Trong lịch sử cách mạng nước ta, ngày 10-10-1954 là một ngày đặc biệt: Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày ấy, Trung đoàn Thủ Đô (Trung đoàn 102), chín năm trước đó đã dựng lũy thép, lũy hoa trên đường phố cầm cự với giặc Pháp hai tháng bảo vệ từng góc phố nhằm bảo đảm cho Chính phủ sơ tán an toàn và xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc; đã cùng các đơn vị của Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong trùng điệp từ năm cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội. Ngày ấy ghi dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền thực dân-phong kiến ở miền Bắc; ngày mở đầu kỷ nguyên tiến lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Một Ủy ban Quân chính do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch đã điều hành hoạt động của Hà Nội một cách xuất sắc, mặc dù công việc hành chính, nhất là với một đô thị lớn, không phải là “chuyên môn” của người lính trận.

Tại sao Quân đội có thể làm tốt việc quân quản?

Vì Quân đội là lực lượng cách mạng đầu tiên có mặt ở thành phố.

Vì anh Bộ đội Cụ Hồ luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, có quan hệ máu thịt, cá nước với nhân dân, tận tụy với dân, có thể hy sinh để bảo vệ dân.

Vì bộ đội ta luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Người đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Người nêu rõ: “Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật... Đồng bào Hà Nội mong chờ các cháu từ ngày các cháu ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các cháu, hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó" (theo "Trung đoàn Thủ Đô anh hùng - Ngày về vinh quang", NXB Hà Nội, 2014).

leftcenterrightdel
Di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long-Hà Nội xưa, nay trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan. Ảnh: THANH MINH

Thực tế cho thấy, bất cứ sự kiện lịch sử nào có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân, sự kiện ấy được ghi đậm trong nghệ thuật để ký ức ấy không thể phai nhòa. Ngày Giải phóng Thủ đô là một sự kiện như vậy. Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1949: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng.../ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên/ Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về/ Hà Nội bừng tiến quân ca"...

Sau này, nhiều người cho rằng đó là những tiên tri kỳ diệu. Đúng là người nghệ sĩ có những tiên cảm, những dự báo đi trước thời đại, vì vậy thường được gọi là trái tim Đan-cô, cánh chim báo tin vui... Nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy đó là nhận thức, niềm tin của nhiều người: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Sự kỳ diệu ở đây chính là kỳ diệu của cách mạng, của quyết tâm và khát vọng nhân dân.

"Ngày về" của Chính Hữu, một nhà nông-chiến sĩ của quê hương Hà Tĩnh cũng được viết năm 1947: "Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/... Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương" .

 Dư âm Ngày giải phóng Thủ đô còn vang reo nao nức vào tương lai, càng ngày càng trong lắng: "Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường"  ("Cảm xúc Tháng Mười", Tạ Hữu Yên-Nguyễn Thành).

Tất nhiên là những người từng sống trong cảnh nô lệ, đau thương, từng nhức nhối với "Dây thép gai đâm nát trời chiều" sẽ thấm thía hơn hạnh phúc của giải phóng. Lòng trẻ vô tư, có thể phôi phai quá khứ, nhưng biết an vui trong cuộc sống hòa bình, giá trị của giải phóng sẽ không hề suy giảm, ước vọng của cha ông cũng đã cánh thành!

 Hà Nội là gì? Có lúc nào ta đặt câu hỏi thế chăng? Có bao giờ ta có câu trả lời thật mãn ý chăng?

Tưởng Lý Công Uẩn khi viết "Chiếu dời đô" đã rành rẽ được khi định nghĩa Hà Nội là “Nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước... muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Thế mà 10 thế kỷ sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi giữa mùa thu Hà Nội gặp những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, những phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...; đã đi mãi trong lòng Hà Nội mà vẫn thấy vô cùng, không rành rẽ được. Câu trả lời chỉ có thể cảm nhận được bằng tình yêu, cũng vô hạn, mênh mông như Hà Nội vậy: "Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người/ Lòng như thầm hỏi, "tôi đang nhớ ai?"/ Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi"...

Hà Nội-nơi thắp lên tình yêu. Hà Nội-cho tất cả mọi người. Ca từ giản dị mà lắng sâu ấy không chỉ là cảm nhận của nhạc sĩ họ Trịnh. Trước đó, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ thốt lên: "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".

leftcenterrightdel

Một cửa hành cung trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).  Ảnh: THANH MINH

Thăng Long, đất và người là những gì tinh túy, cao sang nhất của hồn Việt, là sống còn của dân tộc. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều chiến sĩ Giải phóng ra trận thuộc lòng thiên tùy bút “Lòng yêu nước” của nhà văn Nga xô-viết Ilya Ehrenburg viết khi gót giày xâm lược của quân phát xít đã chạm vào Moscow: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách...". Những ngày Tháng Chạp năm 1972, khi đế quốc Mỹ đem B-52 rải thảm xuống Hà Nội hòng kéo Việt Nam về thời kỳ đồ đá, tại khách sạn Thống Nhất trên phố Tràng Tiền, một nhà báo nước ngoài đã hết sức lo lắng: “Thế thì Hà Nội bị hủy hoại hết, còn gì!”. Một cô gái Hà Nội, phục vụ trong khách sạn đã bình thản đáp: “Không, Hà Nội còn phẩm giá con người!”. Từ câu nói ấy mà nhà báo Thép Mới đã viết nên tác phẩm bất hủ “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 26-12-1972.

Nhà văn Tô Hoài là người Hà Nội. Ông viết nhiều nhất về Hà Nội với những cuốn sách ai đã đọc, còn muốn đọc thêm nhiều lần nữa, như: "Người ven thành"; "Giăng thề"; "Quê người"; "10 năm"; "Quê nhà"; "Chuyện cũ Hà Nội" (2 tập); "Những ngõ phố"; "Cát bụi chân ai"; "Mẹ Mìn bố Mìn"... và kể cả "Dế mèn phiêu lưu ký". Trong kho sách ấy, có thể nói như vậy, người đọc được hấp dẫn bởi những tư liệu hết sức chân xác về Hà Nội qua nhiều thời kỳ, từ hàng cây, cửa hiệu, đến lớp ngôn ngữ cổ xưa... Có được điều ấy vì ông luôn ghi chép, luôn trung thực khi thể hiện chúng. Nhưng quan trọng hơn, là người đọc thấy được chiều sâu của con người Hà Nội, từ sự tinh tế của một anh trai làng khi hẹn người yêu bằng cách ném hai bông ngọc lan vào cửa sổ và cô gái dệt lĩnh Nghĩa Đô hát: "Nàng rằng khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa". Đó là cách hẹn đêm nay, ở chỗ cũ, cạnh bờ ao ("Quê người"). Và một chân dung nhà văn Nguyễn Tuân (người làng Mọc, sinh ở Hàng Bạc, Hà Nội) được vẽ lên trong "Cát bụi chân ai" một cách nền nếp, lịch lãm: “Bề ngoài, tưởng như ở ngòi bút và trong cuộc sống con người ấy chỉ có xô bồ và ngang cành bứa. Không, đối đãi với xung quanh, Nguyễn Tuân vừa thành kiến, vừa tình nghĩa, nền nếp, lề thói giao thiệp cũ”. Cái “thành kiến”, “ngang cành bứa” của ông cũng hiện ra rất đáng yêu: “Nguyễn Tuân chỉ chén thịt bò một bữa ấy. Những hôm sau nhờ nhà bếp nắm cho nắm cơm và mở lọ muối vừng, lọ ruốc mang từ nhà. Đừng ai nài ông khách kỹ tính ấy ăn thêm miếng thịt kho, một bát nước suýt oi khói hai ba lửa...". ("Cát bụi chân ai").

Hà Nội cho ta một nơi ở diệu kỳ. Hà Nội là đề tài bất tuyệt của văn chương, thi ca, nhạc họa.

Yêu Hà Nội, học theo phẩm cách người Hà Nội là yêu nước, là hướng về chân-thiện-mỹ!

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI