Tổ chức biểu diễn nghệ thuật cải lương tại các trường học, khu dân cư; mở nhiều lớp dạy và học cải lương; tổ chức cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương; thành lập câu lạc bộ cải lương... là những cách làm hiệu quả để lan tỏa nghệ thuật cải lương trong các tầng lớp nhân dân ở TP Hồ Chí Minh. Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo này, nghệ thuật cải lương đang sống dậy mạnh mẽ ở Thành phố mang tên Bác.
Trung tuần tháng 9, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã đưa vở cải lương “Thành phố buổi bình minh” đến với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (quận 5). Hàng nghìn khán giả trẻ của nhà trường đã có mặt từ đầu giờ chiều, hào hứng theo dõi vở diễn ngay từ khi mở màn. Nội dung “Thành phố buổi bình minh” khai thác đề tài hóc búa là công cuộc kiến thiết lại thành phố sau ngày đất nước thống nhất, những người cách mạng bước vào cuộc chiến mới với bao bỡ ngỡ. Một cuộc chiến không bom, đạn, không khói súng nhưng vô cùng gian nan khi phải kết nối, gầy dựng lòng tin từ mọi tầng lớp nhân dân vốn chịu tổn thương sâu sắc khi đất nước chia cắt.
Vở diễn tái hiện những năm đầu sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh bộn bề khó khăn vì hậu quả của chiến tranh. Đói nghèo, ngăn sông cấm chợ, sản xuất đình trệ... khiến lãnh đạo thành phố trăn trở, suy tư, để rồi từ đó nảy ra những nỗ lực tìm cách “xé rào”, “cởi trói” nhằm đưa thành phố vượt qua thách thức. Nhân vật chú Tư trong vở diễn đã khắc họa được phần nào hình tượng can trường, quyết đoán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi giữ cương vị Chủ tịch UBND thành phố, rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ...
Thưởng thức vở diễn, thầy và trò Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đều có chung cảm nhận: Cải lương hôm nay đã “thay da đổi thịt”, dù phản ánh đề tài chính trị, lịch sử nhưng không hề khô cứng mà đã chạm đến trái tim khán giả bởi hồn cốt câu chuyện và lối diễn xuất nhập tâm, có hồn. Trần Thúy Lan, sinh viên năm thứ hai Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Qua vở diễn “Thành phố buổi bình minh”, em có cái nhìn đầy đủ hơn về một thời kỳ lịch sử muôn vàn khó khăn của dân tộc; đồng thời những suy nghĩ về loại hình nghệ thuật cải lương cũng khác hơn, gần gũi hơn, sinh động hơn”.
|
|
Một cảnh trong vở “Thành phố buổi bình minh” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. |
“Thành phố buổi bình minh” là một trong những tác phẩm nằm trong chương trình quảng bá văn học, nghệ thuật chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo; đồng thời hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 / 23-11-2022). Vở diễn được nhiều địa phương, trường học, khu công nghiệp... xây dựng kế hoạch phối hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức công diễn phục vụ khán giả. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ: “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đưa vở diễn đến với đông đảo công chúng không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương khác vừa để quảng bá, vừa góp phần giữ gìn và phát triển cải lương-loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc”.
Không chỉ sinh viên, học sinh được xem cải lương miễn phí, người dân các huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh mấy đêm liền cũng được mời đến thưởng thức chương trình cải lương phục vụ xây dựng nông thôn mới. Những vở diễn, trích đoạn cải lương đặc sắc mang đến cho người dân cảm giác mới mẻ, hấp dẫn về loại hình nghệ thuật tưởng chừng như đã giảm sức hút đáng kể trong những năm gần đây. Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, để góp phần lan tỏa nghệ thuật cải lương đến công chúng, từ cuối tháng 3-2022, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã triển khai dự án đưa cải lương xuống phố, phục vụ công chúng ở các tuyến phố đông người. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng khởi động Chương trình “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương”, biểu diễn phục vụ khán giả miễn phí tại sảnh trước nhà hát, không gian ngoài trời trong thời gian 60 phút tối thứ bảy hằng tuần. Cách làm này không chỉ quảng bá nghệ thuật cải lương mà ban tổ chức còn tiếp nhận được những góp ý tâm huyết của khán giả để cải lương ngày càng hấp dẫn.
Song, “có bột mới gột nên hồ”, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật cho rằng, quảng bá, lan tỏa loại hình nghệ thuật truyền thống là tốt, cần khuyến khích những cách làm phù hợp. Thế nhưng, giá trị đích thực của từng vở diễn và phương pháp dàn dựng, trình bày cùng với tài năng diễn xuất của diễn viên mới là vấn đề tạo nên sức sống lâu bền của vở diễn trong lòng công chúng. Đây cũng là một hình thức quảng bá cải lương thông qua sự khen ngợi, truyền tai nhau làm lan tỏa giá trị của nghệ thuật cải lương trong cộng đồng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không gượng ép. Theo NSƯT Kim Tử Long, muốn lan tỏa phải làm mới cải lương để bắt kịp hơi thở hiện đại và gần gũi khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. Cách dàn dựng, cảnh trí, trang điểm, cách hát, cách diễn... đều phải có sự cải tiến, để người xem không còn cảm giác cường điệu hóa trong nghệ thuật cải lương.
Trong thời đại công nghệ số, việc số hóa nghệ thuật truyền thống trở thành xu thế hiện nay, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận, thưởng thức bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, đồng thời còn là kho tư liệu quý giá của nghệ sĩ. Cho nên, cùng với những cách làm cụ thể, sáng tạo và sự nỗ lực của đội ngũ những người làm nghề ở TP Hồ Chí Minh, công nghệ số sẽ góp phần không nhỏ để lan tỏa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng, khẳng định vị trí của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” trong lòng công chúng và người mộ điệu.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN