Tên bộ phim và ngay những phân đoạn đầu tiên đã khiến người xem liên tưởng đến trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. “Đêm tối rực rỡ” từ mở đầu đến kết thúc phim là bối cảnh đêm cuối đám tang cụ Sáng, cũng là khi con cháu tập hợp về nhà. Trong đêm đó, sau vẻ hào nhoáng, rực rỡ dành cho người đã khuất, là những chuyện xấu xa, góc khuất của mỗi thành viên trong gia đình được “bóc trần” phơi bày ra. Ông Toàn gia trưởng, đánh đập vợ con, đã bán dần hết gia sản cụ Sáng để lại nướng vào chiếu cờ bạc.
Và cuộc họp gia đình mà nhiều người nghĩ rằng để chia gia sản trở thành cuộc “chia nợ ra để gánh” cho ông Toàn. Vợ ông-bà Gái đua đòi, ăn diện nhưng vô tâm, cam chịu sự bạo hành, gia trưởng của chồng bao năm. Con trai cả của ông bà-Kim Hoàng tham lam, nhu nhược, lừa cả hai em gái để bỏ túi tiền làm ma của ông. Con dâu Bích Ngọc ham tiền bạc, ích kỷ, sẵn sàng quay lưng bỏ lại gia đình trước nguy hiểm. Con gái út Kim Bảo chơi bời, nghiện ma túy. Con gái thứ Xuân Thanh-nhân vật chính-mới ly hôn chồng, bị trầm cảm nhưng không ai thấu hiểu và luôn bị coi là người điên.
Suốt bộ phim, người xem như được đồng cảm theo tâm trạng của nhân vật chính bởi những mâu thuẫn, màn đối thoại to tiếng, cãi vã, vạch tội, đổ lỗi giữa các thành viên. Ở trong một gia đình mà tất cả đều là nạn nhân của bạo hành, lúc nào cũng chửi mắng, đánh đập rồi nói là yêu thương, đã tạo thành một vòng luẩn quẩn nhiều thế hệ từ ông Toàn là “sản phẩm” của bạo lực từ cha ông, tới các cháu ông cũng đang là nạn nhân mà người lớn không hay. Và sự bức bối, mất bình tĩnh của mỗi người được đẩy lên cao dần khi trời càng về sáng, thời hạn trả nợ sắp đến. Tất cả rối tung, hỗn loạn, vỡ tan khi cháu đích tôn của ông Toàn bị xã hội đen cắt ngón tay uy hiếp; Xuân Thanh rút dao đâm ông Toàn khi thấy ông bóp cổ đòi giết Kim Bảo nhưng lại đâm phải Kim Bảo...
|
|
Cảnh trong phim “Đêm tối rực rỡ”. Ảnh tư liệu.
|
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhận định: “Điểm mạnh của bộ phim là đạo diễn đã khéo léo đẩy tội ác đến tận cùng để phơi bày những góc khuất xấu xa của một gia đình trong một đêm đám tang, nhưng đến những phút cuối đã bật lại bằng cái kết vị tha, nhân bản, đầy tình người, hy vọng con người ta sẽ sống với nhau tốt đẹp hơn. Cảm giác ngột thở, căng như dây đàn của người xem được đạo diễn khéo léo nới lỏng bằng việc đan xen những chi tiết tình cảm, tự nhiên”.
Đoạn kết cũng chính là bước ngoặt thể hiện tay nghề của đạo diễn, tác giả kịch bản và tài năng của các diễn viên. Nút thắt phim được gỡ khi tất cả đều có những phút chậm lại suy nghĩ và nhận ra sai lầm, những giá trị của gia đình, tình thân. Ông Toàn nói lời xin lỗi các con. Xuân Thanh chấp nhận việc không được gặp con để nhận tiền chia tài sản ly hôn của chồng, trả nợ cho cha. Cô cũng phần nào buông bỏ được những ám ảnh trong lòng để đưa tay đặt vào cha, anh trai khi mọi người ngồi trên chuyến xe đưa cụ Sáng về nơi an nghỉ cuối cùng, mở ra một cuộc sống mới cho người sống.
Diễn viên Nhã Uyên (vai Xuân Thanh), cũng là tác giả kịch bản, chia sẻ: “Trong suốt 4 năm thực hiện bộ phim, tôi đã nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng ánh sáng để tôi có thể đi tiếp là nhờ niềm tin chung tay giúp trẻ em có thể an toàn trong chính ngôi nhà của mình”. Bóc trần một vấn đề nhức nhối trong xã hội, “Đêm tối rực rỡ” là tiếng cảnh tỉnh, lên án bạo lực gia đình mà đôi khi người ta vẫn gắn mác đó là dạy dỗ, yêu thương. Đồng thời, phim cũng đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con người với những hệ lụy nguy hiểm nhưng vẫn chưa được xã hội quan tâm nhiều, thậm chí xem nhẹ, nghi hoặc, cười chê.
Là bộ phim độc lập, kinh phí khiêm tốn và không được đặt nhiều kỳ vọng trên đường đua phim Việt năm 2022, nhưng sau một tuần công chiếu, “Đêm tối rực rỡ” đã đứng đầu doanh thu phòng vé và nằm trong hai phim độc lập có doanh thu cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm đó (12 tỷ đồng). Thời gian kể chuyện ngắn, chỉ từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, bối cảnh hầu hết trong ngôi nhà, đạo diễn dường như không lãng phí một giây phút hay chi tiết nào, từ cách đặt tên nhân vật, những con số, khung cảnh quanh nhân vật, việc thay đổi tỷ lệ khung hình... để truyền tải những ý đồ của phim.
Dàn diễn viên không đông đảo và có các gương mặt “ông hoàng”, “nữ hoàng” phòng vé nhưng có thể thấy các diễn viên đã làm tốt vai diễn của mình. Mỗi nhân vật hiện lên cho người xem cảm giác đều là diễn viên chính, ai cũng có số phận, tính cách riêng. Nhất là, đạo diễn người Mỹ đã có gần 20 năm sống ở Việt Nam đã khai thác và thể hiện tốt những nét văn hóa đời sống Việt Nam, cụ thể là một đám tang ở miền Nam được tái hiện rất kỹ, từ việc bài trí ban thờ, dán giấy báo vào gương, kính, các phần lễ bái, màn biểu diễn... Vì thế, bộ phim cũng được đánh giá là rất Việt Nam.
“Đêm tối rực rỡ” là bộ phim độc lập đầu tay của vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto và nữ diễn viên, biên kịch Nhã Uyên. Phim đã minh chứng một điều, như lời của PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, một bộ phim hay không hoàn toàn phụ thuộc vào vốn, sự nổi tiếng của diễn viên... mà việc thể hiện như thế nào để có thể lay động người xem, phản ánh hơi thở cuộc sống và tính nhân ái, tính giáo dục mà phim mang lại mới là yếu tố làm nên thành công.
Đạo diễn Aaron Toronto từng tham gia biên kịch, sản xuất và đồng đạo diễn trong một số phim nổi tiếng ở Việt Nam như: Tấm Cám-Chuyện chưa kể, Em chưa 18, Để mai tính, Thanh Sói...
Ngoài giải Cánh diều Vàng cho phim truyện điện ảnh, “Đêm tối rực rỡ” còn mang về các giải ở hạng mục này: Biên kịch xuất sắc nhất; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Nhã Uyên); Quay phim xuất sắc nhất (Khắc Nhật); Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Xuân Trang).
Trước đó, “Đêm tối rực rỡ” đã thắng hai giải thưởng (Câu chuyện xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất-Nhã Uyên) tại Liên hoan phim Santa Fe 2022 (Mỹ) có sự tham dự của 168 bộ phim đến từ 36 quốc gia.
|
DƯƠNG THU