Mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, việc xây dựng văn hóa kinh doanh trong các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) có nhiều thuận lợi: Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý tập trung, thống nhất, tính kỷ luật cao; tinh thần vượt khó; chịu tìm tòi, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám đột phá... Ở từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mỗi DNQĐ lại có cách đi riêng. Đến nay, nhiều DNQĐ đã có được tấm “hộ chiếu” thông qua những sản phẩm, dịch vụ điển hình. Tuy nhiên, tạo dựng được thương hiệu đã khó, giữ được chữ tín với khách hàng bằng sản phẩm của mình càng khó hơn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã gặp gỡ, trò chuyện với một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Tự bảo vệ uy tín, thương hiệu
Uy tín, thương hiệu được xem là những biểu hiện cao nhất mà văn hóa DNQĐ tạo ra. Nếu không tập trung phấn đấu, cống hiến liên tục, bảo vệ được uy tín, thương hiệu thì doanh nghiệp khó có văn hóa bền vững. Nói một cách khác, việc xây dựng thành công uy tín, thương hiệu cũng chính là cách biến khát vọng, sự nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tuân thủ kỷ luật, pháp luật của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp thành sản phẩm giá trị cụ thể. Những giá trị tinh thần này sẽ trở thành nguồn lực, “sức mạnh mềm” giúp DNQĐ vượt qua thách thức trong cạnh tranh.
|
|
TS NGUYỄN SĨ DŨNG. Ảnh: NGÔ THANH |
Tuy nhiên, văn hóa DNQĐ khó phát triển được nếu chấp hành pháp luật không nghiêm, để xảy ra vi phạm trong quản lý tài chính. Tiếp đó là nếu DNQĐ để chủ nghĩa thân hữu hoặc hiện tượng thông đồng, móc ngoặc, chiếm dụng vốn nhằm mang lại lợi ích cho người nhà, “cánh hẩu” sẽ kéo lùi sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp.
Vấn đề cần tập trung xây dựng văn hóa DNQĐ hiện nay là hoàn thiện được cơ chế quản lý và vận hành nó hoạt động thông thoáng; khuyến khích sự sáng tạo của cán bộ, nhân viên. Cần đề cao và thực thi dân chủ đầy đủ; chống chủ nghĩa thân hữu, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” một cách triệt để thì văn hóa doanh nghiệp sẽ nhanh chóng trở thành “sức mạnh mềm”, thúc đẩy nâng cao uy tín và thương hiệu.
PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI, Viện trưởng Viện Giáo dục kỹ năng và trí tuệ sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Chống trì trệ
Việc xây dựng uy tín, thương hiệu của các DNQĐ bên cạnh nhiều thuận lợi cũng gặp một số khó khăn. Có thể là do nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư và đầu vào tăng cao như hiện nay cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ uy tín, xây dựng thương hiệu của các DNQĐ.
|
|
PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI. Ảnh: NGÔ THANH |
Đó cũng có thể là hiện tượng cạnh tranh thụ động do sản xuất hàng độc quyền. Biểu hiện cụ thể là ít mạnh dạn đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; bộ máy lãnh đạo, quản lý cồng kềnh, có nhiều khâu trung gian dẫn đến ì ạch như một người béo thừa cân dễ trì trệ. Muốn xây dựng được văn hóa doanh nghiệp thực chất thì phải cắt bỏ những phần thừa để bộ máy năng động, dám nghĩ, dám làm, chủ động cạnh tranh.
TS VŨ DUY, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái
Trên thị trường, những vấn đề về hàng nhái, hàng giả, hàng trốn lậu thuế chưa được kiểm soát tận gốc, đặc biệt vấn đề cá nhân, tổ chức lợi dụng uy tín, thương hiệu của DNQĐ để làm giàu bất chính dễ khiến người tiêu dùng, đối tác thiếu niềm tin vào các sản phẩm, dịch vụ của DNQĐ.
|
|
TS VŨ DUY . Ảnh: NGÔ THANH |
Trong thực tế sản xuất, kinh doanh, đã có hiện tượng doanh nghiệp bị tẩy chay sản phẩm nên không giữ được uy tín, thương hiệu. Trước vấn đề này, các DNQĐ cần nghiên cứu, chủ động xây dựng phương án phòng, chống, trong đó nổi bật là cần cung cấp thông tin sự vụ cho xã hội trung thực, đầy đủ, kịp thời; có thể trực tiếp trao đổi, truyền thông để người tiêu dùng, đối tác thấy được sự thật.
MẠNH THẮNG (ghi)