Mùa xuân năm trước, trong lần về Vụ Bản (Nam Định), chúng tôi đến thắp hương phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính yên nghỉ ở nơi ông sinh ra, một miền quê yên ả, thanh bình. Tự nhiên, có ai đó nhắc về những bài thơ xuân của ông. Vốn mê thơ Nguyễn Bính, anh Vũ Minh Trúc, cán bộ huyện say sưa đọc cho chúng tôi nghe hết bài này sang bài khác. Nguyễn Bính có nhiều thơ viết về mùa xuân. Thơ Nguyễn Bính có sức sống lâu bền trong lòng người. Cảnh sắc mùa xuân nơi đây có gì gợi nhớ về cảnh sắc mùa xuân trong thơ ông thuở trước?
Nhà thơ Nguyễn Bính viết về mùa xuân với nhiều mảng màu, góc độ. Bằng những bài thơ, đoạn thơ, Nguyễn Bính dẫn người đọc lạc vào mùa xuân của làng quê. Đọc thơ xuân Nguyễn Bính, người đọc nhớ cảnh, nhớ người. Cảnh quê, hồn quê như còn phảng phất trong từng câu chữ. Thơ ông có khi là bức tranh lung linh màu sắc. Nguyễn Bính vẽ cây, vẽ lá, ông vẽ được cả bước chân của gió: "Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?/ Gió về từng trận, gió bay đi" (Xuân về).
Nguyễn Bính vẽ được dòng người trong ngày xuân đi trẩy hội chùa bằng ngôn ngữ màu sắc chắt lọc: "Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt, miệng nam mô" (Xuân về). Câu thơ tả cảnh, tả người, không triết lý to tát mà quyến rũ người đọc theo cách riêng. Nhiều khi, thơ xuân của Nguyễn Bính có khung cảnh quen thuộc ngàn đời:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
(Mùa xuân xanh)
Bốn câu thơ trên thật quen thuộc, cũ càng song cũng thật lạ lùng. Quen thuộc, cũ càng ở cảnh sắc. Lại có cảm giác, bốn câu thơ trên như viết chỉ để dành riêng cho người Việt đọc, nếu dịch ra tiếng nước ngoài thì thật khó hay, bởi lẽ về nội dung, nó chẳng có gì mới trong cách nhìn, cách phát hiện cả. Câu thơ quanh quẩn vòng vèo trong một vài ý. Giời tất nhiên là ở trên cao, lá tất nhiên là ở cành, còn lúa thì ở đồng nàng, đồng anh. Ý tứ không mới nhưng bút pháp thật già dặn, âm điệu thật uyển chuyển. Đọc đi đọc lại, cách điệp từ và âm điệu câu thơ thật giàu sức ám ảnh.
Ngoài những câu thơ tả và kể, Nguyễn Bính còn có nhiều câu thơ vượt lên sự tả và kể. Thơ ông đầy ắp hương vị đồng quê, có hương vị thấy được bằng mắt nhìn, có hương vị chỉ thấy được, nghe được bằng cảm xúc. Tác giả mượn hình bóng người con gái để nói về sự tươi mới của mùa xuân:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
(Xuân về)
Mùa xuân, có khi Nguyễn Bính mượn màu hoa đào để thổ lộ lòng mình: "Hoa đào từng cánh rơi như tưới/ Xuống mặt sân rêu những giọt buồn" (Thôi nàng ở lại). Mùa xuân, khu vườn của Nguyễn Bính đầy cả sắc lá, màu hoa, mưa xuân, nắng xuân và tâm hồn nhà thơ thật đa sầu, mơ mộng.
Về thăm quê Nguyễn Bính vào mùa xuân, nhìn cây xoan rắc hoa bên đường, lại nhớ đến câu thơ ông viết: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" (Mưa xuân). Mùa xuân, lúa đồng đang lên xanh, ngôi nhà xưa của ông ngan ngát mùi hương cam, hương bưởi:
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
(Xuân về)
Đi bên tôi, anh Vũ Minh Trúc nhắc về cái giậu mồng tơi, về cánh bướm trong thơ Nguyễn Bính. Anh Trúc khoe mới được nghe mấy bài hát phổ thơ Nguyễn Bính của các nhạc sĩ nổi tiếng. "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn... Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng thường sang bên này" (Người hàng xóm). Nhà thơ Nguyễn Bính có nhiều câu thơ, bài thơ viết về cánh bướm. Khu vườn cũ nhà ông, không tìm thấy giậu mùng tơi, nhưng dường như mấy cánh bướm vẫn còn sót lại. Mấy cánh bướm đang bay, bay qua vườn cải hoa vàng, bay qua vườn chanh hoa trắng:
Có những ngày đi rất vội vàng
Vườn tôi đầy cả gió xuân sang
Hai ba con bướm giang hồ đó
Đã trở về đây giũ phấn vàng.
(Vườn xuân)
Tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm từ rất xa xưa. Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Bính biên tập thơ ở Ty Văn hóa Nam Định. Nhân dịp gặp mặt mấy cây bút làm thơ trong tỉnh, ông có đọc cho mọi người nghe bài thơ "Tháng ba" của ông. Bài thơ có đoạn bây giờ tôi vẫn nhớ: "Nắng lên mất thú ngồi bên lửa/ Mùa vắng hoa rồi, bạn với ai?". Hồi đó, rời Hà Nội, Nguyễn Bính về Nam Định. Ông sống nghèo, nhưng giàu tình nghĩa và tận tâm với nghề. Bài thơ ông viết về mùa hoa gạo, ông tâm sự với riêng mình. Tôi nhìn quanh, nhìn bao quát một lượt trên con đường đi qua làng ông. Bất chợt tôi thấy ở xa kia, có một cây gạo già đang bập bùng hoa đỏ...
Áp Tết Nhâm Dần 2022
Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU