Vở nhạc kịch “Sóng” được Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lấy cảm hứng từ những bài thơ nổi tiếng cũng như chuyện tình của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và kịch gia Lưu Quang Vũ. Đây cũng là lần đầu tiên một vở nhạc kịch thuần Việt xuất hiện trên sân khấu Việt Nam với sự góp sức từ ê-kíp sáng tạo, diễn viên, thành phần sản xuất, truyền thông... đang khiến giới làm nghệ thuật háo hức.

Ngày 17 và 18-3, vở nhạc kịch chính thức công diễn đến khán giả trong không gian chuẩn mực của biểu diễn nhạc kịch-Nhà hát Lớn Hà Nội-nhưng báo chí, truyền thông và giới làm nghệ thuật đã được “nếm thử” những aria (phần biểu diễn độc lập của một giọng hát) và một số trường đoạn do các nhân vật chính biểu diễn, gồm: Xuân Quỳnh (Thu Thảo vào vai), Lưu Quang Vũ (ca sĩ Lê Việt Anh vào vai). NSƯT Cao Ngọc Ánh, tổng đạo diễn của vở nhạc kịch “Sóng” chia sẻ, nếu dựng lại một vở nhạc kịch có sẵn, đó là bước đi đơn giản và an toàn. Nhưng quan điểm làm nghề của chị là với nghệ thuật, tính sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu. Vì thế, “Sóng” ra đời. “Nghệ sĩ có sáng tạo tới mấy, tiên phong tới mấy mà không có sự đồng hành của những người yêu mến nghệ thuật thì đứa con tinh thần đó chắc cũng khó có thể ra đời. Rất may ý tưởng của tôi được sự ủng hộ của ban lãnh đạo nhà hát và sự đồng hành của các đơn vị yêu mến nghệ thuật với vai trò là nhà tài trợ chính thức cho vở diễn, họ đã chắp cánh và góp phần hiện thực giấc mơ nhạc kịch thuần Việt của chúng tôi”, NSƯT Cao Ngọc Ánh hào hứng cho hay.

Với dự án nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, ê-kíp nghệ sĩ ấp ủ sáng tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn “vị cộng đồng”, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, vũ đạo... được thể hiện sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Đây cũng là vở nhạc kịch được đầu tư lớn với dàn nhạc semi-classical (bán cổ điển) gồm 23 người.

Ca khúc “Thuyền và biển” là chủ đề xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh, như: “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... được “âm nhạc hóa” để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh. Nhạc sĩ Minh Đạo, người đảm nhận phần âm nhạc, cho biết: “Qua những bài thơ của Xuân Quỳnh, chúng tôi muốn tái hiện một giai đoạn khó khăn nhưng mang lại rất nhiều giá trị và tạo thành động lực để nhiều người lớn lên trong giai đoạn đó trưởng thành và thành công, trở thành những người trụ cột của đất nước hiện nay”.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng”. 

Cũng theo chia sẻ của nhạc sĩ Minh Đạo, mỗi dự án nghệ thuật đều là một thách thức. Ở nhạc kịch “Sóng” có những số nhạc phức tạp diễn tả trạng thái cảm xúc khi Xuân Quỳnh chia tay Khoa (người chồng đầu tiên); hoặc Xuân Quỳnh đến với Dương (Lưu Quang Vũ), ê-kíp đã phải chọn rất nhiều bài thơ, chắt lọc những đoạn kết hợp với nhạc để vang lên, nhằm đem lại hiệu quả tốt nhưng không làm thay đổi thông điệp của bài thơ.

Còn nhạc sĩ Bùi Tường Văn thì kể câu chuyện thuyết phục vị tổng đạo diễn khó tính Cao Ngọc Ánh trong quá trình viết những bản nhạc. Dù nắm được tính cách từng nhạc sĩ nhưng tổng đạo diễn không phân công ai phải viết bài nào cụ thể mà tôn trọng sự sáng tạo, để các nhạc sĩ có cảm xúc với những bài thơ nào, trường đoạn nào, nhân vật nào... thì viết bài đó. Ngoài phạm vi câu chuyện của thi sĩ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Tường Văn viết và sáng tạo thêm những nhân vật phụ để nhịp điệu của vở thêm phong phú. Theo nhạc sĩ Tường Văn, những bài thơ của Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ rất hay nên phổ nhạc không quá khó, nhưng: “Điều khó nhất là phải làm sao để ra màu nhạc kịch chứ không phải một chương trình ca nhạc, hoàn toàn khác với việc sáng tác một ca khúc thông thường. Chúng tôi cũng tham khảo tư liệu từ cách làm của nước ngoài, diễn viên vừa hát, vừa có những màn vũ đạo ra chất Broadway”.

Sáng tạo hoàn toàn mới nên trong quá trình làm “Sóng”, tổng đạo diễn và ê-kíp gặp khá nhiều thử thách. Tuy nhiên, NSƯT Cao Ngọc Ánh nói, chị không đi một mình mà đã nhận được sự nhiệt huyết tham gia của cả ê-kíp, trong quá trình dàn dựng, hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên đều thuộc lòng những ca khúc trong nhạc kịch, đó là minh chứng họ rất yêu thích dự án. Dĩ nhiên, ê-kíp sản xuất chưa thể tự khẳng định nhạc kịch “Sóng” hay, dở ra sao, khán giả có quyền thích hay không. Nhưng tâm huyết và vượt qua những lối mòn sáng tạo sân khấu của dự án “Sóng” đáng để cho thấy một tín hiệu tốt của nghệ thuật nước nhà. Tin rằng, tác phẩm sau khi công diễn rộng rãi sẽ có sức lan tỏa trong đời sống đương đại.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN