Những giá trị được trao truyền

Phóng viên (PV): Hơn 10 đầu sách văn học, khảo cứu về Hà Nội, điều gì ở Hà Nội hấp dẫn để anh viết về nơi này nhiều như vậy?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: Hà Nội là nơi tôi sinh ra và lớn lên, có nhiều trải nghiệm thực tế, được quan sát, chứng kiến những vận động của Hà Nội. Thứ nữa là tôi gắn bó cuộc đời mình với Hà Nội, với bao kỷ niệm từ thuở nhỏ, với bố mẹ, bạn bè, người thân và những con người nơi đây, đã cùng chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống. Tất yếu, Hà Nội như là một thực thể sống cùng tôi, chứng kiến cả sự thay đổi của tôi nữa. Khi tôi nhìn thấy từng khu phố, con đường thay đổi, tâm tính tôi đồng thời cũng khác trước. Nói cách khác, tôi thấy mình và Hà Nội đã nhập thành một thực thể nhất quán, mà tất cả những lộn xộn, ngổn ngang diễn ra cũng là quá trình tôi định nghĩa chính mình vậy.

Nhiều người viết về Hà Nội với không khí êm ả, lãng mạn, hoài niệm. Tôi cũng nhìn về những thứ xưa cũ nhưng tôi muốn cắt nghĩa cơ chế phát triển, thay đổi của thành phố trong quá khứ, những điều đó để lại bài học gì cho thế hệ sau, cho chính mình. Tôi muốn khám phá những điều khác lạ mà mình chưa biết. Nhưng cái chính là tôi thấy Hà Nội thật thú vị và cái thú vị ấy xô đẩy khiến tôi muốn viết về nó.

PV: Bản thân anh thay đổi cùng sự vận động, đổi thay của Hà Nội ra sao?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: Quá trình dần lớn lên và các giá trị vật chất đến theo sự phát triển của xã hội cũng làm thay đổi hành vi sống của tôi tương đối. Kiểu như, nấu cơm, giặt giũ, trông em, rồi tự đi bộ đi học... ấy là những việc mà đứa trẻ con nào ở thời bao cấp cũng biết. Nhưng bây giờ con người có nhiều tiện nghi, nhiều phương tiện giải trí hơn, kiến thức, thông điệp đời sống mang lại cho mình cũng đa dạng, sâu sắc hơn. Ở mỗi giai đoạn, chúng ta đều thu hoạch được những giá trị nhất định, sự so sánh tốt hay không tốt giữa các thời là không thể chính xác, bởi khi đặt mình vào bối cảnh khác nhau thì sẽ thay đổi khác thôi. Cái chính là không gian văn hóa của Hà Nội vốn có nét rất riêng biệt nếu lùi ra xa nhìn vào để so với các nơi khác, mà cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, những giá trị văn hóa độc đáo còn giữ lại được ấy có thể coi là một may mắn với Hà Nội. Nhưng cũng có người coi là gánh nặng khi thành phố của những di sản với lịch sử văn hóa lâu đời đang đòi hỏi phải được giữ gìn trước nguy cơ biến mất; hoặc là những tranh cãi đâu là giá trị thực sự cho sự phát triển hay chỉ là đang kìm hãm con người...

leftcenterrightdel
Tranh ký họa Phố Hàng Gà của Thanh Thủy. 

Hà Nội có nhiều cái thú vị, và cũng ở đó sinh ra những hệ thống cách thức suy nghĩ, tư duy, lối sống đặc biệt. Tôi nhận ra trong thời gian dài lịch sử Thăng Long-Hà Nội, con người ở đây không phải là những người sung sướng. Người Hà Nội có thể phù hoa một chút đâu đó nhưng về cơ bản là những người đa sự, hay suy nghĩ, mà nhiều người ở nơi khác đến thường bảo người Hà Nội hay lý sự. Có người ở góc độ phê phán cảm thấy đó là lối sống không tiến bộ, không thuận lợi cho sự phát triển. Nhưng trong thế giới này đôi khi một sự khác, không giống lắm lại là bản sắc, tạo sự chú ý, mà chúng ta chẳng thể nói là hay hay dở. Những thứ ấy là quá trình thực hành văn hóa kiến tạo bản sắc, theo thời gian nó có thể thay đổi nhưng có những điểm cốt lõi vẫn được trao truyền cho các thế hệ sau.

Vẫn giữ nét đặc trưng

PV: Anh từng nói Hà Nội là đô thị thú vị và lạ lùng vì dù không ngừng trương nở và được chồng lên bao cái hiện đại, tân kỳ thì Hà Nội vẫn là tập hợp những cộng đồng nhỏ gắn kết rất đặc trưng... Hà Nội đã và đang trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển rất nhanh, những đặc trưng, thú vị của Hà Nội như anh nói trong giai đoạn hiện nay được giữ gìn và thể hiện ra sao?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: Hà Nội có những điều đặc trưng ít thay đổi hoặc vẫn còn dấu vết của nhiều thập niên trước, đó là các hình thái cộng đồng nhỏ kiểu làng xã, những chợ dân sinh vẫn cứ là môi trường giao lưu quen thuộc, kết nối cộng đồng thường trực của khu vực này. Hà Nội vốn là đô thị quy hoạch không lý tính, dù trong lịch sử, như là thời Pháp đã quy hoạch thành các khu phố chức năng, khu quảng trường, các khu toàn quyền, khu quân sự; thời bao cấp, Hà Nội có quy hoạch chức năng theo các khu tập thể, các khu công nghiệp. Nhưng theo thời gian chỉ vài khu giữ được quy hoạch cũ, còn đa phần đều được cơi nới, biến dạng. Nó cho thấy ảnh hưởng của lối sống làng xã, cộng đồng nhỏ ở Hà Nội còn rất mạnh, người ta thường có nhu cầu phát triển tiểu chủ hóa, hộ gia đình hóa các chức năng dịch vụ. Bởi thế mà đi ăn hay đi mua đồ, người ta rất quan tâm ông bà chủ quán ấy là ai. Dù bây giờ hình thái siêu thị tiện lợi phát triển rất nhiều nhưng thực tế là không hiếm siêu thị ở các khu dân cư mở ra chẳng bao lâu lại phải đóng cửa.

Hay là, đại bộ phận di tích Hà Nội đều từ các làng xã xưa phát triển lên nên dấu vết những tập quán ở các vùng đó vẫn còn sâu đậm, nhất là qua các tục lệ, phương thức về mặt tín ngưỡng, tập quán như là hồn cốt của các hoạt động gắn kết cộng đồng ở mỗi nơi. Vào các dịp lễ hội, hay khi mỗi gia đình có việc hiếu, hỷ sẽ thấy những tục lệ cộng đồng chi phối tâm lý, hành động của người dân rất nhiều. Đôi khi người trẻ thấy nó thật rắc rối và muốn thay đổi nhưng ông bà, cha mẹ ta sẽ cảm thấy rất lo lắng, như mất đi mối liên hệ cộng đồng, bơ vơ nếu không còn giữ được những đường mối mà họ cảm thấy họ thuộc về. Thế nên ở Hà Nội vẫn có biết bao khu bề ngoài là phố phường hiện đại mà thực chất bên trong vẫn là làng. Có những điều, những giá trị mà khi ta đủ trải nghiệm, trải qua những biến động trong cuộc sống, sẽ thấy có những thứ được giữ lại cũng có những lý do hữu cơ. Hà Nội có những giá trị hữu hình và vô hình giúp người ta vượt qua được những khó khăn mà đôi khi bản thân mỗi người phải tự giải mã được thứ mình cần là cái gì, có phải những lời ngợi ca, tuyên truyền hay những thứ nằm ẩn sâu sau nó.

Môi sinh và thuộc tính cộng đồng cần được quan tâm

PV: Trước quá trình đô thị hóa, phát triển nhanh chóng như hiện nay, các thách thức đặt ra cho những giá trị văn hóa ấy không hề ít, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng như thế đang xóa nhòa các bản sắc các cộng đồng làng xã nhỏ với những nét độc đáo riêng. Có làng còn may mắn giữ được những nét đặc trưng, còn bao làng không giữ lại được mà lại chẳng có chính sách nào để duy trì những nét văn hóa độc đáo bên trong mỗi cộng đồng ấy. Như thế là chúng ta đang đánh mất đi vốn di sản rất nghiêm trọng. Chẳng hạn theo một định chế mang tính toàn cầu như UNESCO, khi cộng đồng đã thay đổi, sẽ không còn cơ sở để được ghi nhận di sản đặc biệt nữa. Bao thế hệ qua, hàng trăm cộng đồng nhỏ ấy đã làm nên di sản thật sự, di sản sống của Hà Nội. Những di sản sống sẽ ra sao trong tương lai? Nếu ngày nào đó tôi vẫn muốn ăn món bún ốc nguội của gánh hàng quen nhưng không còn nữa thì phải làm thế nào nhỉ! Sẽ đành phải chấp nhận vậy thôi. Nhiều người ở Hà Nội chắc cũng sẽ như tôi. Những sự biến mất tưởng nhỏ bé, yên ắng ấy cũng sẽ ảnh hưởng đến mình nhiều đấy, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề môi sinh.

Các khu dân cư mọc lên nhiều nhưng không tạo ra những trung tâm cộng đồng mới thay thế không gian cộng đồng nhỏ, cũ, không có khoảng xanh, không gian cho người dân nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Hay ô nhiễm môi trường từ hệ quả của quá trình đô thị hóa đang là món nợ khủng khiếp để lại cho thế hệ sau... Những vấn đề môi sinh khiến con người trong thành phố dễ căng thẳng, ức chế, tiềm ẩn nhiều dịch bệnh...

leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý. Ảnh: THU HÒA

PV: Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu gì cho quy hoạch đô thị trước những giá trị văn hóa độc đáo của các cộng đồng, cụ thể là Hà Nội, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang có độ nén cao, theo đó là những vấn đề giao thông, cấp thoát nước, môi trường... đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân các cộng đồng. Kinh nghiệm thế giới khi quy hoạch xây dựng đều phải tính toán tới các yếu tố lõi như trường học, bệnh viện, giao thông để thiết kế mật độ xây dựng phù hợp. Việc tạo ra đô thị khổng lồ là vấn nạn của các đất nước phát triển nóng. Điều đó đặt ra bài toán cho công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội. Mỗi khu vực là một bài toán quy hoạch khác nhau, cần sự ứng xử minh bạch, tinh tế trong bảo tồn, phát triển di sản. Nếu quy hoạch dễ dàng vi phạm hay thay đổi các mô hình cộng đồng mà không được sự ủng hộ, hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng, không khiến cộng đồng cảm thấy họ được tôn trọng thì sẽ khó để nói đến phát triển bền vững. Ví dụ, ở nhiều làng, xã ven đô nay đã lên phường, quận, không ít người già rất lo lắng liệu mồ mả cha ông có còn được giữ ở nghĩa trang của làng, liệu khi chết đi mình có được chôn ở làng? Tất nhiên việc di dời nghĩa trang ra khỏi khu vực đô thị là điều người dân sẽ phải chấp nhận chỉ là một ví dụ đơn cử nhưng tôi cảm giác những vấn đề phong tục địa phương, những thuộc tính của cộng đồng kiểu như vậy đang bị bỏ qua trong quá trình đô thị hóa.

Câu nói “Làm giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, tới giờ vẫn đúng. Hà Nội từ xưa đến nay là nơi hội tụ, hấp dẫn người ta tìm đến, đổ về đây sinh sống, đó là quy luật của những hợp lực kinh tế, xã hội. Điều cần thiết là mô hình quy hoạch chính sách vĩ mô Hà Nội phải có dự liệu cho sự phát triển bền vững, nhất là lưu tâm môi sinh của người dân và những thuộc tính, bản sắc của khu vực cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

DƯƠNG THU (thực hiện)