Không chỉ vậy, nghệ sĩ còn được thỏa niềm đam mê sau những cơn “khát” sân khấu bởi dịch bệnh không được biểu diễn phục vụ khán giả. Vẫn biết là biểu diễn trực tiếp, có sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả chính là đặc trưng tạo nên nét riêng của sân khấu bao đời nay. Những tràng vỗ tay của người xem, không gian sân khấu mỗi lần biểu diễn... đã tạo nên cảm xúc thăng hoa cho cả người diễn và người xem trong mỗi vở diễn. Thế nhưng, những đợt giãn cách xã hội và hạn chế hoạt động đông người đã làm cho khán giả không được đến rạp và cũng đồng nghĩa với việc nghệ sĩ không được biểu diễn. Lúc này, sân khấu truyền hình, sân khấu trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để giải tỏa nhu cầu của cả khán giả và nghệ sĩ. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai: Sẽ có những rào cản, hạn chế bởi không giữ được đặc trưng quan trọng của sân khấu, nhưng trong điều kiện khó khăn và ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, cuộc sống trở về trạng thái bình thường thì sân khấu truyền hình, sân khấu trực tuyến vẫn là hướng đi khả thi hơn cả để nghệ thuật sân khấu lan tỏa đến nhiều người hơn.

leftcenterrightdel

Vở diễn "Biển vẫn con đường mòn" của Nhà hát Chèo Quân đội ghi hình và phát trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Ảnh: HUY QUANG

Cuối tháng 10 vừa qua, vở múa rối “Lời thề” do Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng thực hiện, được ghi hình và phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vào khung giờ “vàng” buổi tối phục vụ khán giả truyền hình. Bằng nghệ thuật múa rối, vở diễn tái hiện Lễ hội Minh Thề của Hải Phòng có từ cách đây gần 500 năm và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017. Đây là chương trình nghệ thuật thứ 26 thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, được bắt đầu từ cuối năm 2019. Đề án triển khai trùng hợp với thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đã thể hiện tính hấp dẫn, phù hợp của hình thức thể hiện mới cho sân khấu. Những vở diễn ở nhiều thể loại: Kịch, chèo, múa rối, cải lương, ca múa nhạc... với các đề tài khác nhau từ lịch sử truyền thống, chiến tranh cách mạng đến đời sống đương đại đã làm sống dậy đời sống sân khấu đất cảng. Các chương trình được ghi hình phát trên truyền hình hoặc phát sóng trực tiếp, cùng hàng trăm suất diễn lưu động ở các địa phương đã thu hút đông đảo khán giả, trở thành món ăn tinh thần ý nghĩa. Sau hai năm, đề án sân khấu truyền hình của Hải Phòng được coi là điểm sáng mô hình sân khấu truyền hình cả nước hiện nay.

Với sân khấu, đúng là không gì hay bằng khán giả được xem biểu diễn trực tiếp, hồi hộp nhìn tấm màn nhung sân khấu kéo ra. Nhưng các sân khấu hiện nay chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, kể cả mỗi đơn vị nghệ thuật ở các địa phương hằng năm có cả trăm suất diễn phục vụ nhân dân thì cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhỏ bé nhu cầu của khán giả. Từ khi truyền hình trở nên phổ biến, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, với hàng trăm kênh khác nhau đã giúp việc tiếp cận khán giả ở cả vùng sâu, vùng xa trở nên dễ dàng hơn. Và dẫu không có được cảm xúc trọn vẹn, nhưng sân khấu truyền hình đã trở nên quen thuộc với một bộ phận khán giả. Trên các kênh truyền hình quốc gia hay địa phương, đều có những chương trình sân khấu truyền hình phù hợp với khán giả nhiều vùng, miền khác nhau. Chẳng hạn, các kênh VTV1, VTV4 hướng đến khán giả phía Bắc thì hay phát sóng những vở kịch và chèo; kênh VTV5, VTV8, VTV9 hay phát các vở cải lương... Các chương trình được phát sóng vào nhiều khung giờ khác nhau nhưng hầu hết là các giờ “khó” cho người xem như ngang buổi hoặc đêm muộn. Bởi vậy, dù thời gian gần đây, nhiều kênh truyền hình đã quan tâm hơn cho các chương trình sân khấu nhưng vẫn là “chưa thấm vào đâu”. Chưa kể, không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có đủ điều kiện để ghi hình nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên và các đài truyền hình. Nhiều khán giả cho rằng, nếu đã có các kênh truyền hình chuyên dành cho quảng cáo, thiếu nhi, thể thao, gameshow giải trí... thì cũng nên có một kênh chuyên dành cho sân khấu để thỏa nhu cầu của khán giả và cả nghệ sĩ.

leftcenterrightdel

Vở cải lương "Huyết bào" của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai được phát trực tiếp trên Facebook của nhà hát. Ảnh: QUẾ ANH

Trong khi chờ đợi điều đó thì nhiều đơn vị nghệ thuật đã chủ động khắc phục khó khăn để đến gần với khán giả. Từ đầu năm 2020, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã xây dựng các chương trình nghệ thuật phát trực tiếp trên mạng xã hội để phục vụ khán giả trong điều kiện dịch bệnh. Đến nay, đã có khoảng 200 suất biểu diễn gồm các vở diễn, trích đoạn cải lương, ca múa nhạc... được thực hiện, trong đó nhiều chương trình thu hút gần 20.000  lượt người xem. Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ... cũng đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội để đưa sân khấu đến với khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp...

Rõ ràng, khó khăn, thách thức cũng là cơ hội để người làm sân khấu sáng tạo, cập nhật công nghệ, cách thức thể hiện, thích ứng để làm mới mình và đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả.

DƯƠNG THU