Tìm về dấu xưa
Về dấu tích xưa, trước hết, có lẽ phải kể đến núi Tản Viên (Tản Viên Sơn). Núi nằm ở phía tây Kinh thành Thăng Long, cao tới 12.300 thước ta (một thước ta bằng 0,45m). Sở dĩ gọi là núi Tản vì 3 ngọn núi đứng xếp hàng đỉnh tròn như cái lọng (“tản” chữ Hán nghĩa là “lọng”). Núi thờ Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, con rể Vua Hùng thứ 18. Theo sách “Ai Giao Châu tự” của Đường Tăng thì ngài vô cùng linh thiêng, như khi hạn hán hay lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn đều lập tức ứng nghiệm. Vì vậy, người được tôn là một trong “Tứ bất tử” (4 vị thánh bất tử: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh) và là biểu tượng trong công cuộc chống thiên tai của người Việt Nam.
Xung quanh núi Tản hiện còn rất nhiều dấu tích gắn với Tản Viên Sơn Thánh, chẳng hạn như Bãi hạt cơm rơi (thuộc địa phận xã Minh Quang và xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Tương truyền, lúc bơi qua sông Đà trở về quê mẹ, Sơn Thánh vừa bơi vừa bẻ cơm nắm ăn, lỡ tay có hạt cơm rơi xuống sông, cơm ấy cá không dám ăn, nước không dám cuốn, nó nổi lên thành một vệt cát lớn giữa sông Đà, dân gian quanh vùng liền gọi là “Bãi hạt cơm rơi”. Hoặc núi Chẹ và núi Chẹ Đùng (nay thuộc huyện Ba Vì) là hai ngọn núi do Thánh Tản Viên gánh đất đắp lên chặn phía tây và phía nam, không cho Thủy Tinh dâng nước phá hoại mùa màng, nhà cửa của dân. Chuyện kể rằng, những tảng đất lọt sọt dọc đường gánh đất khi xưa của Sơn Tinh đã tạo nên cả một dãy gò đồi ở Tòng Lệnh (nay thuộc xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì). Những tảng đất lớn rơi xuống thành quả đồi Mòm, còn những hòn đất nhỏ rơi rải rác thành những quả gò Choi (“choi” tiếng địa phương là loại sọt đan thưa để gánh đất)...
Các cụ già hiện nay vẫn còn nhắc đến sự tích “Đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt” (tên hai quả đồi ở xã Kim Sơn và Xuân Sơn thuộc huyện Ba Vì-nay là thị xã Sơn Tây) để nhớ lại thời Sơn Tinh gánh đất đắp lên những quả đồi trùng điệp chạy liên tiếp từ xã Cổ Đông (Tùng Thiện) bên tận dãy Ba Gò ven sông Đà miền Bất Bạt.
Đến với Sóc Sơn, những dấu tích về vị thánh bất tử Phù Đổng Thiên Vương-biểu tượng của tinh thần chống giặc ngoại xâm-không chỉ hiện hữu mà còn ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân. Mọi người đều thuộc nằm lòng những nơi Thánh Gióng đi qua, như trên đỉnh núi lửa-nơi Thánh giở cơm nắm ra ăn, cà mặn không ăn hết-dân gọi là Kẻ Cà; nơi Thánh dừng ngựa ngóng về Gia Lâm quê mẹ trước khi ngài hóa, dân gọi là Kẻ Dõi (Dõm)... với tư duy theo kiểu dân dã, giữa Thánh và người dân không có ranh giới. Thánh cũng bình dị như những người dân quê, mộc mạc, chân chất, cũng ăn cơm nắm, ăn cà muối, quên mình vì dân...
Có thể nói, trên mỗi tấc đất của Thăng Long-Hà Nội đều đậm đặc những dấu tích từ ngàn xưa để lại. Đó là núi Nùng-sông Tô, biểu tượng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Đó còn là đầm Mực gắn với huyền thoại học trò của thầy Chu Văn An-con út của Long Vương đã làm mưa giúp dân ở Thanh Trì, Thanh Oai thoát được đại hạn kéo dài. Theo dân gian thì chỗ nghiên mực thủy thần ném xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen nên gọi tên là đầm Mực (nay thuộc địa phận Quỳnh Đô, huyện Thanh Trì). Nơi quản bút rơi xuống là làng Tả Thanh Oai, làng này nổi tiếng về văn học với dòng họ Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... Từ đó, dân gian có câu “Nhất Thanh Trì, nhì Thanh Đàm”. Thanh Đàm là nơi thủy thần hóa ở đó, chính là Linh Đàm (đầm thiêng) hiện nay. Rồi còn biết bao cung điện nguy nga trong Hoàng thành, Phủ chúa Trịnh tráng lệ hay đàn tế trời (nay là nền cũ của Vincom Bà Triệu)...
Đất thiêng sinh lắm người tài
Thăng Long-Hà Nội, nơi giao lưu, hội tụ của bốn phương tám hướng. Mọi người kéo về đây, thể hiện tài năng, trí lực để tô đậm thêm bản sắc văn hóa của người Hà Nội nhân hậu, lịch lãm mà thanh tao. Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ đã nhận xét về người Hà Nội: “Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hằng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ nếp khiêm nhường. Nếu ai có điều gì xằng bậy thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm xằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy răn bảo con cháu”.
Cho đến nay, dân gian vẫn truyền tụng khá nhiều câu chuyện phác họa con người của mảnh đất Thăng Long hào hoa. Chẳng hạn như Thái sư Tô Hiến Thành đời vua Lý Cao Tông. Ông người làng Hạ Mỗ (nay là xã Hạ Mỗ), huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, không chỉ thay vua nhỏ nhiếp chính, chèo lái con thuyền đất nước đứng vững trước sóng gió mà đến lúc sắp qua đời vẫn vì nước tiến cử người hiền tài, không vì ơn huệ riêng tư. Đó còn là vị đại thần chính trực Mạc Đĩnh Chi đời vua Trần Anh Tông, mặc dù bề ngoài thấp bé, đen, xấu nhưng bản tính ông lại thanh liêm chính trực chẳng khác nào “bông sen trong giếng ngọc”. Là vị đại thần của triều đình, nhưng Trạng nguyên họ Mạc chỉ có ngôi nhà tranh vách đất để ở tại ô cửa phía nam kinh thành Thăng Long (nay thuộc quận Hai Bà Trưng). Để thử lòng ông, vua Trần đã cho đặt trước cửa nhà ông mười quan tiền, không ngờ, mới tờ mờ sáng hôm sau, ông đã mang tiền đến nhập kho, nhất quyết không nhận thứ tiền không do công sức mình làm ra. Và còn câu chuyện về quan Khâm sai Cát Văn Tụy, người làng Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây), đã giữ nghiêm phép nước khi khước từ 12 mâm lễ vật đút lót cửa quan...
Người Thăng Long vốn nổi tiếng ham học với câu chuyện bắt đom đóm làm đèn để học, thức khuya dậy sớm, dùi mài kinh sử. Vùng đất Thăng Long có nhiều bậc thầy đạo cao đức trọng. Ngoài Chu Văn An-“vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời)-dân gian còn kể về thầy Vũ Thạnh ở trường Hào Nam-ngôi trường được xếp vào bậc nhất Kinh đô, nằm bên hồ Bảy Mẫu (nay thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội). Thầy được cả kinh thành mến mộ về thực tài cũng như lối sống khiêm nhường, giản dị, ngay thẳng và trung trực. Hai mươi hai tuổi, thầy đã đỗ đầu khoa thi năm Ất Sửu (1685). Sách “Tang thương ngẫu lục” (Phạm Đình Hổ-Nguyễn Án), “Vũ trung tùy bút” (Phạm Đình Hổ) đã ghi lại câu chuyện: Chúa Trịnh ban cơm cá của chúa cho Vũ Thạnh nhưng ông chỉ ăn cơm nhạt, còn phần cá mang về nhà cho mẹ. Vào những năm cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, mặc dù trường Hào Nam chỉ nhà tranh vách đất, chật hẹp nhưng vẫn đông nghịt người đến học. Không có chỗ ngồi, học trò đậu thuyền san sát kín cả góc hồ chăm chú nghe thầy giảng bài, trong số đó có cả con vua cháu chúa cũng cải trang để theo học...
Chính vì tài năng, đức độ của thầy mà học trò trường Hào Nam rất nhiều người thành đạt. Khắp kinh thành hàng nghìn người đều nhận là học trò trường Hào Nam. Trong triều đình cả trăm quan đều nói đã thụ giáo thầy họ Vũ. Không chỉ có các thầy dạy chữ nghĩa, dạy đạo lý làm người mà Thăng Long còn tự hào vì có những thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Đó là thầy thuốc Phạm Công Bân-cha vợ của Hồ Quý Ly, ông ngoại của Hồ Nguyên Trừng-người thầy thuốc chân chính chữa bệnh vì lương tâm, không phân biệt sang hèn. Có lẽ vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi trong cơn bão dịch Covid-19 hiện nay có biết bao thầy thuốc, đặc biệt là thầy thuốc quân đội đã không quản khó khăn, hết lòng chống dịch.
Một vài mẩu chuyện trên thực ra chỉ là những trạng huống, tình tiết về sự kiện diễn ra trên đất Thăng Long-Hà Nội. Những câu chuyện có thực, những con người có thực, qua cảm quan của dân chúng, dẫu có bị phủ lên lớp sương huyền thoại song nó vẫn là bức tranh lung linh sắc màu, phản ánh một cách sinh động chất linh thiêng, hào hoa của đất Thăng Long, người Thăng Long, cùng với khát vọng vươn tới cái hay, cái chân-thiện-mỹ của họ.
PGS, TS ĐỖ THỊ HẢO