Đôi bạn thi họa trong chốn tù đày

Nguyễn Chánh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Quảng Ngãi. Ông có hai người anh tham gia cách mạng, ông ngoại và các cậu đều là những nhà nho học, mẹ ông là người ham mê đọc sách, có khiếu làm thơ nên đã dạy cho ông rất nhiều. Nhờ đó, Nguyễn Chánh giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Năm 1931, ông bị địch bắt, giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Dù bị tra tấn dã man nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục. Ông cùng các đồng chí khác còn biến nhà lao thành trường học, dạy mọi người làm thơ Đường, học tiếng Pháp, giác ngộ tù nhân hình sự…

Cũng tham gia cách mạng từ sớm và bị bắt sau Nguyễn Chánh không lâu, Phạm Thị Trinh cũng bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Trong tù, các chị em tranh thủ học thêm văn hóa nhưng Phạm Thị Trinh còn muốn học làm thơ nữa. Hồi đó, chưa có thơ tự do, làm thơ Đường luật rất khó, bà lại không có kiến thức về thơ. Một hôm, bà làm bài thơ thất ngôn bát cú nhờ Nguyễn Chánh chữa hộ. Nguyễn Chánh vốn gia đình có truyền thống nho học, lại yêu thích thơ văn, thấy Phạm Thị Trinh cũng yêu thơ nên hứa sẽ giúp đỡ. Thế nhưng trong nhà tù trao đổi rất khó. Hai người cuối cùng tìm được gian nhà vệ sinh nam và nữ sát nhau, có cửa sổ hướng ra ngoài, bên này nói bên kia có thể nghe được, làm nơi hẹn hò trao đổi thơ.

leftcenterrightdel
Tướng Nguyễn Chánh. Ảnh tư liệu

Nguyễn Chánh giải thích kỹ lưỡng cho Phạm Thị Trinh về cách làm thơ, cũng như làm một bài văn, phải có phần mở đầu, phần chính và kết luận… Mỗi hôm một chút, dần dần bà Trinh biết làm thơ và làm thơ rất say sưa. Hai người trở thành đôi bạn thi họa trong chốn tù đày. Lâu dần, Nguyễn Chánh thấy thầm nhớ giọng đọc thơ vụng về của cô gái dong dỏng cao, có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn; còn Phạm Thị Trinh cảm phục và thầm yêu thầy dạy thơ của mình. Rồi Nguyễn Chánh được ra tù trước, họ lưu luyến nhau bằng những vần thơ:

      - Bạn ơi bể cạn non mòn

      Mà ta với cuộc trần hoàn vẫn trơ.

      - Anh đã ra về, anh bước đi

      Đi trên đường cũ bấy lâu ni

      Chông gai càng bước càng gian khổ

      Nhưng chí làm trai có quản gì.

Ra tù, mẹ Nguyễn Chánh ưng một đám ở xóm dưới, giục ông lấy vợ nhưng ông trả lời mẹ rằng: “Mẹ thương con thì hãy đợi con dâu của mẹ còn ở trong tù, khi nào được ra, con sẽ dẫn về thưa chuyện với mẹ”. Nhưng mẹ Nguyễn Chánh đã mất trước khi kịp có con dâu.

Phạm Thị Trinh ra tù, cả bà và ông Chánh đều bị quản thúc tại gia đình. Thỉnh thoảng, họ đi đò đến thăm nhau. Hai nhà cách nhau chừng 7-8 cây số, cùng chung dòng nước sông Trà. Càng ngày tình cảm của hai người càng sâu đậm, trong một lá thư, Nguyễn Chánh bày tỏ lòng mình và ngỏ ý xin cưới Phạm Thị Trinh. Nhưng, cả hai vấp phải sự phản đối của hai bên gia đình bởi nhà nào cũng có vài ba người tù cộng sản rồi lại bị hàng xóm nhỏ to là “rước” thêm tù về nhà. Bạn bè bà Trinh còn chê Nguyễn Chánh “vừa bé choắt, vừa đen như cột nhà cháy”.

Không bận tâm những lời gièm pha, họ quyết tâm đến với nhau. Hôm đám cưới, người ta đứng đông hai bên đường xem mặt cô dâu. Người ta bàn tán xì xào vì thấy đám cưới chẳng giống ai, không có họ hàng nhà gái đưa dâu, không có người lớn, chỉ toàn thanh niên, bạn cô dâu chú rể. Bọn trẻ con còn kêu lên “cô dâu như con trai”, bởi Trinh không để tóc dài như phụ nữ thời ấy, trên người bận bộ quần áo thường ngày, cũng chẳng có thách cưới. Đưa dâu về đến nhà chồng, chưa kịp ăn cơm thì bọn hương lý đến lập biên bản, ghi tên từng người có mặt và tuyên bố, Phạm Thị Trinh là tù cộng sản, không được đến ở làng này. Ba ngày sau, đáng lẽ là ngày về nhà mẹ đẻ của cô dâu, chú rể thì hai vợ chồng lại bị lính đến đưa trát bắt đi tù ngay. Bị giam mấy ngày, hai vợ chồng được trở về nhà, căn buồng cưới tuềnh toàng chỉ có chiếc giường gãy, ba chân ọp ẹp, chăn màn không có, hai vợ chồng phải dùng chiếu đắp thay chăn.

Những ngày vợ chồng

Hai vợ chồng Nguyễn Chánh dọn một quán nhỏ, chồng cắt tóc, vợ buôn bán lặt vặt, trở thành cơ sở cách mạng bí mật. Cuối năm 1938, thực dân Pháp quay lại đàn áp phong trào cách mạng, gia đình Nguyễn Chánh rời quán về nhà sống. Lúc này, Nguyễn Chánh là Bí thư liên tỉnh, đi công tác thường xuyên; bà Trinh ở nhà nuôi hai con, chăm sóc bố chồng và nuôi giấu cán bộ cách mạng từ Bắc vào.

Cuối năm 1939, Nguyễn Chánh bị bắt. Hơn nửa tháng trời, ngày nào bà Trinh cũng gửi con, trốn xuống tỉnh dò la tin tức chồng, đến ngày thứ 16 mới nhìn thấy lính dắt chồng ra, hai tay bị xiềng. Bà chạy thẳng tới chỗ chồng, quên cả sợ hãi, tim thắt lại khi thấy chồng xanh xao, hốc hác. Chỉ sau câu nói của Nguyễn Chánh: “Tôi vẫn còn trong trắng”, hai người liền bị bọn lính đánh đập và lôi Nguyễn Chánh đi. Những ngày sau, bà Trinh tiếp tục dò la tin tức chồng… Quá sức, bà bị ốm nặng, hai chân bị bại, mắt không nhìn thấy gì.

Vài tháng sau, Phạm Thị Trinh dần hồi phục thì Nguyễn Chánh bị đày đi tù khổ sai. Trong tù, biết tin vợ ốm liệt và mù, Nguyễn Chánh viết thư động viên: “… Thôi, đứng lên Trinh ơi! Tôi tin rằng người bạn tri kỷ, đáng tin cậy sẽ vượt qua mọi khó khăn để sống…”.

Sức khỏe hồi phục, Phạm Thị Trinh lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Bị bắt tù, bà phải mang theo con nhỏ vào tù cùng mẹ. Một thời gian sau bà được thả và quản thúc tại nhà.

Ngày Nguyễn Chánh được thả khỏi nhà lao Huế, chính bà Trinh là người được tổ chức giao nhiệm vụ đi đón ông và giới thiệu về tỉnh. Nguyễn Chánh chỉ kịp ghé qua nhà chốc lát, chưa kịp gặp các con đã phải đi. Bà Trinh cũng gửi các con lại, ra tỉnh nhận công tác. Hai vợ chồng được phân công vào Ủy ban Vận động cứu quốc của tỉnh. Hai người phải giữ bí mật, không dám nhận nhau là vợ chồng. Tranh thủ buổi đêm sau giờ họp, hai vợ chồng giả vờ múc nước cho nhau giặt quần áo để nói chuyện, những câu chuyện trong thời gian dài dằng dặc xa nhau…

Xong đợt họp, Nguyễn Chánh về núi rừng Ba Tơ, Phạm Thị Trinh trở về cơ sở xây dựng các tổ chức quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa Ba Tơ. Có một chuyện khiến nhiều người sau này nhắc lại vẫn thường trêu bà Trinh, đó là ngày đội quân Ba Tơ sắp làm lễ “hạ sơn”, tổ chức phụ nữ đón đoàn quân ở dưới bia lũy. Lúc đó bà Trinh là Bí thư Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, trao thanh gươm tuốt vỏ cho đội quân Ba Tơ mà người lên nhận chính là Nguyễn Chánh, khi đó là chính trị viên. Lúc ấy, bà Trinh đang mang thai con thứ 3.

Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình Nguyễn Chánh sum họp trong niềm vui của cả nước. Lúc này con đầu của ông bà đã 8 tuổi, con thứ hai 7 tuổi. Con gái thứ hai mặc dù nghe mẹ kể về cha rất nhiều nhưng chưa biết mặt cha, nghe hàng xóm trêu đùa đó không phải ba Chánh nên nhất định không chịu gọi ba, chỉ trốn một góc nhìn trộm. Phải mất mấy ngày dỗ dành, làm quen, con gái mới chịu gọi ba, từ đó quấn quýt không rời.

Vợ chồng Nguyễn Chánh sinh được 6 người con, hai con trước Cách mạng Tháng Tám, ba người con sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, cha mẹ đi hoạt động cách mạng, các con phải đem gửi mỗi đứa một nơi, sống trong vòng tay yêu thương đùm bọc của họ hàng, bạn bè.

Sau Hiệp định Geneve, gia đình ông bà được đoàn tụ ở Hà Nội. Bà về công tác ở Trung ương Hội Phụ nữ, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Con út Hòa được sinh ra trong hòa bình nhưng ngày bà sinh con, ông Chánh lại lên đường trở lại miền Nam chuẩn bị kháng chiến chống Mỹ. Gia đình ông bà lại những ngày xa cách, lo âu. Từ miền Nam ra, ông lại bị chảy máu dạ dày, phải đi điều trị một năm xa nhà.

Một ngày, Nguyễn Chánh đi họp về muộn, ông đặt lên bàn chiếc hộp màu đỏ và nói với vợ: “Hôm nay anh đi nhận huân chương của Đảng, Chính phủ tặng. Riêng Bác Hồ tặng anh một cái đồng hồ có khắc tên Bác”. Ông nói thêm: “Đáng lẽ những huân chương này Đảng tặng em thì đúng hơn là tặng cho anh…”, khiến bà Trinh xúc động nghẹn ngào.

Cưới nhau gần 20 năm nhưng thời gian ông bà ở gần nhau cộng lại chỉ vài ba năm. Tính tình hai người khác nhau nhiều nhưng luôn biết dung hòa, nhường nhịn để giữ hạnh phúc gia đình. Nguyễn Chánh gọi vợ là “bạn tri kỷ”. Hai vợ chồng vẫn làm thơ họa như ngày mới quen.

Một ngày cuối tháng 9-1957, Nguyễn Chánh ra đi khi mới 43 tuổi mà không kịp gặp vợ lần cuối. Bài thơ cuối cùng bà làm, ông chưa kịp đọc… 

(Theo “Chuyện tình chính khách Việt Nam”, tác giả Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh)

DƯƠNG THU (tổng hợp)