Những năm tháng không quên

Tham quan trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, chúng tôi thực sự ấn tượng với những hình ảnh, câu chuyện xúc động được giới thiệu tại đây. Trưng bày tái hiện một phần ký ức miền Bắc nước ta trong hai đợt chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ (năm 1964, 1972), trong đó có những ngày Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội 48 năm trước (tháng 12-1972).

Trong hai đợt tấn công phá hoại miền Bắc, quân đội Mỹ đưa hàng trăm máy bay B-52, hàng nghìn máy bay chiến thuật, tàu chiến, tàu sân bay sang chiến trường Việt Nam, trút hàng nghìn tấn bom xuống các tỉnh miền Bắc. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, miền Bắc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải gánh chịu bao mất mát đau thương. Tại cuộc trưng bày này, du khách được xem lại hình ảnh cầu Long Biên, cây cầu huyết mạch nối nội thành với bờ bắc sông Hồng bị phá hủy nhiều đoạn bởi bom B-52 của Mỹ. Để đưa người dân nội thành Hà Nội đi sơ tán, trong 12 ngày đêm B-52 trút bom xuống thành phố, đã có hàng trăm chuyến đò chở hàng nghìn người dân qua sông Hồng an toàn. Theo hồi ức của ông Nguyễn Văn Lân, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Chở đò Thái Thủy, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, tại bến đò ngang của hợp tác xã ngày đó, anh em lái đò thay nhau trực, chở đò cả ngày lẫn đêm. Khi bom Mỹ đánh sập cầu, số lượng người qua sông xếp hàng dài trên bờ. Hợp tác xã đã cho đào nhiều hầm cá nhân ở hai bên bờ sông để mỗi khi có máy bay địch ném bom, mọi người có thể nhanh chóng xuống hầm trú ẩn...

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh cùng du khách tham quan trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”  tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Không chỉ có những hình ảnh về chiến tranh đau thương mà hào hùng của lực lượng không quân và nhân dân Việt Nam, tại cuộc trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”, người xem được gặp lại những hình ảnh cán bộ quản giáo làm công tác bảo vệ và chăm sóc phi công Mỹ tại “Khách sạn Hilton”-Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) trong những năm 1964-1973. Những tài liệu, hiện vật, kỷ vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Huy hiệu Bác Hồ tặng phi công Nguyễn Văn Cốc khi lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967 (ông là phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất (9 máy bay) và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 27 tuổi); chiếc áo kaki, máy đo huyết áp, ống nghe của bác sĩ Đỗ Doãn Đại-nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sử dụng để khám cho người dân và các nạn nhân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội năm 1972...

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu phi công Phạm Tuân dù chân đau nhưng vẫn cố gắng hòa vào dòng người tham quan trưng bày để tìm lại ký ức về những trận không chiến năm xưa của ông và các phi công tiêu biểu như: Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Phú Thái, Nguyễn Đức Soát, Bùi Thanh Liêm... Trong không gian trưng bày có bức ảnh phi công Phạm Tuân, khi đó mới 25 tuổi, đeo quân hàm Thượng úy với nụ cười tươi trước nắp buồng lái máy bay chuẩn bị xuất kích đánh B-52 của Mỹ năm 1972. “Sau đó, vào khoảng 22 giờ ngày 27-12-1972, tôi được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. Khi bay lên, tôi nhìn thấy rất nhiều chiếc F-4 yểm trợ cho B-52 nhưng không được bắn, phải bay vòng qua. Một lúc sau thì tiếp cận được B-52, khi ở khoảng cách 3km, tôi phóng hai quả tên lửa làm B-52 nổ tung...”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Trung tướng Phạm Tuân kể rằng, các phi công ngày đó trước khi xuất kích đánh B-52 hầu như xác định sẽ không trở về, không nghĩ đến khó khăn, gian khổ, hy sinh mà chỉ mong sao bắn được B-52. Khi được giao nhiệm vụ là nếu B-52 vào Hà Nội thì trong mọi tình huống, khí tượng xấu đến mấy cũng phải cất cánh để bảo vệ vùng trời Thủ đô. Đó là mệnh lệnh của người chiến sĩ... Chính vì vậy, mỗi lần xem lại hình ảnh chiến đấu năm xưa, Trung tướng Phạm Tuân luôn cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào về những ngày tháng đối đầu với kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc. Ông nghĩ rằng thế hệ của mình đã làm được những việc như thế thì chắc chắn ngày nay, thế hệ tương lai mỗi khi Tổ quốc cần sẽ làm được những việc tốt hơn thế.

leftcenterrightdel
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân bên bức ảnh chụp ông trước giờ xuất kích đánh B-52, tháng 12-1972. 

Quả thực, vào những thời điểm khắc nghiệt nhất, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam lại tỏa sáng. Dù phải đối đầu với những loại vũ khí hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ nhưng thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam đã một lần nữa chiến thắng. Trong đợt chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ, các lực lượng phòng không miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay (trong đó có 6 máy bay B-52 và 3 máy bay F-111), bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ. Với lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ lần thứ hai, bắn rơi 34 máy bay B-52 trong tổng số 81 máy bay, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12-1972.

Khát vọng hòa bình

Những ngày đầu tháng 12 này, trong không gian trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”, lần đầu tiên khách tham quan được trải nghiệm những hình ảnh, âm thanh sống động như: Tham quan bằng audio guide (thuyết minh tự động), nghe tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, tiếng ì ầm của máy bay, nghe lại giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn (Đài Tiếng nói Việt Nam) xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!”...

Đặc biệt, không ít du khách tham quan rất hào hứng khi được trực tiếp trải nghiệm cảm giác cầm búa gõ kẻng làm từ bom Mỹ, đội mũ rơm và chạy vào ẩn nấp trong hầm chữ A như trong thời kỳ chiến tranh. Trong không gian căn hầm chữ A với mùi khói súng nồng nặc, du khách được nghe giới thiệu về cách làm hầm, công năng của hầm để tránh đạn bom thời chiến...

leftcenterrightdel
Một góc trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”.

Qua những trải nghiệm thú vị này, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò hy vọng sẽ giúp thế hệ đi qua chiến tranh chạm vào, sống lại một phần ký ức của mình, đồng thời mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay những cảm nhận chân thực về một thời khói lửa mà cha ông từng trải qua để càng trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Bên cạnh những hình ảnh, ký ức về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, không gian trưng bày còn giới thiệu những hình ảnh thể hiện tinh thần nhân văn của người Việt đối với các phi công bị bắt trong chiến tranh, trong đó có những phi công bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trong suốt 45 năm qua.

Quá trình từ không chiến đến hòa bình giữa hai quốc gia, hai dân tộc là cả một hành trình nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước. Các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ được coi là những sứ giả hòa bình góp sức quan trọng để “nối hai bờ đại dương”. Đặc biệt, tại cuộc trưng bày này có rất nhiều hình ảnh về cuộc gặp gỡ giao lưu vui vẻ, thân tình giữa các phi công của hai nước diễn ra tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ những đối thủ trên bầu trời năm xưa, nay họ gặp lại nhau trong không khí cởi mở, thân tình, hòa bình, hợp tác, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: MINH THÀNH