Bà Tâm giật mình tỉnh giấc, nhìn đồng hồ thấy đã hơn một giờ sáng. Ông An còn chưa ngủ. Từ hôm đi thăm đồng đội cũ trở về, đêm nào ông cũng thao thức. Chẳng biết viết gì mà ông cứ cặm cụi bên chiếc đèn để bàn đã vặn nhỏ hết cỡ, hắt ra một khoảng sáng vừa đủ chỗ ông ngồi. Nghe tiếng bà ngồi dậy, thò chân xuống giường tìm đôi dép, ông mỉm cười như đứa trẻ biết lỗi:
- Anh làm em tỉnh giấc sao? Anh tắt đèn ngủ ngay đây, em đừng xuống mà lạnh.
Nằm trong chăn ấm rồi, ông An vẫn thao thức. Ông cố gắng để không trở mình làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà. Nhưng vợ chồng sống với nhau mấy chục năm trời, nết ăn, nết ngủ của ông làm sao mà bà không biết. Bà khẽ khàng:
- Anh có chuyện gì khó nghĩ hay sao mà mấy đêm nay mất ngủ vậy?
Ông xoay người, vỗ nhẹ vào tay bà ý bảo bà cứ yên tâm, không phải chuyện gì to tát cả. Bà hờn dỗi. Nhà chỉ có hai vợ chồng, ông không chia sẻ với bà thì chia sẻ với ai, hay là định để dành kể với người khác.
Bà nói thế để ông giãi bày lòng mình chứ bà lạ gì tính ông. Nếu ông có ý khác, ông đã làm từ mấy chục năm trước khi còn trẻ khỏe chứ chẳng phải để đến bây giờ. Mọi người khi nhắc đến vợ chồng bà đều ngưỡng mộ mà bảo hai người có câu chuyện tình yêu hệt như cổ tích.
Ông bà là người cùng làng, chơi với nhau từ thời chăn trâu, cắt cỏ. Bà là con út và cũng là cô con gái duy nhất trong nhà, trên bà còn bốn người anh trai nên được chiều chuộng nhất nhà. Các anh trai của bà khỏe mạnh, xốc vác, người đi bộ đội, người đi học, người làm trong hợp tác xã nên so với bạn bè cùng trang lứa, bà đủ đầy hơn. Ông thì khác. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở cùng với chú thím. Chú thương ông như con đẻ, người thím cũng chẳng phải độc ác gì nhưng cảnh nhà đông con, thiếu thốn khiến thím trở nên hà khắc, cay nghiệt. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà mỗi ngày ông chỉ được một bát cơm, còn lại là khoai sắn cho qua cơn đói. Ông chẳng trách gì chú thím. Chú là lao động chính trong nhà, mỗi ngày được hai bát cơm. Các em con chú cũng như ông, còn thím thì khoai, sắn, nắm rau má độn cơm ngả màu vàng, xơ bã cho xong bữa rồi cũng quần quật trên đồng cả ngày. Kể như người khác, có khi thím còn chẳng nhận nuôi đứa cháu mồ côi cho nặng nợ. Lúc nào cũng đói nên lúc chăn trâu trên đồng, ông tranh thủ mò ốc, tát cá. Được nhiều thì để dành mang về cải thiện cho cả nhà, được vài con chẳng bõ dính răng thì vơ cỏ khô, kiếm rơm rạ đốt giữa đồng để nướng. Bà biết hoàn cảnh của ông nên hay dấm dúi lúc nắm xôi, khi củ khoai, khúc mía, quả na, quả chuối trong vườn nhà dành cho ông. Cứ vậy mà trở nên thân thiết.
Đói nghèo là vậy nhưng ông học giỏi. Ông cùng bà là hai người của làng cùng đỗ cấp 3 năm ấy. Nhưng ông không học tiếp mà xung phong đi bộ đội. Ông bảo nhà nghèo, chú thím nuôi lớn chừng ấy là tốt lắm rồi, làm sao mở mồm ra xin đi học tiếp được. Vả lại, làm trai thời chiến, trong lúc bạn bè lên đường nhập ngũ mà mình ở lại hậu phương thì chẳng đáng mặt nam nhi, làm sao mà nhìn người làng người nước được.
Gần đến ngày ông lên đường mà vẫn chẳng nói gì với bà, bà giận lắm, định bụng không gặp mặt ông luôn. Cuối cùng bà vẫn chẳng nỡ. Đêm trước ngày ông lên đường, bà cùng hàng xóm láng giềng, bạn bè đến nhà tạm biệt ông. Ông tiễn bà về tận nhà. Đến lúc bà kéo cái cổng tre, ông mới lấy hết can đảm nắm tay bà, vội vàng bảo “chờ anh nhé” rồi đứng ngây như phỗng. Bà dúi vào tay ông chiếc khăn tay mới thêu rồi vội vàng chạy vào nhà để che giấu khuôn mặt đỏ như gấc chín vì e thẹn. Năm ấy, chiến trường đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Bà cũng viết đơn tình nguyện trở thành thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Gia đình lúc đầu ngăn cản nhưng không lay chuyển được quyết tâm của bà nên đành chấp nhận. Bà lên đường với ước mong được sát cánh cùng ông nơi tiền tuyến. Có biết bao câu chuyện về những người yêu nhau gặp nhau trên đường hành quân ra trận nhưng ông bà chưa hề gặp nhau lần nào trong suốt bốn năm cùng sống và chiến đấu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Sau này gặp lại nhau họ mới biết, cả hai đều bị thương nặng, cùng được chữa trị ở trạm quân y tiền phương nhưng ngày ông bình phục trở về đơn vị là ngày bà được chuyển đến. Không tin tức của nhau, không thư từ, ông bà luôn giữ trọn tấm lòng son đợi chờ ngày thống nhất. Đến giờ, những vết thương vẫn hành hạ hai người những khi trái gió trở trời.
Ông An cố nén tiếng thở dài, kể cho bà nghe về hoàn cảnh người đồng đội cũ ông mới tới thăm. Giấy tờ mất hết nên không làm được chế độ thương binh. Mấy đứa con thì nheo nhóc, ngây dại vì nhiễm chất độc hóa học, suốt ngày ôm nhau ngồi một chỗ, từ ăn uống đến vệ sinh đều cần người giúp chứ không tự làm được. Ông đang tính rủ mấy anh em về đơn vị cũ để tìm lại hồ sơ, tìm người xác minh giúp cuộc sống của đồng đội vơi bớt phần nào vất vả. Nhưng bà mới ốm dậy, ông lo bà ở nhà một mình, rồi cũng phải tính toán tiền tàu xe đi lại sao cho tiết kiệm nhất, không phải đụng đến số tiền đã để dành định tặng bạn đôi bò giống làm vốn, tiền dành hỗ trợ cơm trưa cho các cháu học trò nghèo ở xã biên giới mà ông bà đã đăng ký từ đầu năm học.
Bà trêu ông, cứ làm như bà còn bé lắm ấy. Dạo này bà theo mấy bạn già tập dưỡng sinh, sức khỏe khá hơn nhiều rồi. Trêu vậy, mà bà thấy lòng ấm áp. Là vợ chồng mấy chục năm, tóc đã bạc nhưng ông vẫn quan tâm, lo lắng cho bà từng li từng tí như hồi mới cưới. Hồi chiến tranh kết thúc, ông thi lại cấp 3 rồi tiếp tục học đại học sư phạm, trở thành nhà giáo tại chính ngôi trường cấp 2 nơi quê nhà. Còn bà xin vào làm công nhân ở nhà máy dệt. Đám cưới đơn sơ nhưng ngập tràn hạnh phúc. Chú ông đã mất, các em đi học, đi làm xa, ông bà đón thím về chăm sóc. Bố mẹ vợ, ông coi như bố mẹ đẻ, đến mức thím ông rồi cả bố mẹ bà đi đâu cũng khoe mình không sinh mà trời cho thêm một đứa con trai hiếu thảo nữa.
Điều day dứt nhất trong lòng ông bà là hai người không có con. Những năm tháng nơi rừng thiêng nước độc và vết thương trên cơ thể đã tước đi quyền làm mẹ của bà. Trước những lời dị nghị, đã có lúc bà quyết định buông tay để ông tìm hạnh phúc mới nhưng ông không chấp nhận. Bố mẹ mất, thím mất, làm tròn đạo hiếu của con cháu, ông xin chuyển công tác vào Tây Nguyên và đưa bà theo. Sức khỏe bà giảm sút, ông một tay chăm sóc mà không lời kêu ca, phàn nàn, mặc dù ông cũng là thương binh. Ông vẫn trìu mến gọi bà làm “em” như ngày còn son trẻ. Với ông, bà không bao giờ già, bà vẫn là cô bé để phần ông nắm xôi, củ sắn trong buổi chăn trâu, là người thiếu nữ đã xung phong ra tiền tuyến để được sát cánh cùng ông.
Ông nói với mọi người lý do ông chọn sống ở Tây Nguyên vì ông từng có thời gian chiến đấu ở đây. Nhưng bà biết ông còn vì bà. Ông không muốn bà phải sống trong những dị nghị, xì xào “cây độc không trái, gái độc không con”. Ông an ủi bà, mình ốm đau, trời không cho con cái nhưng vẫn phải sống thật tốt, sống thay phần đồng đội đã ngã xuống. Bởi vậy, từ ngày về hưu, ông tằn tiện, chắt bóp, đủ tiền lại đi tìm hài cốt đồng đội hoặc gửi giúp những cựu chiến binh mắc bệnh hiểm nghèo, những người có hoàn cảnh vất vả. Ai hỏi, ông đều bảo ông làm được những công việc ấy là nhờ sự động viên, góp sức của bà. Bà là hậu phương vững chắc cho ông, là “mạnh thường quân” của ông trên mọi nẻo đường.
Bà cầm tay ông, hỏi ông sống với bà bao nhiêu năm mà còn chưa hiểu bà hay sao lại phải đắn đo, suy nghĩ đến mất ngủ. Bà cũng từng là nữ thanh niên xung phong Trường Sơn. Bà may mắn được trở về sau hòa bình, may mắn có gia đình, các anh trai hỗ trợ, may mắn hơn cả là có ông đồng hành suốt cuộc đời. Ông bà không giàu nhưng giúp ai được điều gì bà chưa bao giờ tính toán. Ông cứ sắp xếp thời gian để đi xác minh, sớm ngày nào thì người đồng đội nhanh được hỗ trợ ngày ấy. Tiền bà dành dụm đủ cho ông đi mà không ảnh hưởng gì đến tiền mua bò, tiền hỗ trợ cơm trưa. Nếu thiếu thì bà gọi về vay các bác, đến lúc thu hoạch cà phê thì gửi trả. Anh Cả cũng là bộ đội về hưu, ngày còn khỏe mạnh, chẳng có chuyến đi nào của ông mà bác không tham gia. Giờ lớn tuổi, đường sá xa xôi, bác lại chuyển qua góp kinh phí.
Ông bà già rồi, bữa cơm chỉ mớ rau luộc, bát canh, con tép rang là xong. Rau nhà trồng được, gà nhà thả vườn sẵn, có chi tiêu gì đến tiền đâu. Với lại học trò cũ của ông bây giờ thành đạt, nhớ công ơn dạy dỗ của thầy, năm nào cũng kêu gọi nhau ủng hộ quỹ để thầy dành tặng những đồng đội cũ. Ông không bao giờ đơn độc, có bà, đồng đội cùng học trò luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng ông. Ông không yên tâm để bà ở nhà một mình thì bà gọi mẹ con con Thúy đến ở. Con bé ở ngay cùng buôn với ông bà, mồ côi mẹ, được ông bà nhận đỡ đầu đến khi học xong đại học, giờ đã trở thành cô giáo mầm non ngay tại buôn làng.
Ông lặng im không thốt nên lời, những tình cảm, kỷ niệm nhẹ nhàng thấm sâu trong tâm hồn ông như dòng suối mát. Bà dịu dàng:
- Thế bây giờ anh ngủ được chưa? Ngủ lấy sức mai còn chuẩn bị quần áo, giấy tờ mà lên đường chứ. Gia đình anh ấy chắc đang mong từng ngày.
Ông vui vẻ đáp lời bà:
- Tuân lệnh đồng đội đặc biệt nhất của anh!
Giấc ngủ nhẹ nhàng kéo đến trong tiếng gà rừng vọng về từ phía đại ngàn.
Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ