Từ tái hiện thời phong kiến...

Sau lễ khai mạc tối 25-10, Nhà hát Tây Đô của TP Cần Thơ khai màn vở cải lương “Chất ngọc Cầm Thi Giang” ca ngợi những cống hiến to lớn của cố soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền trên lĩnh vực sáng tác, truyền dạy nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô chia sẻ: “Vở diễn này được sáng tác và dàn dựng trong năm nay để tham gia liên hoan như sự tri ân của thế hệ hôm nay với người được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương, cũng là một trong những người đầu tiên lập gánh hát cải lương Nam Bộ. Đồng thời, mang thông điệp về tinh thần yêu nước, khí tiết của nghệ sĩ lúc bấy giờ trước vận mệnh dân tộc. Trong tuyến nhân vật, ngoài Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền còn có các bậc tiền bối của sân khấu cải lương, đờn ca tài tử như: Cao Văn Lầu, Phùng Há, Năm Nhỏ, Ba Vân...”.

Cũng về nhân vật của Cần Thơ xưa, Nhà hát Cải lương Hà Nội tham gia vở “Muôn dặm vì chồng” mang tính luận đề kể về câu chuyện bà Nguyễn Thị Tồn-vợ Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa vượt đường xa sóng gió từ phương Nam ra kinh thành Huế đánh trống kêu oan cho chồng và người dân Láng Thé. Khán giả đắm mình trong không gian màu tím như hoa bằng lăng cùng tiếng ca thán quan tham hãm hại trung thần, áp bức thường dân; đặc biệt là tấm tình sắt son của người vợ với chồng được Hoàng Thái hậu Từ Dũ ban tặng 4 chữ vàng “Tiết phụ khả gia”. 

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định tham gia vở cải lương “Công chúa Huyền Trân” xoay quanh công chúa An Tư-một liệt nữ trung thần thời Trần thế kỷ 13, đã chấp nhận và tình nguyện làm “vật cống” cho giặc Nguyên Mông, thể hiện sự hy sinh lợi ích riêng, nêu cao tinh thần yêu nước của con dân Đại Việt. Vở “Người mang 9 án tử” phiên bản cải lương của Công ty TNHH Giải trí We là hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt lấy dân làm trọng, kiên quyết diệt gian trừ tà cho dân.

Nội dung vở “Khúc tráng ca thành Gia Định” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nói về chiến công của Đô đốc Võ Duy Ninh cùng Đô đốc Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển thời vua Tự Đức đã anh dũng bảo vệ thành Gia Định trước cuộc xâm lăng ồ ạt của liên quân Pháp-Tây Ban Nha năm 1859. “Chói rạng sơn hà” (tức “Tây Sơn nữ tướng”) của Sân khấu Sen Việt tái hiện tấm gương trung dũng gánh vác nước non giữa lúc triều Tây Sơn suy yếu của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Công ty Giải trí Vũ Luân Entertainment dựng vở “Anh hùng đất phương Nam” khắc họa hình ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp và giữ vững khí tiết đến lúc ra pháp trường...

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở “Cánh đồng bất khuất” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TRUNG KIÊN

... đến khúc tráng ca người lính

Hình ảnh người lính Cụ Hồ vốn được khai thác nhiều trong văn học-nghệ thuật và là đề tài chưa hề vơi cạn, dĩ nhiên tại liên hoan lần này cũng không ngoại lệ. Lấy ý tưởng từ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trương Văn Bang thời đảm nhiệm Trung đoàn phó Trung đoàn Phạm Hồng Thái kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh đã chỉ huy đánh trận Láng Le-Bàu Cò ngày 15-4-1948, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dàn dựng vở “Người con của rừng tràm”. Trong trận này, quân ta với vũ khí thô sơ, số lượng ít nhưng dựa vào địa thế và lòng dân đã chiến đấu với hơn 3.000 lính Pháp tinh nhuệ. Đây được xem là một trong những chiến thắng mở đầu chống càn quét lớn của quân và dân ta. Bên cạnh nhân vật Trương Văn Bang còn có vợ ông-bà Nguyễn Thị Một là nữ cán bộ bất khuất, nhân hậu, người con ưu tú của quê hương Long An trung dũng, kiên cường.

Lần đầu tiên tham gia “sân chơi lớn”, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi dựng vở cải lương “Cánh đồng bất khuất” tái hiện hình tượng 3 chiến sĩ gang thép gồm Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Lê Văn Toản là chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu và hy sinh góp phần làm nên Chiến thắng Ấp Bắc vang dội ngày 2-1-1963. Đồng thời, lồng ghép mối tình đẹp đẽ, sự hy sinh riêng tư vì nghĩa lớn giữa anh Đừng với chị Lài, cũng như tấm lòng của bà má Nam Bộ luôn hướng về cách mạng cùng tình thương bao la dành cho bộ đội”.

Bản dựng mới vở cải lương nổi tiếng “Người ven đô” của Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt kể một câu chuyện thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại 18 thôn vườn trầu Hóc Môn. Nội dung xoay quanh vợ chồng ông Bảy Đờn, ông Tám Khỏe gánh chịu nhiều đau xót để bảo vệ ông Sáu Hộ-nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Còn vở “Trước bình minh” của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu đưa khán giả ngược thời gian trở về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tại “xứ cơ cầu” không tiếng súng và không đổ máu, thể hiện đúng đường lối chiến tranh nhân dân và tính nhân đạo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. 

Chia sẻ một câu chuyện khác trong chiến tranh, Nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Tham gia liên hoan năm nay, chúng tôi dàn dựng vở “Ánh nhật nguyệt” và “Đồng chí”; trong đó, nhân vật chính vở “Đồng chí” là một sĩ quan vì cứu đồng đội thoát khỏi vòng vây kẻ thù đã bị thương nặng ở chân. Khi đất nước thống nhất, người thương binh ấy trở về cuộc sống đời thường luôn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dạy con cháu sống có đạo đức, lý tưởng. Tuy nhiên, lúc con trai ông bước lên vị trí giám đốc một công ty lớn thì bắt đầu sa chân vào những cuộc chơi, tham ô, tham nhũng... Dĩ nhiên, con trai ông phải trả giá cho những sai lầm của bản thân. Kết thúc vở diễn, cháu nội ông tình nguyện nhập ngũ để rèn luyện bản thân, hát tiếp khúc tráng ca người lính thời bình”.

Còn nhiều vở cải lương tham gia liên hoan năm nay khai thác nhân vật, sự kiện lịch sử từ thời phong kiến đến các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cả hậu chiến như: “Truyền tích Cổ Loa xưa” của Công ty TNHH TCSK và ĐTNK Bảo Sơn; “Chân mệnh” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long; “Lưu vong” (hay “Khí tiết một trung thần”) của Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân; “Giọt máu oan cừu” của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu; “Màu áo lính” của Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang...

Điểm qua các vở diễn cho thấy hơn 80% tác phẩm đề tài lịch sử là sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật trong sáng tạo mới, dàn dựng hiện đại, tạo ấn tượng với khán giả. Dẫu biết, khi chọn thể hiện đề tài sử Việt sẽ tốn nhiều công sức, kinh phí cũng như khó lôi kéo khán giả đến rạp trong thời buổi sân khấu cải lương đìu hiu như hiện nay nhưng sự đầu tư, quyết tâm làm mới của các đoàn là tín hiệu đáng mừng nhằm góp phần giáo dục truyền thống của dân tộc. Càng phấn khởi hơn nếu sau liên hoan, dù vở diễn, nghệ sĩ biểu diễn và từng thành phần sáng tạo trong vở diễn đạt giải như thế nào thì các vở cải lương vẫn “sáng đèn” hằng đêm để lan tỏa giá trị của những trang sử vàng son cũng như khẳng định sức sống sân khấu cải lương mãi còn trong lòng công chúng.

Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Sân khấu cải lương đã hình thành và phát triển hơn 100 năm, là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Chính vì vậy, Liên hoan cải lương toàn quốc được tổ chức 3 năm một lần là hoạt động ý nghĩa, là dịp để học tập, tôn vinh nét đẹp, hấp dẫn của sân khấu cải lương và cũng để công chúng thưởng thức những tác phẩm làm đắm say lòng người. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm trong công tác quản lý, tìm giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình để có thêm nhiều vở diễn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thời kỳ mới... 

HỒ KIÊN GIANG