Nơi đây còn lưu lại dấu tích của địa đạo Nam Hồng, minh chứng lịch sử về ý chí bám đất giữ làng của nhân dân, ẩn chứa nhiều lớp giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc.
Đến thôn Vệ, xã Nam Hồng, tôi gặp ông Đoàn Văn Luân, chứng nhân lịch sử chứng kiến quá trình xây dựng địa đạo tại xã Nam Hồng. Ở tuổi 98 nhưng ông vẫn nhớ rõ những ngày cùng người dân nơi đây dày công xây dựng địa đạo chống Pháp. Suốt 9 năm kháng chiến, xã Nam Hồng luôn làm tốt nhiệm vụ của một "làng kháng chiến", với cách đánh du kích thông minh như đắp 800m thành lũy, đào 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, 5.900 giao thông hào và hào chiến đấu... Đặc biệt địa phương đã mở rộng hệ thống hầm bí mật bằng cách đào và nối thông các hầm với nhau, dài gần 11km dưới lòng đất, sau này có tên gọi là địa đạo Nam Hồng.
|
|
Học sinh Trường Trung học cơ sở
Nam Hồng
tham quan di tích địa đạo Nam Hồng tại nhà cụ Phạm Văn Dộc. |
Theo lời kể của ông Luân, địa đạo Nam Hồng bắt đầu được thử nghiệm từ năm 1947, huy động 60 du kích tập trung đào từ nhà thờ họ Ngô, thôn Đoài, dài 200m với mục tiêu làm thử rút kinh nghiệm. Sau nhiều lần đào hầm và đưa vào chiến đấu thực tế, năm 1951, xã Nam Hồng chính thức khởi công xây dựng địa đạo. Là một trong những người vinh dự được tổ chức đảng và nhân dân tin tưởng trao trọng trách, ông Đoàn Văn Luân nhận nhiệm vụ đào hầm tại thôn Vệ. Thời điểm đó, nam giới tại thôn Vệ đều là quân du kích nên khác với các thôn, đội hình đào hầm thôn Vệ đặc biệt hơn khi tập hợp toàn bộ là nữ trung niên hơn 40 tuổi, trong đó có 3 người chị gái ruột của ông Luân, gồm bà Đoàn Thị Tiện, Đoàn Thị Tuyết, Đoàn Thị Điểm xung phong trở thành đội viên xây dựng địa đạo. Đội dân quân đào hầm được thành lập với 18 nữ dân quân, 6 nam du kích vận chuyển vật liệu.
Theo kế hoạch, ông Luân trực tiếp chỉ định đội dân quân đào hầm bằng cuốc, xẻng và bằng tay, mỗi ngày đào 60m. Vận dụng nguyên liệu có sẵn, dân quân dỡ điếm canh đê lấy gạch xây hầm, lấy gỗ làm cửa hầm. Địa đạo xuyên qua những trục đường quan trọng dưới lòng thôn Vệ, có 10 cửa chính. Vào giai đoạn khốc liệt, xã Nam Hồng chịu sự càn đi quét lại của giặc Pháp, hàng nghìn căn nhà bị đốt, chỉ còn sót lại 7 ngôi nhà gạch. Ông Đoàn Văn Luân và đồng đội đã lựa chọn 7 ngôi nhà làm vị trí chiến đấu, quyết tâm bảo vệ tài sản còn sót lại của dân làng. Mỗi căn nhà sẽ có một cửa hầm chính thông xuống địa đạo, thuận lợi cho việc rút lui của du kích. Ông Luân kể: “Nhiều lần bị địch bắt gặp trong quá trình đào hầm, chúng tôi vội vàng tìm chỗ ẩn nấp và lùi lịch đào hầm vào ban đêm, sao cho kịp tiến độ mỗi ngày đào được 60m. Chúng tôi đặt tiêu chí đào địa đạo là không xa lũy nhưng cũng không cận lũy, hướng phòng ngự chính là phía Bắc”. Thôn Vệ ở vị trí trung tâm xã Nam Hồng nên địa đạo được cấu tạo gần như ngang giữa làng, vượt qua 3 trục đường chính có các nhánh nhỏ kết nối, bảo đảm sự liên hoàn, cơ động, làm quân địch khó lòng chia cắt đội hình quân ta. Đây là ý đồ chiến thuật trong việc di chuyển, đội du kích có thể rút lui sang mọi hướng.
Năm 1952, địa đạo Nam Hồng hoàn thành, ngay lập tức được đưa vào phục vụ chiến đấu. Điểm nhấn đặc biệt của địa đạo Nam Hồng là phần lớn được đào và nối thông qua diện tích đất của các hộ gia đình trên địa bàn xã. Địa đạo có chiều cao khoảng 1m, rộng khoảng 800m2, có hình tròn hoặc hình e líp khoét nhỏ chỉ vừa lọt từng người chui. Địa hình chạy gấp khúc, dọc qua 4 thôn Tằng My, thôn Vệ, thôn Đìa, thôn Đoài. Mỗi đoạn có một nhánh cụt để tạm trú, cửa hầm thông lên mặt đất hoặc đoạn hầm khác. Trên mặt đất có các lỗ thông hơi ẩn giấu kín đáo bằng các vật chắn tự nhiên như nắp cống, gốc cây, bờ tường... Mặc dù du kích và bộ đội địa phương nhiều lần gặp tình huống yếu thế trong các trận chiến với thực dân Pháp, nhưng nhờ có địa đạo Nam Hồng đã giúp quân ta thuận lợi trong việc di chuyển và rút lui, giảm thiểu được thương vong. Đồng thời tạo điều kiện cho địa phương vận động đánh tập kích, đột kích vào địch, góp phần dành thắng lợi trong nhiều trận đánh.
Trải qua 70 năm, đến nay địa đạo Nam Hồng chỉ còn khoảng 67m chạy ngầm qua 4 gia đình ở thôn Vệ gồm: Cụ Phạm Văn Dộc, cụ Phạm Văn Cán, gia đình bà Phiến và bà Lê. Để bảo vệ di tích còn lại, năm 1980, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho lắp ghép trần và hai bên thành địa đạo bằng các tấm bê tông chống sập từ trần trên mặt đất, dày từ 60 đến 80cm. Do vậy, địa đạo ngày nay cao hơn địa đạo cũ và có khuôn hình chữ nhật cố định. Ngày 29-1-1996, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Nam Hồng vinh dự được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cùng năm, địa đạo Nam Hồng được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Địa đạo Nam Hồng là địa đạo kiểu mẫu ở miền Bắc Việt Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây đã đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một chứng tích về cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân xã Nam Hồng và dân tộc Việt Nam. Di tích là địa chỉ đỏ có ý nghĩa đặc biệt, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: HẠ ANH