Bố anh gầy yếu, ngoài làm ruộng còn làm thợ kèn ở đoàn nhạc hiếu nhưng cũng chẳng khấm khá gì, đến cái xe đạp cũng không mua nổi cho con đi học trường xa. Ấy vậy mà Tuấn học rất xuất sắc, giành nhiều giải huyện, giải tỉnh, rồi lại đỗ đại học ngành ngân hàng. Ngày ấy, cả xã tôi có hơn 2.000 hộ dân, nhưng phải vài năm mới có một người thi đỗ vào đại học. Vì vậy, tụi học trò lớp sau chúng tôi dạo đó hay được bố mẹ, thầy cô nhắc nhiều về tấm gương vượt khó vươn lên của anh để mà noi theo, phấn đấu...

leftcenterrightdel
 Bìa tập thơ "Bốn mùa tình yêu" của Ngô Anh Tuấn

Mấy chục năm đã qua, câu chuyện về anh thuở học trò dường như chỉ còn ẩn sâu trong ký ức, thì mấy năm trước, tình cờ tôi gặp lại anh trong một cuộc hội ngộ đồng hương ở Hà Nội. Anh đang giữ trọng trách là thủ lĩnh tổ chức công đoàn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Tôi cứ tưởng anh học đại học xong là thẳng tiến vào nghề đã học.

Qua tâm sự mới biết, anh tốt nghiệp đại học năm 1984, lúc ấy đất nước vẫn chưa im tiếng súng, bộ đội ta còn phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường nước bạn Campuchia, anh với nhiều bạn học cùng ra trường tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Anh được biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2). Chàng cử nhân ngân hàng vào quân ngũ thời điểm đó thật không kể sao hết được sự nhọc nhằn gian khó. Dù cách xa biên giới, nhưng đơn vị bộ binh đủ quân, quanh năm bốn mùa dãi mưa tắm nắng thao trường, nước da đã đổi màu.

Từ môi trường đó, chiến sĩ Ngô Anh Tuấn đã bật lên được những tứ thơ, để rồi trong những trang sổ tay cất trong ba lô cứ dày dặn những bài thơ đậm chất lính. Trong tập thơ "Bốn mùa yêu thương" vừa xuất bản, anh lựa hai bài “Tình yêu nâng bước quân hành” và “Thời áo xanh” để như nhắc nhớ kỷ niệm một thời quân ngũ:

Anh về sau ngày trực Tết

Tháng Ba vẫn rét nàng Bân

Thương anh mong manh áo lính

Chiến binh, sương gió phong trần

Anh đi khi gà gáy sáng

Mắt em vương khói cay cay

Nắm cơm gói vội trong bếp

Anh ơi, không được chặt đầy...

 (Thời áo xanh)

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, như đã tốt nghiệp một trường đại học thứ hai, Ngô Anh Tuấn xuất ngũ trở về, vào công tác ở ngành ngân hàng từ đấy. Và mạch thơ của anh vẫn không ngừng tuôn chảy, ngày càng đằm thắm hơn, tình hơn.

Chọn mùa theo lẽ tự nhiên của đất trời non sông Việt, xứ nhiệt đới với bốn mùa khá rõ rệt trong một năm để “tạo cớ” sáng tác thơ thực ra không mới, rất nhiều người làm thơ từng theo cách này. Nhưng cái độc đáo, cái gần như “tuyên ngôn” thơ về tình yêu theo mùa của Ngô Anh Tuấn, đó là mượn mùa trong tự nhiên để “tôi” tâm sự với “em”.

Cách này vừa dễ vừa khó. Xin không nói cái dễ-khó ở đây mà để bạn đọc cùng chia sẻ điều này khi đọc “Bốn mùa tình yêu” của anh. Và, thường thì trong bốn mùa, mỗi mùa có xúc cảm khác nhau, nhưng thông thường, mùa xuân và mùa thu dễ tạo nhiều cảm xúc nhất thì phải.

Thơ Ngô Anh Tuấn cũng vậy, “nghiêng” về hai mùa này nhiều hơn, nhiều nhất vẫn là mùa thu-mùa đẹp nhất trong năm. Lúc đầu, tôi định xin phép anh cho sắp xếp lại thứ tự các bài theo mùa: Xuân-hạ-thu-đông, nhưng sau khi đọc kỹ, tôi lại thấy anh có lý khi không sắp xếp một cách có chủ ý như vậy, mà cứ để tự nhiên như một sự ngẫu hứng mùa của tác giả.

“Bốn mùa tình yêu”, chỉ cần nghe cái tên đã thấy rõ chủ đề, diễn nôm ra thì là thơ viết về tình yêu trong bốn mùa. Và trong bốn mùa tự nhiên đó, chỉ có hai nhân vật: Tôi và em. Không bài nào thiếu “em” trong đó, còn “tôi” dù có viết cụ thể ra hay không thì cũng vậy, bởi thế, mỗi bài thơ như lời tâm sự riêng của hai người. Một thứ tâm sự mà như anh bộc bạch, gần như tất cả chỉ từ sự lục tìm trong ký ức của thời gian, tức là cái đã qua, cái đã xưa rồi: 

Thời gian trôi đi, còn trang ký ức

Những vần thơ theo ngày tháng sinh sôi

Mình đã chắt chiu từng nhánh nhỏ niềm vui

Để mơ dệt những chồi non hạnh phúc 

(Mênh mông nơi ấy)

Thơ tình vốn là thơ của cảm xúc từ trái tim yêu đương, lại được sự “cộng hưởng” của mùa, nên có lẽ vì thế mà mỗi bài thơ, mỗi câu thơ đều giàu hình ảnh, sắc màu. Và tôi ví, mỗi bài thơ, mỗi câu thơ của anh như một, hay những bức tranh đầy màu sắc, nó thay đổi theo mùa.

Tuy thế, tình yêu trong thơ anh thường là dang dở, khắc khoải, chứ ít thấy sự trọn vẹn, đủ đầy. Có phải thế chăng mà đọc lên đều man mác buồn. Mà không ít người quan niệm, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, anh cũng đi theo lối này chăng? Tôi không dám “quy chụp” Ngô Anh Tuấn phải là người yêu quá nhiều người, quá từng trải (nhất là sự đổ vỡ) trong tình yêu mới có thể "rút ruột nhả tơ" nhiều bài thơ tình như thế, mà cũng không dám khẳng định rằng, có thể anh chỉ yêu một, hai lần trong đời, nhưng anh đã nói hộ bao người khác, bởi họ yêu hay không yêu một ai đó nữa, nhưng không viết ra được như anh mà thôi...

Nếu để chọn ra những bài thơ, đoạn thơ tâm đắc đại diện cho “Bốn mùa tình yêu” của anh thì nhiều lắm, người viết bài này chỉ xin trích mấy đoạn (theo chủ quan, còn có thể không trùng với sự lựa chọn của bạn đọc), để minh họa, gợi mở chút ban đầu: 

Tháng Ba còn nỗi lòng bỏ ngỏ

Lời yêu thương vỡ vụn đã bao lần

Chưa trải lòng đã vội hết mùa Xuân

Nghiêng nắng vàng, Hạ đang về trước ngõ...

(Tình khúc tháng ba)

Hạ về trong nét đẹp ngây thơ

Bàng thay áo đỏ lúc sang mùa

Sấu rụng bên đường, đầu ngõ vắng

Hồi hộp mong người đã tới chưa...

(Hạ ơi)

Em đến bên tôi

Một ngày êm ả

Mùa Thu trút lá

Mây êm đềm trôi

Em đến trong tôi

Có gì rất lạ

Đến đi vội vã

Con tim chơi vơi...

Em đã đi xa

Mưa buồn phố nhỏ

Đường xưa trút lá

Thu chiều bâng khuâng

(Em và tôi)

Chiếc lá vàng đã lạc rơi nỗi nhớ

Câu thơ giờ còn ướt đẫm dấu than

Hồn say mèm trong chiều vắng đi hoang

Thu không chờ mà cuốn trôi vội vã

Thoáng rùng mình khi va vào ngọn gió

Phố nhẹ nhàng khoác chiếc áo mùa Đông

Em bây giờ có thấy giá rét không

Đợi anh về dệt đan thêm màu nắng  

(Lạc rơi nỗi nhớ)

Thoáng buồn. Khắc khoải. Hoài niệm... Tất cả đều có trong “Bốn mùa tình yêu”. Nhưng không thấy bi lụy, bế tắc. Không thấy cực đoan. Mà những điều này rất dễ xảy đến khi con người ta... thất tình. Tôi nghĩ, cái đẹp buồn mà hướng thiện trong “Bốn mùa tình yêu” là ở chỗ này chăng? Thật khó trả lời chính xác. Chỉ có thể nói rằng, bạn hãy đọc “Bốn mùa tình yêu” để thấy được tiếng lòng tác giả, hoặc cũng thấy được mình trong đó. Bởi trong đời, ai chẳng từng có lời riêng, lời tâm sự giữa “tôi” và “em”... Còn một điều nữa, thơ Ngô Anh Tuấn có hồn của âm nhạc. Vì thế, thơ anh đã được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Trọng Đài, Phan Muôn... chọn để phổ nhạc. 

Xin được chúc mừng Ngô Anh Tuấn với tập thơ đầu tay ra đời vào giữa những ngày mùa thu năm Tân Sửu này!

NGUYỄN HOÀNG SÁU