Trên sân khấu Nhà hát Kịch nói Quân đội, “Mưa đỏ” thêm lần nữa mang lại cho khán giả cảm xúc đặc biệt về người chiến sĩ và những hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

“Mưa đỏ”-vì đó là mưa máu, những giọt mưa như những giọt máu! Kịch bản lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, với thế giới nhân vật đông đảo cả hai phía chiến tuyến, từ vị tướng mặt trận đến người lính cần vụ, từ vị chính ủy đến người lính trơn xuất thân là cán bộ, công nhân, là anh nông dân chân lấm tay bùn, là những chàng trai, cô gái học sinh, sinh viên, những nhạc sĩ, họa sĩ; từ tổng thống, đại tướng ngụy quân, cố vấn Mỹ, đến những lính ngụy, thậm chí đến mẹ, đến người yêu của những người lính ở hai chiến tuyến. Có thể nói, đây là một kịch bản truyền cảm hứng sáng tạo từ âm nhạc tới mỹ thuật, dàn dựng, diễn viên; đồng thời cũng là một thử thách không nhỏ với đạo diễn và ê kíp sáng tạo. Nhà văn Chu Lai thừa nhận: “Tôi viết kịch bản này tưởng như để chơi thôi, chứ khó dựng lắm, kịch bản có quy mô cả quân đoàn, binh đoàn, rồi cả một thành cổ huy hoàng, trần trụi khó làm lắm, nhưng vẫn lọt mắt xanh của Hội đồng nghệ thuật Nhà hát Kịch nói Quân đội. Như vậy là cảm hứng trận mạc, cảm hứng đau thương và anh hùng vẫn tồn tại trong tâm hồn nghệ sĩ-chiến sĩ”.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng cũng không ngại thừa nhận đây là một thách thức: “Vở cực kỳ khó, làm sao thể hiện 81 ngày đêm trong một vở diễn?”. Nhưng từ điểm xuất phát chung khi tác giả và đạo diễn đều từng tham gia chiến trường, đều là lính chiến, đều bước chân lên đường từ cái nôi Nhà hát Kịch nói Quân đội (trước đây là Đoàn Kịch nói Tổng cục Hậu cần), họ đã đồng hành sáng tạo để dàn dựng thành công vở diễn “Mưa đỏ”.

Cô đọng tinh thần kịch bản, chỉ với 90 phút, vở diễn tái hiện sinh động 81 ngày đêm cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Có lẽ cái tên “Mưa đỏ” đã trao “chìa khóa” sáng tạo cho đạo diễn: Những dải đỏ tạo hình xuyên suốt vở diễn, khi là những giọt mưa máu, khi là ngọn lửa sống tỏa sáng sự hy sinh anh hùng của các chiến sĩ Thành cổ, khi lại là cái nôi đưa người chiến sĩ vào giấc ngủ ngàn thu... Vở diễn huy động gần 70 diễn viên và người phục vụ. Nhân vật tuy đông nhưng không bị nhạt nhòa, bởi mỗi nhân vật đều có cá tính riêng, vai trò riêng trong sự hô ứng, tung hứng sáng tạo của các nghệ sĩ. Tham gia diễn xuất đa số là diễn viên trẻ bên cạnh một số gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của Nhà hát Kịch nói Quân đội: Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Anh Huy, Thu Ngà, Hoàng Lan, Hoàng Hiệp, Xuân Thu, Xuân Bình...

leftcenterrightdel
  Cảnh trong vở kịch "Mưa đỏ". 

Nhân vật chính của vở diễn “Mưa đỏ” là Cường Hà Nội, đang học năm thứ 4 nhạc viện “gác bút nghiên lên đường chiến đấu” năm 1972. Cường mang tâm thế và tinh thần của người Hà Nội vào cuộc chiến. Bên trong sự dũng cảm, khốc liệt của một người lính sẵn sàng đương đầu với cái chết, Cường có một trái tim vô cùng lãng mạn. Theo tác giả Chu Lai, lãng mạn mới sinh ra được lý tưởng và tạo ra sức mạnh từ các giá trị tinh thần. Nối bước cha vào mảnh đất Quảng Trị, nơi ông đã ngã xuống, Cường hứa với mẹ “nhất định con sẽ là một người lính tử tế và khi trở về, con sẽ cố gắng có cái gì đó như một nhạc phẩm chiến tranh thật sự để tặng Hà Nội, tặng mẹ”. “Bản sonat máu” đã được Cường viết trong những khoảng lặng chiến tranh, ngay tại căn hầm giao thông chật hẹp, rồi cất lên ngay ở đó, giữa đêm khuya, cùng nén hương được thắp và rung lên ở ngay trên cây đàn ghi ta. Những giai điệu xoa dịu lòng chiến sĩ Thành cổ, như chiêu hồn cả những người lính đã hy sinh.

Hóa thân trọn vẹn vào vai Cường Hà Nội, diễn viên Dương Khánh độc diễn cùng cây đàn, trong chuỗi âm thanh ngân rung xúc động tạo ra những cộng hưởng cảm xúc ấn tượng với đồng đội-bạn diễn và từ đó, lan tỏa cảm xúc tới khán giả. Cũng với trái tim lãng mạn của người trai Hà Nội, trước khi hy sinh, Cường gửi Hồng những kỷ vật thiêng liêng mang về cho mẹ, trong đó có những bản nhạc: “... Anh muốn những bản nhạc của anh sẽ vang lên trên khắp phố phường Hà Nội...”. Hà Nội là ký ức, là nỗi nhớ, là khao khát trở về trong ngày hòa bình thống nhất đất nước. Khao khát chính đáng ấy không thể trở thành hiện thực, nhưng những bản nhạc mang âm hưởng của lịch sử, của dân tộc, của đồng đội, âm hưởng của non sông và tình yêu sôi nổi, thiết tha trong trái tim người nhạc sĩ trẻ tài hoa người Hà Nội ấy còn sống mãi.

Kết kịch thật ấm áp và sâu sắc khi người mẹ mang theo âm hưởng bản giao hưởng máu của người con trai duy nhất hy sinh, được cô gái Quảng Trị (người yêu anh từ cái nhìn đầu tiên) đưa vào Thành cổ để tìm mộ của con trai. Bà đã gặp và từ từ đi lại phía người mẹ của chính người đã giết con mình “xin phép chị cho tôi thắp cho cháu một nén nhang!”. Người mẹ phía bên kia nghẹn ngào xúc động... Đó là tư tưởng nhân văn của cuộc chiến tranh, của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, và đó chính là chủ đề âm hưởng vở kịch: Gác lại tất cả đau thương để hòa hợp dân tộc!

Nhân vật nữ chính trong “Mưa đỏ” là Hồng-cô lái đò chở bộ đội, thương binh qua sông được diễn viên Huyền Sâm dành trọn tâm huyết cho vai diễn, từ việc tập luyện để nói được giọng đúng chất Huế, tới việc diễn ra chất của một cô gái người Huế kiên cường mà tình cảm, yêu thương nhẹ nhàng mà thẳm sâu ân tình. Hình ảnh cô gái mảnh mai xông pha giữa khói lửa của trận đánh giáp lá cà, một mình loay hoay giữa những liệt sĩ, trong đó có người yêu của cô... khiến khán giả cũng hòa nước mắt cùng nhân vật.

Trong “Mưa đỏ”, ê kíp sáng tạo không áp đặt theo lối ta tốt, địch xấu, mà khắc họa nhân vật rất tự nhiên, rất con người và có tính thuyết phục. Diễn viên trẻ Huy Hùng có dịp được trải nghiệm một vai diễn mới với một màu sắc mới đầy ấn tượng khi vào vai Quang-Đội trưởng đội Hắc báo phong trần, bụi bặm của một lính ngụy, vừa có cả những nét quân tử và si tình, nhân văn và lãng mạn từ góc nhìn của tác giả và đạo diễn.

Mưa đỏ” là một vở diễn hay và xúc động, là một bản hùng ca bi tráng tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, sự hy sinh vì nghĩa lớn; là ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh; là sự đồng lòng, đoàn kết thống nhất; là nghĩa tình đồng chí, đồng đội; là tinh thần nhân văn cao cả của con người Việt Nam, là tư tưởng hòa hợp dân tộc sâu sắc và tình nghĩa. Phảng phất chất Hà Nội trong tinh thần và khí phách nhân vật chính Cường Hà nội, và các nhân vật liên quan, vở diễn được đánh giá là một đại diện xứng đáng cho sân khấu kịch nói quân đội, mang màu cờ sắc áo nghệ sĩ-chiến sĩ tới Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V (từ ngày 25-9 đến 2-10-2022).

Bài và ảnh: VŨ HOÀNG HẠNH