Đó chính là "sức mạnh mềm" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, từ đó tạo sự trân trọng, yêu mến, tình cảm thân thiện đối với đất nước, con người, văn hóa của một dân tộc, qua đó giúp lan tỏa sang các lĩnh vực khác, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến khoa học, công nghệ... Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới xem văn hóa như một phương tiện để xây dựng “sức mạnh mềm” cho đất nước.
1. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó, "sức mạnh mềm" được xem như một yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Sức hấp dẫn, mức độ ảnh hưởng và tính thuyết phục của văn hóa ở mỗi quốc gia giúp hình thành nên bản lĩnh, sự tự tin văn hóa, nhờ đó, giúp hội nhập quốc tế tốt hơn, đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng văn hóa. Đó là lý do tại sao Việt Nam chúng ta đang hướng đến xây dựng "sức mạnh mềm" của dân tộc thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như: Điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, sự kiện văn hóa-nghệ thuật, ẩm thực, du lịch... để thế giới biết nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam, giúp tỏa sáng những giá trị Việt Nam.
|
|
PGS, TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh QUANG VINH |
Cách chúng ta xây dựng "sức mạnh mềm" như vậy đã và đang góp phần củng cố hình ảnh một đất nước đổi mới và phát triển, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Các sản phẩm văn hóa được cụ thể hóa để trở thành "sức mạnh mềm" đã chuyển tải toàn bộ thông điệp này một cách uyển chuyển, mềm mại, kết nối với trái tim của nhân dân trên toàn thế giới. Từ chuyển tải sức mạnh của văn hóa tạo điều kiện cho chúng ta phát triển kinh tế-xã hội, giúp chúng ta củng cố, nâng cao vị thế, uy tín chính trị, kinh tế và xã hội. Đây là lý do quan trọng để chúng ta chú trọng xây dựng THQG về văn hóa.
2. Ở một khía cạnh nào đó, như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhấn mạnh việc cần thiết phải tôn trọng những biểu đạt đa dạng của văn hóa thì văn hóa là sự khác biệt, phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, quốc gia này với quốc gia khác; văn hóa thể hiện chủ quyền của mỗi quốc gia. Chính vì thế, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta có 8 di sản văn hóa (DSVH) vật thể, 14 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh. Tất cả sản phẩm văn hóa quý báu đó đã tạo nên THQG. Chính những loại hình văn hóa rất độc đáo của chúng ta, từ rối nước, điệu múa xòe, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh... đến các DSVH khác nhau là dấu ấn đầy tự hào để chúng ta giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
|
|
Truyền dạy hát Xoan, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho học sinh ở xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: HỒNG SÁNG |
Chúng ta biết rằng, văn hóa tạo ra tính hấp dẫn cho đất nước. Nếu chúng ta biết cách khai thác để tạo ra những chất liệu cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới, mang đậm dấu ấn, giá trị văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền văn hóa thế giới. Bởi thực tế cho thấy, khẩu hiệu kinh doanh nghệ thuật hiện nay là "more local, more international" (càng địa phương, càng quốc tế). Nghĩa là nếu chúng ta đưa được các giá trị văn hóa vào những sản phẩm văn học-nghệ thuật thì chúng ta càng có chỗ đứng riêng biệt, vững chắc trong thị trường văn hóa-nghệ thuật thế giới, giúp chúng ta khẳng định được bản lĩnh văn hóa của mình, đồng thời, thể hiện được sự tự tin văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình hội nhập quốc tế, quốc gia nào không giữ được bản sắc văn hóa của mình thì rất dễ bị hòa tan và trở thành bản sao mờ của văn hóa nước khác. Qua đó làm cho văn hóa của dân tộc đó bị vong bản, người dân của dân tộc đó mất đi sự tự tin văn hóa của mình, dẫn đến bị đồng hóa, mất văn hóa gốc. Điều đáng mừng là cha ông chúng ta đã để lại một kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng, giúp chúng ta tự tin hội nhập trong bối cảnh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Đó cũng là điểm mạnh mà văn hóa đã đem lại cho đất nước.
3. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta bắt buộc phải tăng cường hơn nữa việc xây dựng THQG về văn hóa. Việc đó có thể tiến hành qua nhiều cách, ví như trong lĩnh vực DSVH, chúng ta xây dựng THQG qua các DSVH vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Chúng ta cũng có thể xây dựng THQG qua các sự kiện văn hóa-nghệ thuật, như: Xây dựng thương hiệu Điện ảnh Việt Nam thông qua Liên hoan phim quốc tế Hà Nội; xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam thông qua Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam; xây dựng tuần lễ ẩm thực ở Huế hay Hà Nội mang tầm vóc quốc tế... Hoặc nhiều sự kiện khác có thể trở thành sự kiện quốc tế ở Việt Nam, như: Festival pháo hoa Đà Nẵng, Festival Huế, Carnaval Hạ Long... Bên cạnh đó, chúng ta có thể xây dựng THQG thông qua hình ảnh của nghệ sĩ cụ thể trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, thời trang, hay các lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa mà chúng ta đã đề ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tài năng của các nghệ sĩ có thể giúp tỏa sáng thương hiệu Việt Nam trên thế giới. Giống như Trương Nghệ Mưu đã làm cho điện ảnh Trung Quốc, như Kim Ki Duk đã làm cho điện ảnh Hàn Quốc... Hay chúng ta có thể tạo thương hiệu cho Việt Nam trên cơ sở tham gia các sự kiện quốc tế lớn, như: Liên hoan phim Cannes, Tuần lễ thời trang Paris, London...
Với truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, chúng ta đã và đang tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc với những câu chuyện, truyền thuyết, di tích, làng nghề, phong tục, lễ hội... qua đó, có thể giúp hình thành các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng có của Việt Nam. Cũng từ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đất nước chúng ta cũng xuất hiện nhiều tài năng trên các lĩnh vực khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh đến văn chương, ẩm thực... Nếu biết khai thác triệt để những tài năng này, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế để phát triển, giúp tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, góp phần củng cố, phát huy "sức mạnh mềm" của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để xây dựng THQG về lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù thông qua tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người làm công tác văn hóa tăng lên rõ rệt bằng việc ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển văn hóa. Nhưng thực tế cho thấy, một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương và người làm công tác văn hóa nhận thức về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ. Thể hiện ở chỗ, việc đầu tư cho văn hóa, các hoạt động văn hóa cụ thể, cho cơ sở vật chất, nhất là đầu tư cho con người trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh đó, mặc dù đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều năm, với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước nhưng mô hình hoạt động và quản lý văn hóa của Việt Nam còn khá chậm chạp, còn chịu quán tính rất lớn của thời kỳ bao cấp khiến việc vận hành các hoạt động văn hóa của chúng ta có độ trễ nhất định đối với nền kinh tế thị trường cũng như xu thế quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa chung của thế giới. Tinh thần kinh tế, tinh thần kiến tạo trong lĩnh vực văn hóa của Việt Nam chưa thực sự tạo động lực cho phát triển văn hóa. Cùng với đó, chúng ta còn thiếu khá nhiều cơ sở vật chất để tạo điều kiện tổ chức các sự kiện lớn nhằm phát triển thương hiệu văn hóa Việt Nam. Ví như, hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà hát ở Thủ đô Hà Nội cơ bản đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, hoặc đã quá cũ, không bảo đảm chất lượng cho hoạt động của thời kỳ hiện đại. Như việc chúng ta vẫn chưa có một bảo tàng quốc gia theo đúng nghĩa của nó, đủ để có thể giới thiệu hoàn hảo về lịch sử đầy tự hào của dân tộc, cũng như thành tựu vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh... Đặc biệt, nguồn nhân lực ngành văn hóa của Việt Nam chưa cập nhật với kiến thức chung của thế giới; chưa thực sự có được những kỹ năng cần thiết để tổ chức các hoạt động xây dựng THQG về văn hóa. Vì thế, việc xây dựng THQG về văn hóa của chúng ta gặp không ít khó khăn. Đó chính là những điểm yếu căn bản cần giải quyết trong thời gian tới nếu muốn xây dựng THQG về văn hóa, khẳng định sự phát triển văn hóa của đất nước, từ đó lan tỏa ra các lĩnh vực khác.
4. Việc xây dựng THQG về văn hóa có mối liên hệ mật thiết đối với việc xây dựng "sức mạnh mềm" của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Biết rằng, "sức mạnh mềm" được hình thành chủ yếu từ văn hóa, nhất là các THQG về văn hóa. Trong con mắt bạn bè quốc tế, họ biết đến Việt Nam nhiều nhất thông qua các THQG về văn hóa. Đó là những bộ phim làm lay động trái tim của rất nhiều người, đó có thể là DSVH được UNESCO vinh danh, hay những sự kiện tầm cỡ quốc tế mà chúng ta tổ chức... Do đó, việc xây dựng, giữ gìn các THQG về văn hóa chính là cách để chúng ta không ngừng củng cố, phát huy "sức mạnh mềm", góp phần chấn hưng dân tộc bằng văn hóa.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội