Trong tiếng Pháp, truyện tranh là “bande dessinée”; trong tiếng Anh là “comic” và trong tiếng Nhật là “manga”.

Ở phương Tây, khi mới ra đời, truyện tranh được in trên báo chí và chẳng hề có tên tuổi, không được xếp vào danh mục sản phẩm văn học-nghệ thuật, thậm chí còn bị coi là dành cho tầng lớp thất học.

Ngày nay, truyện tranh đứng độc lập, được đông đảo bạn đọc yêu thích, nhất là giới trẻ. Nó chiếm vị trí vinh dự trên các ngăn sách báo của thư viện và được bày bán với lượng lớn trên các kệ sách của các cửa hàng, nhà sách.

Về bản chất, truyện tranh khai thác tính sáng tạo của họa sĩ và người viết truyện. Nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và văn học. Các bức tranh nối tiếp nhau cùng những lời dẫn chủ yếu là âm thanh, hành động giúp người xem hiểu được diễn biến, tình tiết câu chuyện, hành động của nhân vật. Ngoài chức năng giải trí, truyện tranh truyền đạt những khái niệm trừu tượng khó có thể diễn tả hết bằng lời.

leftcenterrightdel

 Bộ truyện tranh Việt "Thần đồng đất Việt" được trẻ em Việt Nam yêu thích. Ảnh: THÚY HÀ

Năm 1981, các nhà sáng tác văn học giải thích truyện tranh là “dãy tranh liên hoàn” kèm theo lời thuật một hành động mà diễn biến của nó được trình bày thành từng bước nhảy từ hình ảnh này sang hình ảnh khác nhưng không làm đứt quãng tính liên tục của câu chuyện cũng như sự hiện diện của nhân vật. Năm 1986, từ điển Petit Larousse Illustré của Pháp đã định nghĩa truyện tranh là câu chuyện được thể hiện bằng tranh vẽ kèm theo lời thoại của nhân vật.

Xét về lịch sử, truyện tranh ra đời rất sớm, cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Ở châu Á, truyện tranh có nguồn gốc từ nghệ thuật tạo hình truyền thống Nhật Bản với sự ra đời của những cuốn lịch bằng da có hình vẽ ký hiệu biểu tượng thời gian và hình ảnh động vật vào khoảng giữa thế kỷ 6 và 7. Đến cuối thế kỷ 13, thuật ngữ “manga” được sử dụng để chỉ các tác phẩm của Suzuki Kankei và Santo Kyoden. Nó chính là truyện tranh ngày nay.

Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của truyện tranh là vào năm 1837, ở Thụy Sĩ. Lúc ấy, Rodophe Topffer, họa sĩ biếm họa đã sáng tác truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của Obadiah Oldbuck”. Cuối thế kỷ 19, truyện tranh có tên “The Yellow Kid” (Cậu bé vàng) của Richard F.Outcault xuất hiện trên báo New York World đã khởi nguồn truyện tranh ở Mỹ.

Sau này, Rodolphe Topffer, họa sĩ người Thụy Sĩ đã sáng tác các truyện tranh chế giễu hệ thống giáo dục, tham vọng chính trị, thói hư tật xấu trong xã hội... gây được sự chú ý lớn trong xã hội. Từ đó, Rodolphe Topffer được xem như cha đẻ của truyện tranh hiện đại.

Vào những năm cuối thế kỷ 19, Wilhelm Busch, họa sĩ người Đức đã tạo ra một bộ sưu tập hình ảnh các nhân vật trong xã hội, như: Kẻ say rượu, nhà thơ và họa sĩ bất đắc chí, những giáo viên kém may mắn... thu hút lượng lớn độc giả yêu thích. Từ đó, số họa sĩ chuyển sang sáng tác truyện tranh ngày càng đông và lan ra nhiều nước châu Âu. Đến đầu thế kỷ 20, tạp chí truyện tranh trở nên phổ biến ở Nhật Bản, đồng thời còn phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng trên thế giới. Đến giữa thế kỷ 20, truyện tranh đã trở nên đặc biệt phổ biến ở Mỹ, Tây Âu mà nhiều nhất là Pháp và Bỉ. Trong đó, truyện tranh Mỹ nổi lên như một sản phẩm văn hóa đại chúng gắn liền với sự ra đời của báo và tạp chí.

Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân mà truyện tranh phát triển muộn. Tháng 12-1992, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng trình làng truyện tranh dài kỳ "Đôrêmon" thu hút được sự chú ý của độc giả. Đây là bộ truyện tranh của tác giả Fujiko (Nhật Bản) đã vang danh khắp châu Á từ đầu thập niên 1970.

Bộ truyện này đã tạo tiếng vang lớn. 4 tập đầu xuất bản tới 4 vạn bản. NXB Kim Đồng cho ra mắt các tập tiếp theo với số lượng in lên đến hàng chục vạn bản mỗi tập. Khi đó, tập truyện "Đôrêmon" được các nhà phân phối và bán lẻ trong Nam ngoài Bắc săn đón, được trẻ nhỏ và cả người lớn mong ngóng đến ngày phát hành tập tiếp theo.

Tiếp nối thành công này, bạn đọc Việt Nam lần lượt làm quen và đón nhận các bộ truyện tranh đến từ Nhật Bản và Pháp... Từ đây, truyện tranh trở thành mảng sách không thể thiếu trong tủ sách của nhiều bạn đọc trẻ và một số NXB đã sống khỏe nhờ kinh doanh mảng sách này. Các NXB ở Việt Nam đã mua bản quyền những bộ truyện tranh nổi tiếng như: "Nữ hoàng Ai Cập", "Dấu ấn rồng thiêng", "Thủy thủ mặt trăng", "Lucky Luke", "Cuộc phiêu lưu của Tintin", "Thám tử lừng danh Conan"... liên tục ra mắt độc giả trong suốt 30 năm qua.

Có lẽ nhờ "cú hích" từ "Đôrêmon" như đã nói ở trên đã truyền cảm hứng để một số truyện tranh "made in Việt Nam" lần lượt ra mắt, như: "Dũng sĩ Hesman", "Cô tiên xanh", "Tí quậy", "Thần đồng đất Việt"... Trong đó có những bộ truyện tranh gây được tiếng vang, cho ra hàng trăm tập. 

Theo dõi quá trình phát triển của truyện tranh Việt Nam, cho thấy có vẻ các tác giả người Việt đã bắt nhịp với xu thế của thế giới thông qua thể loại truyện tranh xuyên không-giả tưởng. Hàng loạt tác phẩm truyện tranh ở thể loại này ra đời và được gửi đi dự thi, trong đó nhiều tác phẩm đoạt giải. Điển hình là hồi cuối năm 2023, Ban tổ chức cuộc thi Japan International Manga Award (Nhật Bản) đã trao giải bạc cho tác phẩm "Điệu nhảy vũ trụ" của tác giả Nachi Nguyễn. Trước đó, Việt Nam từng có 4 truyện tranh được trao giải thưởng ở cuộc thi này, là: "Đất Rồng" (2012) đoạt giải đồng; "Long thần tướng" (2015), "Địa ngục môn" (2016) đoạt giải bạc; "Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!" (2022) đoạt giải đồng.

Một số ý kiến cho rằng, sự thành công của các bộ truyện tranh "made in Việt Nam" chính là động lực tạo ra sự quan tâm, chú ý của độc giả đối với truyện tranh. Đây cũng là hướng đi và động lực cho nhiều tác giả-họa sĩ trẻ, tạo ra sự sôi động đáng kể với cả người đọc và các NXB. Nhiều tác phẩm truyện tranh của các tác giả trẻ thành công, trong đó đáng chú ý là truyện tranh về đề tài lịch sử-dã sử, như: "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" của họa sĩ Tuyết Tuyết hoặc "Long thần tướng" của nhóm tác giả Phong Dương Comics. Cả hai tác phẩm này đều nói về các nhân vật lịch sử với sự chỉn chu, nghiêm túc nên được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế hiện nay thấy truyện tranh Việt có những hướng phát triển chưa tương xứng với nhu cầu độc giả. Một số truyện tranh xuất bản trong nước có xu thế “vay mượn” của nước ngoài bởi các nét vẽ, hình ảnh mang màu sắc của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc các nước Tây Âu. Hơn nữa, không ít truyện tranh xuất bản có nội dung vô bổ, thiếu tính giáo dục, thậm chí xuất hiện cả truyện tranh rất dung tục.

Đặc biệt, ngoài một số truyện tranh phóng tác theo tác phẩm văn học nổi tiếng thu được thành công thì nhiều tác phẩm khác cũng ra đời. Nhưng đáng buồn thay, những tác phẩm ấy bị “manga hóa” quá mức. Nhiều chi tiết văn học đắt giá trong nguyên tác đã bị cắt gọt cho ngắn gọn, phù hợp với truyện tranh, khiến giá trị của tác phẩm giảm đi. Chi tiết vẽ ngoại hình nhân vật không thuần Việt, khác xa tác phẩm gốc miêu tả. Ngôn ngữ trong truyện tranh tích hợp cả những câu chửi thề.

Theo thống kê của ngành xuất bản-in, truyện tranh "ngoại nhập" chiếm hơn 90% thị phần. Nhiều NXB thu được lợi lớn từ truyện tranh dịch, mua bản quyền nên liên tục lao theo lợi ích. Nhiều bạn trẻ mê truyện tranh nước ngoài mà không ngó ngàng đến thực tiễn đời sống văn hóa, xã hội trong nước. Họ nuôi tâm hồn giống với những gì mà truyện tranh nhập ngoại mang tới. Trong khi truyện tranh do người Việt sáng tác thuần Việt và có nội dung tốt lại rất khan hiếm, cung không đủ cầu.

Làm thế nào để phá thế "nhập siêu" truyện tranh đang là vấn đề lớn đặt ra đối với cơ quan chức năng quản lý văn hóa và cả đội ngũ sáng tác trong nước cùng các NXB. Thiết nghĩ, nếu không có chiến lược, cách làm và mức đầu tư thỏa đáng thu hút nhân tài vào lĩnh vực sáng tác truyện tranh thì rất nguy hại. Vấn đề dễ dàng nhìn thấy là văn hóa nước ngoài mà truyện tranh truyền tải sẽ xâm nhập sâu vào tâm hồn giới trẻ từ lúc còn trên ghế nhà trường sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thờ ơ với văn hóa dân tộc. Nó sẽ là nguồn cơn gây ra các hệ lụy, làm nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, khó giải quyết.

NGUYỄN BÍCH LOAN