Kịch bản phim hiểu đơn giản là một vở kịch được người viết sáng tạo ra dựa trên tác phẩm văn học (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết...) hoặc tự sáng tác (rất hiếm khi) dưới dạng văn bản đề cương hay đề cương chi tiết. Kịch bản phim được xem là “xương sống”, “kim chỉ nam” để biên kịch, đạo diễn và tập thể diễn viên tổ chức sản xuất và hoàn thành một bộ phim hoàn chỉnh.
Căn cứ vào các thể loại phim để phân chia có kịch bản phim điện ảnh, phim truyền hình, phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu, phim ngắn... Ở mỗi thể loại phim khác nhau thì có kịch bản phim khác nhau, nhưng thực tế cho thấy, sự cạnh tranh sôi động nhất là ở lĩnh vực viết kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình. Bởi đây là những thể loại phim được trình chiếu rộng rãi trong công chúng, được “phơi ra” để công chúng cảm thụ, đánh giá, khen chê... qua đó để xem xét khả năng, uy tín tổ chức sản xuất phim và quyết định đến doanh thu của nhà sản xuất.
Theo lẽ logic hình thức mà suy ra, muốn có một bộ phim hay, thu hút độc giả thì yếu tố quan trọng và rất cơ bản là phải có kịch bản phim hay, hấp dẫn. Và đương nhiên, muốn đạt yêu cầu đó cần phải có người viết kịch bản hay. Đó phải là những người có năng lực, kinh nghiệm, năng khiếu và sự ham thích, yêu mến công việc. Nhưng hiện nay, đội ngũ này ở Việt Nam đang rất yếu.
Bằng chứng là các loại phim điện ảnh, truyền hình phát triển khá nhanh nhưng chưa thể cạnh tranh với chất lượng phim truyền hình của các nước khác, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ... Hằng năm, tỷ lệ phim nhập ngoại cao gấp hơn 5 lần phim sản xuất trong nước. Xu hướng làm phim theo kịch bản phim nước ngoài cũng tăng, nhưng không chinh phục được khán giả vì không phù hợp với văn hóa người Việt cùng nhiều lý do khác.
Đặc biệt, trước xu hướng tập trung xem phim qua internet và sự xuất hiện của nhiều trang phim online thì vấn đề có kịch bản để sản xuất phim hay đã trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chất lượng đội ngũ viết kịch bản phim ở ta chưa đáp ứng được yêu cầu cho nền công nghiệp điện ảnh. Bằng chứng là những bộ phim thuần Việt hay, chinh phục đông đảo khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay và số lượng những người viết kịch bản phim nổi tiếng cũng rất hiếm.
Đi sâu tìm hiểu thì thấy các tình tiết trong phim đôi lúc rất không tự nhiên, lời thoại của nhân vật có lúc khập khiễng với cảnh trong phim, với trình độ nhận thức, văn hóa, tâm lý nhân vật, không phản ánh đúng các yếu tố điển hình mà bộ phim hướng tới. Điều này gây cho người xem những tranh cãi và cuối cùng là người Việt chưa đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào phim Việt. Ví dụ, khi xem phim "Hương vị tình thân" được chiếu vào khung giờ vàng gần đây, xuất hiện những tình tiết vô lý xung quanh câu chuyện của nhân vật điển hình là Khánh Thy (Thu Quỳnh đóng), khiến khán giả tranh cãi.
Ở tình tiết Thy có thai bất ngờ, không rõ ràng chẳng hạn. Khi phân tích chi tiết, nhiều chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của nhân vật Huy ở những tập đầu rất mờ nhạt, nhưng sau đó thì dày đặc rồi “lửa gần rơm và... cháy”, khiến cảm xúc của khán giả bị đứt đoạn, độ thẩm thấu và hiểu về từng tuyến bị ngắt quãng, khó hiểu. Cũng trong phim này, hình ảnh bà Sa (Thu Hạnh đóng) được khắc họa theo hướng quá khắc nghiệt, luôn nghĩ đến tiền, coi con gái là công cụ để đạt được mục đích. Tuy nhiên, Thy lại chấp nhận việc đó như một lẽ đương nhiên, cho dù đã trưởng thành và dám “sống chết với tình yêu” bằng một nghi án “que thử hai vạch”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng chủ yếu là những nhà sản xuất phim chưa thực sự đặt đúng vị thế của viết kịch bản trong một bộ phim để đầu tư, trau chuốt kỹ lưỡng và thêm nữa là việc trả công cho người viết kịch bản phim cũng chưa tương xứng nên chưa kích thích được người viết. Hoặc cũng có trường hợp nhà đầu tư chịu bỏ vốn, nhưng không tìm được những người viết kịch bản đáp ứng yêu cầu mà thay vào đó là thuê sinh viên viết kịch bản để giảm chi phí.
Cũng có thể kịch bản phim bị cắt trong quá trình sản xuất hoặc xét duyệt đã tạo ra những tình tiết thiếu logic, khiến người viết kịch bản bị vạ lây. Ở khía cạnh quản lý nhà nước về điện ảnh, nhiều năm qua, việc kích thích viết kịch bản phim thông qua các cuộc thi cũng chỉ giới hạn trong thi viết kịch bản phim tài liệu và phim hoạt hình, còn lĩnh vực phim điện ảnh, phim truyền hình thì gần như bỏ ngỏ.
Muốn có được đội ngũ viết kịch bản phim hay, nhất là phim điện ảnh và phim truyền hình thì vấn đề quan trọng nhất là đầu tư đào tạo và mở rộng sân chơi, thu hút nhân lực. Hiện nay, nhân lực cung cấp cho viết kịch bản phim mới chỉ tập trung chủ yếu từ lò đào tạo các trường văn hóa, nghệ thuật và một vài trung tâm hoặc hình thành các nhóm viết kịch bản phim, nhưng không đáng kể và chưa đủ đáp ứng nhu cầu vốn đang rất lớn.
Ngoài ra, lực lượng các nhà văn, nhà báo rẽ ngang sang lĩnh vực viết kịch bản cũng có nhưng khá khiêm tốn về số lượng và cũng chỉ có rất ít người thành danh trong lĩnh vực này. Để tìm được những người viết kịch bản phim chuyên nghiệp, có tên tuổi và uy tín là điều rất khó. Bởi trong thực tế, đây là nghề rất kén người nếu không muốn nói là nghiệt ngã. Vì nó cần đến năng khiếu tư duy ngôn ngữ, hình ảnh và có hiểu biết sâu về truyền thống văn hóa, lịch sử, kiến thức ở nhiều lĩnh vực, am hiểu rất sâu về tâm lý con người trong các hoạt động của đời sống xã hội.
Ví dụ, khi viết kịch bản phim liên quan đến người hoạt động trong lực lượng vũ trang, trong quân đội chẳng hạn thì phải hiểu được môi trường sống, công tác và con người ở đó một cách cơ bản để đưa ra những nhân vật, tình tiết và câu chuyện có tính điển hình, hấp dẫn người xem.
Thường muốn có kịch bản phim hay thì phải có những tác phẩm văn học hấp dẫn, có tiếng vang của những nhà văn tên tuổi. Trên thế giới, rất nhiều tác phẩm văn học hay được viết kịch bản thành phim. Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc gần đây, nhiều chuyên gia đã phát biểu và chỉ ra một thực tế là chúng ta chưa có những tác phẩm văn học lớn, xứng tầm với kỳ tích của công cuộc đổi mới 35 năm qua. Do đó, cần quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện để phát triển đội ngũ sáng tác. Đây chính là vấn đề gốc để có thể cho ra các kịch bản phim tương xứng với kỳ vọng cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả nước nhà.
Xét cho cùng, nghề viết kịch bản phim cũng là hoạt động nghệ thuật mang tính sáng tạo cao. Do đó, họ cần được đào tạo bài bản và liên tục được “thử lửa” trong thực tiễn. Vì vậy, viết kịch bản phim cần phải được xem xét với tư cách là một nghề giống như các nghề khác trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Điều đó cũng có nghĩa là cần có cơ chế và hành lang pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hoạt động của nghề ấy, để nó đi đúng hướng, truyền tải được cái hay, cái đẹp và văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam, góp phần vào định hướng con người trong xã hội cũng như lan tỏa ra các nước trong khu vực, thế giới. Nếu quan tâm đầu tư thỏa đáng, đồng bộ, có chiều sâu thì chắc chắn nhân lực viết kịch bản phim sẽ không còn ít như hiện nay. Và như thế thì các nhà sản xuất phim không nhọc công, nhọc sức để “đốt đuốc” tìm người viết kịch bản ưng ý. Đó cũng là một phần để giải bài toán phát triển công nghiệp điện ảnh trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0.
GS, TS TỪ THỊ LOAN