Đó là hai câu ca dao quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam, đưa ra một chân lý rất đỗi giản dị về giá trị và sức mạnh lớn lao mà tình yêu đem lại. Bởi chúng ta đều biết: “Cuộc sống không có tình yêu không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại” (W.Shakespeare), cho nên “Người yêu người, sống để yêu nhau” (Tố Hữu).
Tình yêu, trước hết, đó là tình yêu đôi lứa-chuyện muôn thuở của con người. Nhưng, không có tình duyên nào lại “xuôi chèo mát mái” mà ít nhiều đều trải qua sóng gió và thử thách. Có thử thách nhiều người không thể (và không dám) vượt qua như: “Nhà em cách bốn quả đồi/ Cách ba ngọn suối, cách đôi quãng rừng/ Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng yêu em” (Nguyễn Bính). Nhưng nói chung, sức mạnh của trái tim, của tình yêu chân thật và cao cả lớn hơn tất thảy. Người ta sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau.
Trong câu ca dao trên, “mấy núi, mấy sông, mấy đèo” chính là sự xa cách về không gian. Ngày trước, chuyện đi lại cách sông, cách đò, cách đồi, cách núi trong điều kiện khó khăn là một thách thức không nhỏ. Nhưng, cách “một hai ngọn núi, một hai con sông, một hai ngọn đèo” cũng chưa là gì. Hơn thế, “tam tứ núi” họ “cũng trèo”, “ngũ lục sông” họ “cũng lội” và “thất bát cửu thập đèo” họ “cũng qua”. Khi cả hai trái tim cùng chung nhịp đập thì ở đâu đôi trai gái cũng đều nhận ra nhau và họ sẵn sàng đến với nhau dẫu cùng trời cuối đất.
Có rất nhiều giai thoại trong cuộc sống ngày xưa của ông cha ta nói về tình yêu đôi lứa. Chẳng hạn, mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử vượt qua khoảng cách sang hèn và định kiến xã hội (truyện “Chử Đồng Tử”). Công chúa (trong truyện “Thạch Sanh”) đã hóa câm khi biết chàng dũng sĩ Thạch Sanh vừa cứu mình gặp nạn (bị lấp lại trong hang) và nàng bỗng nhiên cười nói, tươi như hoa khi nghe tiếng đàn thần của chàng vọng lại... Trọn nghĩa với nàng Kiều, chàng Kim suốt 15 năm đằng đẵng nhớ về người yêu, sẵn sàng “Dấn mình trong áng can qua/ Vào sinh ra tử họa là thấy nhau” (“Truyện Kiều”). Đặc biệt, mối tình giữa người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi với cô gái “ở Tây Hồ, bán chiếu gon” Nguyễn Thị Lộ đã đi vào huyền thoại với tất cả sự lãng mạn và bi hùng của nó...
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, cũng có nhiều mối tình xứng đáng đi vào lịch sử về sự thủy chung. Đó là mối tình của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên. Anh Trỗi là chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Trong thời gian anh Trỗi bị giam giữ, ngoài chuyện tiếp tế cho anh, chị Quyên còn thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên. Một lần, chị làm bài thơ bốn câu và trân trọng thêu vào tấm khăn gửi anh: “Dù cho sóng gió bão bùng/ Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn/ Cầu mong anh được bình an/ Nước nhà thống nhất vinh quang anh về”. Tấm khăn thêu đó hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đã được chiêm ngưỡng tận mắt bức tranh thêu có một không hai này.
Hay mối tình của hai chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu. Xa cách nhau 15 năm và hoàn cảnh lao tù với máu, với nước mắt đã dệt nên một tình yêu cảm động vô bờ bến. Trước đó, mấy lần chị Châu khước từ lời cầu hôn của anh Tư (vì còn lo cho gia đình và lo hoạt động cách mạng gặp rủi ro). Ngày 23-5-1962, anh Lê Hồng Tư bị chính quyền ngụy kết án tử hình. Cùng thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Châu cũng bị địch bắt giam. Khi nghe tin anh Tư bị kết án nặng, chị Châu tự nhận mình là hôn thê (vợ chưa cưới) của anh Tư. Chị gửi thư thông báo tin chị nhận lời làm vợ anh và động viên anh giữ vững chí khí chiến đấu. Thật tuyệt vời, hai anh chị đã đoàn tụ với nhau sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975).
Và còn biết bao "chàng trai yêu, cô gái yêu” trên khắp nẻo đường, công trường, đồng ruộng, nhất là trong các đơn vị quân đội đang ngày đêm canh giữ tại các điểm tiền tiêu của đất nước. Họ thủy chung lời hứa, trọn vẹn tấm lòng với nhau trong tình yêu lứa đôi, dưới mái ấm gia đình. Đẹp hơn, họ cùng chung tay làm nên sự nghiệp chung bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh.
Thật là: “Yêu nhau chẳng quản gần xa/ Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều”.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH