Làm báo sôi nổi... trong lòng địch

Trong không gian trưng bày “Một thời sôi nổi” đang diễn ra tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) có rất nhiều kỷ vật, hình ảnh gợi nhớ về một thời sôi nổi của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong đó, có 3 số báo Nhựa sống như những quyển vở học sinh đã ngả màu giấy thu hút khá đông đảo người xem. Đây là tờ báo do học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội in ấn, phát hành bí mật để kêu gọi tinh thần yêu nước của thanh niên Thủ đô thời kỳ địch tạm chiếm.

Hòa trong dòng người tham quan khu trưng bày, ông Dương Tự Minh, bà Đỗ Hồng Phấn, ông Lê Văn Ba,... đều là cựu học sinh kháng chiến các trường: Chu Văn An, Trưng Vương (Hà Nội) thời kỳ Pháp tạm chiếm vô cùng xúc động khi gặp lại ký ức một thời dấn thân bất chấp hiểm nguy.

Ông Dương Tự Minh kể: “Thời ấy, hoạt động của học sinh kháng chiến Hà Nội phát triển khá mạnh với nhiều hình thức: Mít tinh, diễu hành, biểu tình, bãi khóa, treo cờ, in ấn xuất bản phẩm, rải truyền đơn lên án tội ác của thực dân Pháp, chống bắt đi lính... Để chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến các hoạt động đó cho thanh niên một cách bí mật không có con đường nào tốt hơn là xuất bản tờ báo. Và tờ báo mang tên Nhựa sống đã ra đời, phát hành tới nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội như: Chu Văn An, Trưng Vương, Albert Sarraut”...

Ông Dương Tự Minh (nay là Phó trưởng ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò) giới thiệu với du khách về tờ báo Nhựa sống.

Trường Chu Văn An được coi là cái nôi của các phong trào học sinh kháng chiến nên rất nhiều học sinh trong trường đã tham gia in báo ngay tại nhà riêng rồi mang đến trường phát hành. Căn nhà ông Dương Tự Minh sinh sống hiện nay (98A Hàng Bông) cũng từng là một trong những nơi ông in báo những năm 1949-1950. Báo được in trên khổ giấy A4 gập đôi, như một quyển vở học sinh để thuận tiện cho vào cặp mang đến lớp. Trong điều kiện bí mật nên trang bìa của các số báo thường được ngụy trang bằng các tên sách học sinh: Sách học Toán, sách Học vần, sách Âm nhạc... hoặc bọc kín sau bìa vở đã cũ.

Việc in Báo Nhựa sống chủ yếu làm bằng thủ công, in thạch, in đá ẩm, in bằng giấy stencil (đánh máy vào giấy stencil cho thủng, rồi áp lên một miếng da phết mực) với màu mực tím mờ nhạt nên nhiều bản in ra còn nhem nhuốc mực, sau này có máy in roneo thì sạch sẽ, đẹp hơn. Những tờ báo hiện được lưu giữ tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò chính là những tờ báo được in năm 1952, hình thức đẹp hơn và nội dung cũng phong phú hơn rất nhiều so với các tờ báo Nhựa sống ra đời trước đó.

Những năm 1951-1952, ông Lê Tám được Thành ủy Hà Nội cử tăng cường làm công tác Thanh vận và Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến, được phân công phụ trách trực tiếp, kể cả việc ấn loát, kiêm luôn công việc họa sĩ trình bày tờ báo. Ông Dương Linh giữ vai trò như chủ bút. Còn các ông Lê Văn Ba, Trần Khắc Cần viết bài, biên tập kiêm các công việc bếp núc (Thư ký tòa soạn) của các số báo. Nhiều bạn trẻ băn khoăn việc tổ chức làm báo, in ấn diễn ra như thế nào trong điều kiện mật thám, cảnh sát lùng sục suốt ngày đêm như vậy, ông Lê Văn Ba, một trong những thành viên nòng cốt làm báo Nhựa sống thời kỳ này chia sẻ: “Điều kiện bí mật thì không thể công khai thảo luận, in ấn đàng hoàng như hiện nay. Một người phải như con dao pha, vừa tập hợp bài vở, biên tập từ các báo cáo của chi đoàn gửi lên, vừa tự đánh máy các bài, xếp thành từng cột thẳng. Vừa viết vừa vẽ, nếu thiếu thì kéo dài bài ra, bổ sung thơ, ca dao vào cho đủ. Việc tiếp trang nào là cả một nghệ thuật sắp xếp phải có sự tính toán rất cẩn thận”.

Theo ông Ba thì hồi đó, địa điểm in báo Nhựa sống đặt ở nhiều nơi trong thành phố và thường xuyên thay đổi để tránh sự theo dõi của mật thám. Tuy nhiên, một số địa điểm thường in ổn định đó là các phố: Trần Hưng Đạo, Phủ Doãn, Hàng Bông, Bích Câu, Cát Linh, Cao Bá Quát, Lò Đúc...

Các đại biểu cựu học sinh kháng chiến cùng tuổi trẻ Thủ đô tham quan trưng bày “Một thời sôi nổi” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Việc in ấn là cả một dây chuyền bí mật của các học sinh. Hầu như không ai biết những người nào đã tham gia vào các công đoạn trước và sau mình. Có nhóm chuyên quyên góp giấy và bìa vở, nhóm chuyên đi tập hợp bài từ những người viết để đưa cho người in. Việc đi mua giấy in cũng phải phân công luân phiên nhau, không để một người mua nhiều quá gây nghi ngờ cho mật thám. Do chiếc máy đánh chữ và máy in báo thường phát ra tiếng kêu lạch cạch nên nhiều người thường tranh thủ đánh máy và in ấn vào ban ngày, nếu làm ban đêm thì phải tổ chức cảnh giới cẩn thận. Có người bí mật đặt máy in trong nhà tắm của gia đình, lúc cần thiết thì sẽ vặn vòi nước chảy để lấn át tiếng kêu của máy in và cất giấu dễ dàng hơn.

“Nhựa sống” nuôi dưỡng niềm tin và nghị lực

Làm báo, in báo bí mật đã nhiều khó khăn như vậy thì việc phát hành báo Nhựa sống cũng là một nghệ thuật của học sinh, sinh viên thời kỳ ấy. Với khổ giấy bé như quyển sách, quyển vở học sinh, sau khi in xong thì báo được bỏ vào cặp mang đến trường. Ngoài việc phát hành theo các tổ chức đoàn, nhiều người tranh thủ giờ ra chơi lén đút tờ báo vào ngăn bàn, có người thì đưa cho một số bạn đọc rồi chú ý theo dõi thái độ của các bạn, nếu ai lẳng lặng giấu tờ báo vào cặp mang về nhà đọc thì đó là những người có cảm tình với kháng chiến. Dần dần như vậy, Báo Nhựa sống đã giúp Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến lôi cuốn được nhiều bạn trẻ cảm tình vào hoạt động với tổ chức. Sau này, rất nhiều học sinh của Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Báo Nhựa sống sau cũng được đổi tên là Tiền phong (cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay).

Theo ký ức của bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, cựu học sinh kháng chiến Trường Trưng Vương, Hà Nội: “Có nhiều người nghĩ rằng, sống ở Hà Nội thời đó chúng tôi chỉ là những học trò tiểu thư “ăn trắng mặc trơn”. Chúng tôi đã phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng, chi tiêu thật dè sẻn, để góp phần nuôi tờ báo bí mật Nhựa sống. Và chính Nhựa sống lại nuôi dưỡng niềm tin, nghị lực cho chúng tôi vượt mọi khó khăn, thử thách thời Hà Nội bị địch tạm chiếm”.

Tuy là một tờ báo bí mật nhưng Nhựa sống đã có ảnh hưởng sâu, rộng đến mọi tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên của Thủ đô thời kỳ đó. Nội dung của tờ báo rất phong phú và sinh động. Không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, kêu gọi học sinh, sinh viên không đi lính cho Pháp, thông báo tình hình chiến sự mà tờ báo còn đề cập nhiều vấn đề, cụ thể trong nhà trường như thảo luận về động cơ học tập, học để làm gì, tích cực vận động học sinh chống lại ảnh hưởng của văn hóa đồi trụy... Báo còn có phóng sự, thơ ca, bài viết về những ngày kỷ niệm của đất nước, tranh châm biếm, đả kích mạnh mẽ thực dân Pháp và những thói hư, tật xấu của một bộ phận thanh niên, học sinh... nên tờ báo được học sinh, sinh viên rất chờ đợi. Tờ báo chính là nơi chỉ đạo các hoạt động cho thanh niên Thủ đô thời kỳ địch tạm chiếm.

Có thể nói, ảnh hưởng của tờ báo Nhựa sống cùng với nhiều hoạt động khác của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội trong thời kỳ bị tạm chiếm luôn biến động khiến kẻ thù tìm cách đàn áp, đối phó. Đúng như tên gọi Nhựa sống, tờ báo mang tinh thần của những học sinh, sinh viên thời kỳ kháng chiến, một sức trẻ, sự nhiệt huyết tràn đầy nhựa sống của lứa tuổi 20. Và đặc biệt, trong một công văn mật số 291/CABV/GĐ của Nha Công an Bắc Việt ngày 25-10-1952 đã nhận định: “Tờ báo Nhựa sống rất lợi hại, đây thực sự là một tờ báo cho dù in roneo và theo khuôn khổ vở học trò”.

Chính vì sự lợi hại như vậy nên trong quá trình tham gia viết bài, xuất bản, in ấn, phát hành tờ báo Nhựa sống, rất nhiều học sinh, sinh viên kháng chiến ở Thủ đô đã bị địch bắt, tra tấn dã man rồi giam vào Nhà lao Hỏa Lò, trong đó có các ông: Lê Tám, Dương Linh, Lê Văn Ba, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần, bà Đỗ Hồng Phấn... Nhóm này bị bắt giam thì nhóm khác ở ngoài vẫn tiếp tục gây dựng lại phong trào, góp giấy, viết bài, in ấn và phát hành để Nhựa sống vẫn không ngừng chảy trong trái tim các cô cậu học trò nhiệt huyết với cách mạng, nuôi khát vọng đến ngày Thủ đô được giải phóng.

Bài và ảnh: MINH THÀNH