Phóng viên (PV): Thưa NSND Trần Minh Ngọc, ông đánh giá thế nào về Liên hoan lần này so với những lần trước?

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: So sánh với những lần liên hoan trước thì lần Liên hoan này có sự thay đổi rất rõ đó là diễn viên. Tôi thấy được độ chân thành, chân thực, đam mê rõ hơn của diễn viên ở cả sân khấu kịch và sân khấu truyền thống, đặc biệt là ở sân khấu múa rối. Chẳng hạn như trong vở “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ. Với cá nhân tôi khi tiếp cận nguyên bản tác phẩm của A.P.Chekhov đề là hài kịch, tôi đọc thấy giống như chính kịch, kịch tâm lý, nhưng khi xem diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ diễn thì tôi mới giật mình thấy tác giả nói tác phẩm của mình là hài kịch là đúng. Bên cạnh những yếu tố nghiêm túc của diễn xuất, tác phẩm bật lên được những tình huống rất hài hước đích thực, làm cho người xem phải suy nghĩ, liên hệ với chiều sâu của tâm tư con người chứ không phải chỉ gây tiếng cười giải trí. Đây có thể nói là thành công của nhà hát về kịch tâm lý mà lâu nay ta vẫn theo.

Thứ hai là có sự đổi mới về đạo diễn. Ở sân khấu miền Bắc, tôi cảm tưởng chỉ tập trung vào một vài đạo diễn tên tuổi bậc thầy mà những bậc thầy ấy có thể làm nhiều nên hay bị đơn điệu, lặp lại. Nhưng ở Liên hoan lần này, tôi thấy bức tường đó được phá vỡ, tức là thấy có những đạo diễn mới, ví dụ bật lên một Trần Lực với một nhóm, một phong cách biểu diễn mới toanh. Đó là tín hiệu tốt cho sân khấu. Nhưng nhìn chung thì chúng ta có diễn viên tốt nhưng đạo diễn còn thiếu và đặc biệt là thiếu tác giả.

leftcenterrightdel
Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc

Liên hoan lần này có sự phong phú về các loại hình tham gia, từ kịch nói, chèo, cải lương, xiếc, múa rối và phong phú cả về cách thức tìm tòi sáng tạo, chất thử nghiệm nhiều, rõ hơn. Đặc biệt, sự tham gia của các đoàn quốc tế, nhất là từ một số nước châu Âu như Hy Lạp, Israel đã chứng minh rằng Liên hoan của ta có tác động đến sân khấu thế giới.

Có thể nói, Liên hoan có hiệu quả tốt hơn những lần trước và cho tôi niềm tin vào nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ Việt Nam chúng ta có thể làm được tất cả nếu chúng ta có những đạo diễn hay.

PV: Việc các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia không chỉ cho thấy uy tín của Liên hoan mà qua đó còn mang lại cho sân khấu trong nước rất nhiều điều để học hỏi?

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: Trước nay, ta vẫn nói nôm na sân khấu của ta có 10 câu chuyện nhưng chỉ một cách kể, còn nước ngoài họ có một câu chuyện nhưng tới 10 cách kể. Và chúng ta phải học để sân khấu của mình phong phú, trẻ hóa, không bị lão hóa. Qua Liên hoan đã làm nóng lên tinh thần dấn thân, thúc đẩy sự sáng tạo của người làm sân khấu. Rõ ràng sân khấu nước ngoài mang lại hiệu ứng tốt, tuy vẫn chưa thật nhiều, phong phú, đa dạng nhưng cho ta nhìn lại cách làm của mình, tạo cho chúng ta cú hích để chuyển động. Họ mang đến cho chúng ta nhiều cách diễn, đưa ra nhiều cách kể chuyện mới. Hungary chuyển một tác phẩm văn học thành sân khấu (vở “Tháng tám”), không một lời thoại, chỉ diễn bằng tiết tấu, hình thể, cảm thụ của diễn viên. Hay trong “Cánh đồng đẫm máu” của Hy Lạp, tôi thấy cách làm, cách viết, diễn của họ rất gần với Việt Nam… Thực tế, không chỉ đến bây giờ mà trước đó ít nhiều chúng ta đã tìm được phương thức kết hợp với các đạo diễn nước ngoài, như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với đạo diễn người Nhật Bản để dựng được hai vở diễn chất lượng tham gia Liên hoan lần này.

PV: Ông đánh giá thế nào về những vở diễn thử nghiệm của các loại hình sân khấu truyền thống?

leftcenterrightdel
Vở "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát múa rối Việt Nam xuất sắc giành nhiều huy chương tại Liên hoan.

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: Tính thử nghiệm ở sân khấu truyền thống thường không rõ nét lắm nhưng các đơn vị cũng có ý muốn thử nghiệm. Ví dụ trong “Ngàn năm mây trắng” (đạo diễn Triệu Trung Kiên) của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, có người xem xong thấy rất hổ lốn khi có cả chèo, cải lương, xẩm, ca Huế... trong đó, nhưng tôi nghĩ có thể làm được như thế lắm chứ. Nhận xét hay-dở là của người xem nhưng nếu nói là không phải thử nghiệm thì không đúng. Rõ ràng vở diễn có tìm tòi, cố tình đưa những nghệ thuật phụ trợ vào và hòa quyện được một cách hài hòa, hợp lý.

rất thông minh và ấn tượng là vở “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lần đầu tôi thấy Kiều diễn kịch nói chưa ra, cải lương có hay nhưng chưa tới, nhưng cách kể của múa rối tuyệt vời, vừa đáp ứng được nghe, nhìn nên được đánh giá rất cao trong Liên hoan lần này, mang lại nhiều giải thưởng. Vở diễn ấy là sự tổng hợp của rất nhiều thành phần sáng tạo, từ phục trang, tạo hình, cách thức thể hiện… đều rất tốt. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu múa rối nước ta hiện nay.

Nhưng xiếc chỉ làm tròn chương trình chứ yếu tố thử nghiệm không nhiều, bởi chúng ta biết một tiết mục xiếc có khi phải tập nhiều năm trời, đó cũng đã là cuộc tìm tòi của nghệ sĩ rồi nhưng không dễ dàng nổi lên được. Hay cải lương đã mạnh dạn đi vào đề tài đương đại cách mạng 4.0 một cách dũng cảm, dù biết có thể thất bại cao nhưng đó mới là thử nghiệm.

Thực ra, các loại hình sân khấu truyền thống thử nghiệm khó hơn so với kịch nói, bởi bản thân nó đã là ngôn ngữ ước lệ rồi, chẳng lẽ thử nghiệm lại quay về tả thực, trong khi thế giới đang chuyển từ tả thực sang ước lệ, cách điệu. Nếu kịch nói có thể lấy những cái ước lệ, đặc trưng của tuồng, chèo để làm ngôn ngữ diễn và được cho là tìm tòi thì nếu tuồng, chèo chuyển sang tả thực thì không còn là tìm tòi nữa mà là phá đi cái ước lệ, tả ý vốn có, khó để chấp nhận.

PV: Có nghĩa là với sân khấu truyền thống, thử nghiệm rất khó và cần cẩn trọng, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: Người làm sân khấu truyền thống phải biết rằng mình có nên làm thử nghiệm hay không chứ đừng vì thấy có liên hoan sân khấu thử nghiệm mà phải làm gì đó để tham gia, coi cái gì cũng là thử nghiệm thì không được. Thử nghiệm là sự tìm tòi, không phải cứ tập hợp các loại hình nghệ thuật tống tất cả vào một giỏ.

Thử nghiệm không phải phong trào ai cũng cần theo. Chỉ khi thiếu ngôn ngữ thể hiện mới thì mới đi tìm, còn bản thân sân khấu của mình đã giàu có, đủ đầy rồi thì không nhất thiết phải thử nữa. Bởi vậy cũng khó trách khi chèo tham gia Liên hoan này không có nhiều cái mới.

PV: Thưa ông, trong sân khấu thử nghiệm, yếu tố nào quan trọng nhất?

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: Trong thử nghiệm, trọng nhất là cách diễn tả. Sân khấu của ta lâu nay đều dựa vào lời, thậm chí nói nhiều quá trong khi sân khấu nước ngoài rất kiệm lời, chỉ nói những điều thật cần.

Trong thử nghiệm, vai trò của đạo diễn là chủ yếu, là chính, phụ trợ là tác giả. Trong Liên hoan lần này, ngoài các tên tuổi quen thuộc thì đã nổi lên một số đạo diễn mới như Triệu Trung Kiên, Quỳnh Mai… nhưng nhìn chung, đạo diễn sân khấu của ta rất ít. Điều này có liên quan đến công tác đào tạo, sử dụng, nhất là ở sân khấu phía Nam khi các đơn vị tư nhân thường “tự biên, tự diễn” để hạn chế chi phí, thành ra chủ yếu đạo diễn tay ngang, nhìn có vẻ nhiều nhưng lại không hẳn có đạo diễn.

Đạo diễn phải là người biết mình muốn gì, làm gì. Mà đạo diễn muốn gì phải phụ thuộc kịch bản. Vì vậy cuối cùng vẫn là tác giả. Thiếu kịch bản, thiếu tác giả nên thiếu đạo diễn tìm tòi. Sân khấu cần nhiều hướng, mà vai trò là ở tác giả nhưng tác giả ở ta hiện nay luôn kiếm sự an toàn cho bản thân, tránh né những hiện thực nhạy cảm. Trong tình hình đó, làm lại kịch bản cũ cũng là một cách, hoặc làm những sân khấu nhỏ, đỡ tốn kém, hoặc viết về đề tài lịch sử an toàn, đề tài đời thường đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng thật khó để làm được điều gì nếu không có những người mạnh dạn vượt ra khỏi ngưỡng an toàn đó.

PV: Qua Liên hoan, ông nhìn nhận thế nào về sân khấu nước ta hiện nay, nhất là khán giả, khi có nhiều ý kiến khen, chê với sân khấu thử nghiệm?

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc: Sân khấu Việt Nam còn ở xa một chút so với sân khấu thế giới, cũng xa một chút so với khu vực nhưng trong khu vực, khách quan mà nói, ta hơn một số nước.

Thể nghiệm là đi tìm cái mới chứ không phải đích cuối mà mục đích là phải làm ra một tác phẩm nghệ thuật. Tôi cho rằng sân khấu phải luyện cho khán giả, phải cho họ xem nhiều để dần hiểu và đánh giá lại. Trong khi sân khấu của ta đang quen với tả thực, khán giả quan tâm đến nội dung vở diễn là gì thì khán giả phương Tây lại quan tâm đến cảm xúc, mà cảm xúc thì mỗi người một vẻ, vì thế phải có thời gian mới đi đến hòa nhập được và ta đang làm điều đó.

Một điều nữa là chúng ta đang thiếu định hướng thẩm mỹ cho khán giả. Thị hiếu của khán giả còn phụ thuộc vào trình độ dân trí. Khán giả miền Bắc thích suy ngẫm, khán giả miền Nam thích cười nhưng là cười ở tầm giải trí, vui chứ không phải cái cười sâu sắc. Mà tác giả lại chiều theo thị hiếu đó thì kịch bản không sâu sắc, không có nhân vật hay và ảnh hưởng đến diễn xuất của diễn viên, thành ra sân khấu ngày càng dở đi. Vậy nên nếu tác giả cứ chạy theo thị hiếu đơn thuần của khán giả thì không làm cho sân khấu phát triển được, hay nói theo kiểu sách vở thì sân khấu phải đi trước khán giả, dẫn dắt khán giả theo, định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)