Vị chủ hôn đặc biệt

Nhớ lại một chiều chủ nhật dịp 22-12 cách đây hơn chục năm, tôi sang chơi, thăm thủ trưởng Nguyễn Chơn ở khu nhà công vụ của Bộ Quốc phòng tại ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Hôm ấy có cả Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng ra thăm ông. Cô con gái thứ hai của ông là Thanh Bình lễ phép mang nước mời khách. Nhìn con gái ông Chơn, bà Lý, thủ trưởng Chu Huy Mân nhắc đến đám cưới giản dị mà rất vui, rất đặc biệt của hai người anh hùng vào năm 1977.

 

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý 

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Chơn.   Ảnh tư liệu            

Anh hùng Nguyễn Chơn và Anh hùng Trần Thị Lý gặp nhau tại Hà Nội. Sau một thời gian tìm hiểu và được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm vun đắp, hai người đã nên duyên vợ chồng. Giữa năm 1977, đám cưới được tổ chức ở Đoàn 871.

Đây là một đám cưới đặc biệt vì nhiều lẽ. Thứ nhất, chủ hôn đám cưới là đồng chí Võ Chí Công, Phó thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí: Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam... đều đến chia vui. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bận việc không đến được đã gửi tặng hai người hai cây bút. Đại sứ Cuba và đại sứ một số nước cũng đến dự, chúc mừng đám cưới của hai người.

Điều đặc biệt thứ hai, trong đám cưới, cô dâu, chú rể được nhận quà quý của Bác Hồ là hai chiếc đồng hồ Poljot và mấy mét vải do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác mang đến tặng theo như lời Bác đã nói với Anh hùng Trần Thị Lý trước đây khi chị có vinh dự được gặp Bác: “Lúc nào cháu xây dựng gia đình, báo cho Bác biết để Bác đến chúc mừng”.

Và một điều đặc biệt nữa, đó là đám cưới của hai sĩ quan quân đội, hai Anh hùng LLVT nhân dân, hai vị đại biểu Quốc hội. Lúc đó, chú rể Nguyễn Chơn là Đại tá, Sư đoàn trưởng, người từng làm cho quân Mỹ-ngụy khiếp sợ trên các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Hạ Lào; còn cô dâu là Đại úy, cán bộ chính trị của Đoàn 871 mà suốt nhiều năm kháng chiến chống máy bay Mỹ đánh phá đã anh dũng lập không ít thành tích nơi túi bom Đồng Hới, Quảng Bình.

Cô dâu, chú rể đặc biệt

Cô dâu Trần Thị Lý sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phú Hải, thị xã Đồng Hới (nay là phường Phú Hải, TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình bên dòng sông Lũy, một nhánh của con sông Nhật Lệ, phía nam Cầu Dài. Là người lanh lợi, hoạt bát, có ý thức trách nhiệm cao nên từ sớm Trần Thị Lý được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy, chính quyền và xã đội. Năm 1964, Trần Thị Lý được kết nạp vào Đảng. Tháng 2-1965, khi mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Mỹ đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Phú Hải là một trong những điểm nóng chiến sự. Trần Thị Lý được bổ sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không Nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.

Trong những cuộc chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, Trần Thị Lý đã tỏ rõ bản lĩnh, chiến đấu xuất sắc, dùng súng trường K44 bắn trả máy bay Mỹ rất kiên cường và dũng cảm cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp. Riêng ngày 4-4-1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, Trần Thị Lý đã mưu trí, dũng cảm chèo đò đưa lãnh đạo vượt sông an toàn để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa tiếp tục chiến đấu vô cùng gan dạ, mưu trí. Bà đã trải qua 29 trận chiến đấu anh dũng đánh trả máy bay Mỹ.

Với những thành tích xuất sắc đó, Trần Thị Lý được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 1-1-1967 và vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Cũng trong năm đó, bà được chuyển sang quân đội, làm Chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới. Cuối năm 1967, bà được cử đi học Trường Văn hóa Quân khu, sau đó được cử đi học tiếp tại Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị) của Bộ Quốc phòng. Bà là đại biểu Quốc hội các khóa: IV, V và VI; từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà Trần Thị Lý còn được Chủ tịch Cuba Phidel Castro nhận làm con nuôi. Từ năm 1985, bà được điều về giữ chức Phó giám đốc, rồi Giám đốc Khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng.

Chú rể Nguyễn Chơn sinh năm 1927 ở thôn Phú Lộc, vùng Nam Ô, phía nam đèo Hải Vân (nay thuộc TP Đà Nẵng). Thời niên thiếu, chứng kiến giặc Pháp tàn phá quê hương, đàn áp nhân dân, Nguyễn Chơn đã nuôi chí báo thù, xin gia nhập bộ đội địa phương năm 1946. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã dũng cảm cùng đơn vị đánh nhiều trận giành thắng lợi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc rồi đi học Trường Lục quân Việt Nam (khóa 10, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Năm 1958, Trung úy Nguyễn Chơn cùng 28 đồng chí thuộc lứa đầu tiên trở về miền Nam chiến đấu. Trước khi lên đường vượt Trường Sơn, đoàn cán bộ vinh dự được gặp Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Bác ôm hôn từng người và căn dặn những điều cần chú ý khi về với quê hương, với đồng bào miền Nam, cần tập trung xây dựng lực lượng, củng cố lòng tin yêu của nhân dân và mở rộng địa bàn hoạt động. Quà Bác tặng mỗi người là một chiếc radio để nghe tin tức.

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Chơn (ngồi giữa, khi đang là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 5) nghe báo cáo phương án đánh Cao điểm 547 ở chiến trường K (năm 1984). Ảnh tư liệu.

Gần 10 năm, trải qua bao trận đánh và giành nhiều thắng lợi giòn giã, riêng trận An Sơn-Liệt Kiểm, Trung đoàn 1 Ba Gia của ông đã diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị của lữ đoàn bộ binh 196 Mỹ, bắt nhiều tù binh... Thành tích của ông và đơn vị đã được Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công (Năm Công) đánh giá cao. Sau khi giao nhiệm vụ mới, ông Năm Công đã dành ít thời gian thân thiết nói chuyện riêng với Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn tuổi sắp 40, có nhắc đến chuyện lấy vợ. Nhưng ông đã cảm ơn thủ trưởng Năm Công và trả lời đại ý là: Chuyện ấy sao đặt ra bây giờ được ạ? Chưa vợ như tôi thì càng yên tâm đánh giặc, có hy sinh cũng không để khổ lại cho người phụ nữ. Hơn nữa, đồng bào, đồng chí, đồng đội ngày ngày ngã xuống mà mình đi tìm hạnh phúc riêng thì sao được anh Năm? Ngay sau đó, ông trở về trung đoàn, tổ chức bộ phận đi nghiên cứu tình hình địch ở Đà Nẵng, chuẩn bị phối hợp trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Hơn hai năm sau, trong Chiến dịch Đông Xuân 1969-1970, Sư đoàn 2 trở lại Hiệp Đức, ông lại chỉ huy đơn vị giành một trận thắng để đời, đánh quỵ hẳn lữ đoàn 196 của Mỹ, tiêu diệt nhiều sĩ quan, binh lính Mỹ, trong đó có tên tướng lữ đoàn trưởng. Trong buổi gặp lại Bí thư Khu ủy Năm Công và Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân, ông vinh dự được thông báo nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong không khí vui vẻ đầm ấm hôm ấy, hai thủ trưởng lại quan tâm đến việc lấy vợ của vị sư đoàn trưởng anh hùng đã 42 tuổi. Nhưng câu trả lời vẫn là: “Dạ lo chi các thủ trưởng, chưa lấy vợ lúc này để toàn tâm đánh giặc, thắng giặc xong tôi sẽ lấy vợ. Chưa lấy thì lấy sau chứ có mất phần đâu mà lo, hai thủ trưởng nhỉ?”. Câu nói ấy đã làm cả 3 người cùng cười vui.

Đầu năm 1971, ông chỉ huy Sư đoàn 2 tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đánh tan sư đoàn 1 anh cả đỏ của ngụy, rồi sang Hạ Lào góp phần giải phóng cao nguyên Bôlôven. Mùa xuân năm 1972, Sư đoàn 2 góp công lớn giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh. Trong cuộc Tổng tiến công năm 1975, Sư đoàn 2 do Nguyễn Chơn chỉ huy đã tiến công giải phóng Hiệp Đức, thị xã Tam Kỳ, sau đó thần tốc cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 và Quân đoàn 2 tiến công giải phóng TP Đà Nẵng. Gần 30 năm từ ngày đi kháng chiến, ở quê nhà, bố mẹ và các em ông không có tin tức, và ông cũng không rõ bố mẹ mình còn sống hay đã mất. Sau khi Đà Nẵng giải phóng, một buổi chiều ông mới tranh thủ về thăm bố mẹ, gia đình cùng bà con thôn Phú Lộc, Nam Ô...

Cả cuộc đời chinh chiến của ông gắn với những giai thoại: “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”... Trong chiến đấu, ông dũng mãnh là thế, nhưng mỗi khi nhắc đến đồng đội, nhân dân đã hy sinh, ông luôn tràn đầy cảm xúc và mau nước mắt. Những năm đã nghỉ hưu, ông hay dành thời gian thăm lại các địa phương, các gia đình từng giúp đỡ, cưu mang ông và đơn vị trong chiến đấu. Ông day dứt là chưa có điều kiện làm tốt hơn công tác quy tập mộ liệt sĩ...

Cố Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, khóa VII, đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VIII, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, là người như thế-chú rể của một đám cưới đặc biệt năm xưa.

NGUYỄN NHÂN TỎ