Và như vậy, thành hoàng đã trở thành vị vua tinh thần, vị tổ của làng được thờ phụng tại đình, đền hay miếu của làng. Thành hoàng có thể là những thiên thần như Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, có thể là cây đa thiêng, hòn đá thiêng (tín ngưỡng thờ vật tổ), có thể là những anh hùng có công dựng nước và giữ nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất của ông cha ta để lại như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Phùng Hưng... Các tướng lĩnh như Lý Ông Trọng, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Trần Hưng Đạo... Bên cạnh đó có cả những tổ nghề, những người có công khai dân lập ấp, thậm chí có cả thần ăn cướp (lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, vì thế có tục kiêng hèm trong lễ hội thờ thần). Mỗi vị thành hoàng đều có bản thân tích (hay còn gọi là ngọc phả) do Bộ Lễ (như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay) ghi chép về thân thế sự nghiệp, công trạng, cho phép làng nào thờ phụng cùng những nghi thức, quy định tế lễ, mở hội...

leftcenterrightdel
Tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Hằng năm, cứ vào dịp quốc khánh, nhà vua lại ban sắc phong tặng cho thành hoàng làng, cả làng lại rộn rã, tưng bừng hồ hởi đi “rước sắc” với niềm tin và tự hào rằng thánh làng mình rất thiêng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiến tranh tàn phá, cùng với sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa, rất nhiều địa phương không còn lưu giữ được thần tích của làng mình. Người ta vẫn thờ phụng nhưng không biết vị thành hoàng đang thờ đó là ai, công tích thế nào, những nghi thức, quy định trong tế lễ, hội hè đình đám xa xưa là gì và tại sao lại như vậy... Phải chăng, đây là một trong nhiều nguyên do khiến cho những lễ hội hiện nay rơi vào tình trạng hỗn độn, phản cảm.

Chúng ta đều biết tục thờ thành hoàng là tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam, trong đó có Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội hôm nay. Không chỉ có thế, Hà Nội lại là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước và linh khí của đất trời.

Việc tìm hiểu sự tích các thành hoàng Thăng Long-Hà Nội không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn có ý nghĩa thực tiễn lớn lao nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công tích đối với tiền nhân, nhằm gắn kết cộng đồng, sự hòa hợp yêu thương và như vậy thì bản sắc sẽ không bao giờ tàn phai, lòng yêu quê hương, nguồn cội sẽ không bao giờ cạn kiệt.

Có thể nói, Hà Nội là nơi có nhiều đình, đền, miếu mạo nhất trong cả nước với niên đại cổ kính tới 500, 700 năm mà vẫn gìn giữ, bảo tồn được cho đến hôm nay. Từ năm 2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, số di tích lịch sử-văn hóa của Hà Nội tăng lên gấp bội (cầu Đồng, chùa Bắc, đình Đoài) và các vị thành hoàng được thờ phụng tại các di tích càng trở nên phong phú, đa dạng hơn trước rất nhiều. 

Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia và một số thư viện chuyên ngành còn lưu giữ được hàng nghìn bản thân tích bằng chữ Hán, Nôm ghi chép về sự tích các vị thành hoàng làng cả nước, trong đó có Hà Nội. Vừa qua, chúng tôi đã biên soạn cuốn sách Sự tích các thành hoàng Thăng Long-Hà Nội (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2020). Cuốn sách giới thiệu sự tích các thành hoàng không chỉ của Hà Nội mà còn được rất nhiều nơi thờ phụng như Linh Lang Đại vương (vị thần trấn phía tây kinh thành Thăng Long) có 269 nơi thờ; Cao Sơn Đại vương có 172 nơi thờ, hay như: Thành hoàng làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm là Nguyễn Chế Nghĩa có 80 nơi thờ, Phan Tây Nhạc-bộ tướng của Tản Viên có 72 nơi thờ, và còn biết bao vị khác như: Thánh Gióng, Phùng Hưng, Chử Đồng Tử, các nữ tướng của Hai Bà Trưng... cũng được nhiều nơi thờ phụng. Điều đó cho thấy mảnh đất “rồng bay” là nơi hội tụ nhân tài của bốn phương đất nước, kết tụ mọi tinh hoa, tạo thành sắc thái văn hóa riêng có và độc đáo. Phải chăng, đây chính là những mảnh hồn cư dân Thăng Long-Hà Nội tìm sự hòa đồng với thiên nhiên, hòa đồng với xã hội nhân quần và còn hòa đồng với cả một thế giới tâm linh, một không gian huyền thoại. Ở đó có thể hòa đồng quá khứ để tìm một nguồn sinh lực mới hướng đến tương lai. Có thể nói, trong số hàng nghìn làng xã, phố phường của 29 quận, huyện, 1 thị xã của Hà Nội, hầu hết các vị thành hoàng làng được dân thờ phụng đều là những người có công với dân, với nước, các vị có thể là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, cũng có thể là người khai dân lập ấp, dạy dân nghề nghiệp, khiến cho cuộc sống người dân sung túc, no đủ.

leftcenterrightdel
Người dân dự lễ tưởng niệm Linh Lang Đại vương tại đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Ảnh: MINH THÀNH

Các vị là những nhân thần, những con người bằng xương bằng thịt, song lại có cả những nhiên thần... mà công tích của họ đã và sẽ mãi mãi ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân với lòng tôn kính và sự biết ơn sâu sắc. Chính lòng biết ơn xen lẫn niềm tự hào về vị thánh làng mình đã tạo nên một thứ tình cảm thiêng liêng đeo đẳng mọi người suốt cả cuộc đời không dễ lãng quên. Xin đơn cử vài ví dụ. Thánh bà Lê Hoa-một danh tướng của Hai Bà Trưng. Bà còn có công làm thuốc chữa cho binh lính cũng như dân làng qua khỏi dịch bệnh. Đất nước yên bình, bà vứt bỏ gươm đao trở về sống cuộc sống đời thường cho đến khi hóa. Tưởng nhớ công lao của bà, hằng năm, dân làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh-quê hương bà trong dịp lễ hội bao giờ cũng có tiết mục “cởi vú mo” để tái hiện khi bà đóng giả trai đi đánh giặc. Rồi như đình Mai Phúc, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thờ Xuân Vinh Đại vương và Luân Nương Công chúa theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân. Hiện đình làng còn lưu giữ được 28 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho các vị. Đặc biệt, dân làng còn giữ được cuốn ngọc phả chạm trên 12 lá đồng nặng tới 1kg.

Có lẽ không ít người sống ở Thủ đô biết tới Công chúa Ngọc Hoa, Thành hoàng làng Đại Yên, quận Ba Đình. Mới 9 tuổi, cô đã theo cha đầu quân đi đánh giặc Ma Na. Với lòng dũng cảm và trí thông minh, cô bé giả vờ là người bán thuốc lào và trầu cau đi do thám khắp nơi trong đồn giặc, đồng thời lại trộn thuốc mê vào trầu và thuốc, góp phần khiến cho giặc đại bại, phải rút chạy về nước. Và còn biết bao vị thành hoàng mà công tích sáng rõ đến muôn đời như: Công chúa Túc Trinh khai dân lập làng Đại Áng (Kẻ Đảm), huyện Thanh Trì; danh y Hoàng Đôn Hòa, Thành hoàng làng Đa Sĩ; danh y Nguyễn Đạo An, Thành hoàng làng Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Lại có những vị tổ nghề như: Lê Công Hành, Thành hoàng làng thêu Quất Động; Trương Công Thành, Tổ nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên... Đặc biệt có vị thành hoàng không biết tên tuổi là gì, chỉ biết đó là bà bán hàng nước đã không tiếc thân mình làm vật thế mạng để xóa bỏ lệ tục hằng năm cứ vào ngày 10 tháng 1 âm lịch phải dâng một cô gái thanh tân cho hổ dữ. Dân làng Hạ Thái, xã Duyên Thái tôn bà làm thành hoàng làng. Vì không biết tên nên mọi người gọi là Đức thánh bà hay Bà “Lạy”.

Lại có những vị mà công trạng các ngài sáng ngời trong sử sách. Đó là Nguyễn Biểu, Thành hoàng thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Vua Trần Trùng Quang cử ông đi sứ sang thương thuyết với nhà Minh. Để uy hiếp tinh thần, Trương Phụ thết ông ăn cỗ đầu người. Vừa uống rượu, ngâm thơ, ông vừa ung dung nói “không mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc”. Biết không khuất phục được ông tướng, nhà Minh ra lệnh chám mắt, chám miệng, giết chết rồi vứt xác trôi sông. Thi thể ông dạt vào thôn Đồng Vụi (nay là thôn Linh Quy) được vài ngày, mối đùn lên thành ngôi mộ lớn. Dân thôn liền lập đền thờ ông làm thành hoàng, hương khói ngàn năm không dứt. Ở cõi linh thiêng, ông vẫn âm phù cho Lê Lợi đánh thắng giặc Minh. Hoặc trường hợp Tử y Đại vương Nguyễn Trung Ngạn, ông là quan đầu tỉnh đầu tiên ở Thăng Long (Kinh sư Đại doãn). Trải qua cuộc đời quan chức 60 năm, từ chức Thông giám đến Tể tướng, ở đâu ông cũng giữ đức thanh liêm, hết lòng tận tụy với công việc. Với tài năng kiệt xuất, chỉ hơn một năm giữ chức Kinh sư Đại doãn, kinh thành Thăng Long trở nên yên ổn, cuộc sống dân chúng phong lưu sung túc, đâu đâu cũng ca ngợi đời thái bình. Dân chúng tôn ông làm Thành hoàng phường Hà Khẩu. Hiện đền Hương tượng thờ ông ở 64 Mã Mây còn lưu được 6 đạo sắc phong của Tử y Đại vương Nguyễn Trung Ngạn và 2 tấm bia ca ngợi công đức ngài.

Người xưa thường nói “Thường nhất phiến tri toàn đinh” (nếm một miếng biết mùi vị cả nồi). Hy vọng với mấy dòng sơ lược trên đây, chúng ta sẽ hiểu được phần nào về đời sống tâm linh, về tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Hà Nội xưa để giữ gìn và phát huy truyền thống của một kinh đô hơn nghìn năm tuổi.

PGS, TS ĐỖ THỊ HẢO