hiểu biết, yêu thích. Hầu như chỉ có những người trẻ đã được tiếp cận, được học hỏi, truyền dạy mới thấm thía yêu nghề. Họ biết cách tiếp thu, nâng niu các giá trị trong đó.
Trường hợp họa sĩ trẻ Phạm Ngọc Thái Linh (sinh năm 1995) là một ví dụ. Thái Linh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hội họa. Từ nhỏ, anh đã đam mê và mơ ước được dấn thân cho NTDG nên không ngừng nuôi dưỡng đam mê, nỗ lực học hỏi, phấn đấu liên tục. Trong sáng tạo, dù bị tác động mạnh mẽ bởi làn sóng ngoại lai, nhưng Thái Linh luôn có ý thức kết hợp giữa tư duy hiện đại với việc bảo tồn NTTT, hồn cốt dân tộc. “Tuổi trẻ chúng tôi đang trong thời kỳ thuận lợi nhất để phát triển NTTT theo tư duy mới, không bị ràng buộc trong khuôn khổ, định kiến quá khắt khe như trước đây. Vì thế, có rất nhiều tác phẩm ra đời với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Việc khai thác chủ đề dân gian cũng là xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi. Với cá nhân tôi, cảm hứng từ NTDG như tranh Đông Hồ, Hàng Trống... vẫn là con đường dẫn, giúp tôi tìm ra hình hài của bản thân trong thế giới hội họa. Mỗi tác phẩm của tôi đều được định hình hướng đi riêng từ tạo hình đến câu chuyện”, họa sĩ Thái Linh bộc bạch.
Ở Nhà hát Múa rối nước Phương Nam (TP Hồ Chí Minh), diễn viên Vũ Duy Luân (sinh năm 1998) hồi tưởng vở diễn đặc biệt nhất đối với anh trong quá trình làm nghề. Khi ấy Luân nhận vai chính trong vở rối nước mang tên “Trước ngọn sóng”. Suốt 3 tháng trời ngâm mình dưới nước để tập luyện, Luân nhập vai vào nhân vật Việt, có cha là chiến sĩ hải quân hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc. Khi trưởng thành, anh quyết tâm kế thừa ý chí người cha, trở thành chiến sĩ hải quân không ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vở múa rối nước thể hiện sâu sắc tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân cao đẹp giữa muôn trùng sóng vỗ. Diễn viên Vũ Duy Luân cho rằng, khi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, hóa thân vào chiến sĩ hải quân, anh quyết tâm dồn toàn bộ trí lực và tâm hồn vào vở diễn. Mong muốn của anh Luân không chỉ khắc họa hết vẻ đẹp, hồn cốt của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn làm cho khán giả yêu văn hóa NTDG.
Cùng với tình yêu, niềm đam mê NTTT của các nghệ sĩ trẻ, nhiều năm qua, trong các chương trình, cuộc thi âm nhạc tiêu biểu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, người ta thấy những bài vè, đồng dao, câu ca, điệu lý đã trở thành nguồn cảm hứng trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trẻ. Ở đó, những làn điệu dân ca được cải biên, những bài hát dân gian, các loại nhạc cụ như tiếng khèn, đàn nguyệt, hay những bài vè, đồng dao... được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo, thể hiện tươi mới mà vẫn giữ được hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc, được khán giả hào hứng đón nhận.
|
|
Họa sĩ Phạm Ngọc Thái Linh bên tác phẩm của mình được sáng tạo trên nền tảng tranh dân gian và tư duy hiện đại.
|
Vun đắp tình yêu nghệ thuật dân gian cho giới trẻ
Văn hóa NTDG là sức mạnh nội sinh trong mạch nguồn của dân tộc. TP Hồ Chí Minh với những đặc thù của lịch sử phát triển đã hình thành những bản sắc riêng. Địa danh này, với không gian mở và sự phát triển kinh tế năng động nhưng đã gìn giữ rất tốt bản sắc của các loại hình văn hóa NTTT, vừa tiếp thu có chọn lọc những nét đẹp của nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Một tín hiệu rất đáng mừng là thế hệ các nghệ sĩ trẻ hôm nay của TP Hồ Chí Minh không còn “chăm chăm bắt chước” phương thức biểu đạt ngôn ngữ NTDG một cách rập khuôn, máy móc. Nhiều chuyên gia văn hóa đã cùng chung nhận định, trong sự phát triển của thời đại kỹ thuật số với nguồn kiến thức, ý tưởng nghệ thuật phong phú đã giúp nghệ sĩ trẻ thuận lợi trong việc tìm hiểu, học hỏi, tái hiện NTDG dưới góc nhìn hiện đại, mới mẻ. Việc làm này đã nâng tầm các giá trị văn hóa truyền thống vươn cao và xa hơn. Vấn đề ở đây là làm thế nào đẩy nhanh các yếu tố tích cực này để nó phát triển và lan tỏa, trở thành dòng chảy chủ đạo của NTDG trong tương lai. Đặc biệt với NTDG, việc truyền nghề được thực hiện trực tiếp từ thế hệ cũ sang thế hệ mới, nên việc tiếp cận và học hỏi cũng gặp nhiều thách thức như việc tìm thầy dạy đúng nghề, hoặc khi tìm được thầy lại gặp trở ngại về địa lý, thời gian...
Tại một số trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các đề tài khoa học về NTDG được nhiều bạn sinh viên, học viên cao học thực hiện như kịch bản văn học của Lưu Quang Vũ; yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Nhất Linh... TS Đặng Ngọc Ngận, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay: “Trong quá trình giảng dạy học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam, chúng tôi đã lồng ghép việc giới thiệu và cho sinh viên thực hành, trải nghiệm một số loại hình nghệ thuật của dân tộc như: Chèo, ca trù, đờn ca tài tử, cải lương... để góp phần thúc đẩy, lan tỏa, nâng cao nhận thức của người trẻ đến với văn hóa dân gian. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ các trường THPT tại TP Hồ Chí Minh giới thiệu về đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương và thực hành biểu diễn các trích đoạn cải lương đặc sắc”.
|
|
Một trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh đến xem biểu diễn múa rối nước. |
Qua khảo sát tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TP Hồ Chí Minh), trong 8 tháng của năm 2024, có đến 50% khách đến xem là thiếu nhi và thanh, thiếu niên, 30% là khách quốc tế, 20% là du khách trong nước. So với năm 2023, lượng khách thiếu nhi, thanh, thiếu niên có xu hướng tăng khoảng 5%. Để phát huy tinh thần người trẻ tiếp nối NTTT, Nhà hát còn tổ chức cho diễn viên trẻ đi học các khóa ngắn và dài hạn, nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; tạo môi trường thuận lợi cho diễn viên tập luyện và biểu diễn; tăng thêm các chính sách đãi ngộ; hỗ trợ những diễn viên có hoàn cảnh khó khăn...
PGS, TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời nào bản sắc văn hóa cũng đòi hỏi sự cộng sinh, sự tiếp biến chủ động, sáng tạo văn hóa của các dân tộc khác trên nền, vốn văn hóa của dân tộc mình. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh của mỗi quốc gia, dân tộc nhằm tránh tình trạng “hòa tan” khi cố hòa nhập vào văn hóa nhân loại. Việc thế hệ trẻ theo đuổi NTDG là đáng mừng, tạo nên sự giàu có cho nền nghệ thuật nước nhà, nhưng cũng đòi hỏi người trẻ trước tiên phải nắm chắc NTDG, bản thân theo đuổi phải bền bỉ, kiên trì, vững bước trên hành trình này”.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG - BẢO NGÂN