Từ ước mơ trở thành hiện thực

Căn nhà trong ngõ sâu hun hút 46 Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gắn bó với NSƯT Hoàng Quân Tạo đến nay hơn 70 năm. Thế nên ông thường nói vui với mọi người rằng: “Tôi thuộc từng viên gạch, từng tiếng guốc của người dân ở khu phố cổ này”. 

Quả thật, với những ai lần đầu đến ngõ phố sầm uất ấy cũng khó hiểu hết được vì sao ông lại gắn bó nơi đây nhiều năm không thay đổi như vậy. Còn ông thì bảo, tôi yêu Hà Nội vì trong Hà Nội có một phần máu thịt của tôi, bao cay đắng ngọt bùi…

NSƯT Hoàng Quân Tạo sinh năm 1932, tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Tên khai sinh ban đầu là Lương Bá Lưu, sau đó, ông nội lại đổi tên ông thành Lương Văn Tạo, đến khi hoạt động cách mạng thì mang biệt danh Hoàng Quân Tạo. Tuổi thơ của ông trải qua không ít chuyện bi thương. Thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ, Hoàng Quân Tạo cũng không được đến trường học đầy đủ như nhiều trẻ em khác mà phải bươn chải, làm đủ nghề kiếm sống. Dấu chân cậu bé đi đưa báo, bán báo dạo trải qua khắp nẻo phố phường. Và gầm cầu Phùng Hưng, Hàng Cót, ngõ chợ Đồng Xuân đến nhiều rạp hát trên địa bàn Thủ đô ngày ấy trở thành nơi tá túc bình yên của ông cùng đám trẻ lang thang trong những đêm mưa lạnh giá. Mặc dù trải qua những ngày tháng vô cùng nghiệt ngã, thậm chí nhiều lần chết hụt, nhưng rồi ông đã vượt lên tất cả để tồn tại, trưởng thành, tham gia hoạt động cách mạng và theo đuổi niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật sân khấu.

Nói về niềm đam mê từ nhỏ của mình, ông cho rằng, có lẽ những lần trú mưa tại các rạp hát nổi tiếng ở Hà Nội, như: Tố Như, Nhật Tân Ban, Nhà hát Tây (nay là Nhà hát Lớn Hà Nội) trong thời gian đi bán báo dạo cùng lũ trẻ khiến ông mê mẩn xem hát, diễn kịch và khát khao lớn lên sẽ được trở thành nghệ sĩ sân khấu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm liên lạc rồi chiến sĩ quyết tử bảo vệ Thành Hà Nội, ông cũng hay lui tới các rạp hát và được xem rất nhiều vở diễn hay mà đến nay vẫn còn nhớ. Từ niềm yêu thích đã nhen dần lên thành niềm hy vọng trong lòng chàng thiếu niên ngày ấy rằng sau này mình sẽ trở thành nghệ sĩ. Ngay cả khi bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (từ tháng 6-1952 đến tháng 7-1954), mặc dù bị địch tra tấn vô cùng dã man nhưng chí khí lạc quan và tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn Hoàng Quân Tạo vẫn không phai nhạt. Hết kể chuyện văn hóa, phố phường, ẩm thực và những mảnh đời lầm than của Thủ đô, ông cùng với một số bạn tù lại tranh thủ tổ chức biểu diễn văn nghệ để đấu tranh phản đối sự tra tấn hà khắc của nhà tù, đồng thời động viên tinh thần, ý chí của các đồng chí, đồng đội vượt qua đau đớn. Không có giấy, các ông viết kịch bản qua các mẩu giấy cuộn thuốc lá hoặc tập miệng với nhau những tiểu phẩm ngắn 10-15 phút nên được các bạn tù vô cùng thích thú…

leftcenterrightdel
NSƯT Hoàng Quân Tạo trong một lần trở lại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

 Và cuối cùng, sau nhiều lần làm diễn viên nghiệp dư, Hoàng Quân Tạo trở thành diễn viên chuyên nghiệp khi được về công tác ở Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội. Năm 1959, Đội Kịch nói thuộc Đoàn Văn công tổng hợp Hà Nội được thành lập, Hoàng Quân Tạo được bổ nhiệm làm đội trưởng kiêm diễn viên, kiêm trợ lý đạo diễn của Đội Kịch nói, sau này phát triển thành Đoàn Kịch Hà Nội và nay là Nhà hát Kịch Hà Nội.

Mạnh dạn đưa vấn đề “nóng” vào kịch

Năm nay, NSƯT Hoàng Quân Tạo đã qua tuổi 87. Mặc dù nghỉ hưu gần 20 năm nhưng trò chuyện với ông, chúng tôi cảm thấy ngọn lửa đam mê sân khấu trong con người nghệ sĩ này chưa bao giờ phai nhạt. Ông vẫn say sưa chuyện nghề và cảm thấy tự hào vì có nhiều đồng nghiệp, học trò của ông ở Nhà hát Kịch Hà Nội vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, NSƯT… Ông lưu giữ rất cẩn thận từng bức ảnh bạn diễn và ghi tên các vở diễn của nhà hát rồi đi in tặng các đồng nghiệp để nhớ một thời chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Ông bảo, kịch Hà Nội có được chỗ đứng trong lòng khán giả như vậy cũng là nhờ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập thể. Thời của ông hầu như không có chuyện xích mích, kèn cựa, đố kỵ nhau giữa các diễn viên. Mỗi lần phân tích kịch bản, ông luôn nhắc nhở anh chị em phải giữ gìn nhân cách, sống tử tế với nhau. Bởi nghệ thuật là lao động tập thể, là hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ, nếu đem sự ích kỷ cá nhân của mình lên sân khấu sẽ giết chết nghệ thuật.

Nhớ lại những ngày đầu mới hình thành Đội Kịch nói, ông cùng anh em nghệ sĩ trải qua không ít khó khăn, vất vả. Không có địa điểm làm việc cố định, cơ sở vật chất nghèo nàn, mỗi lần đi diễn, anh em phải dùng xe bò, xe ba gác hoặc nhờ xích lô chở đạo cụ, vật dụng trang trí. Các diễn viên ngày ấy kiêm luôn cả việc trang trí, âm thanh, ánh sáng… Thù lao bồi dưỡng cho nghệ sĩ ngày ấy cũng không có gì ngoài những bữa ăn đêm. Đi phục vụ ở các vùng ngoại thành thì thù lao bồi dưỡng là những nồi khoai, nồi sắn được nhân dân chiêu đãi, nơi nào sang hơn thì nấu cho cả đoàn một nồi cháo gà liên hoan trước khi trở về thành phố. Thế nhưng thời ấy, anh em nghệ sĩ không hề kêu ca, sống với nhau rất vui vẻ, thương yêu, giúp đỡ nhau và hết lòng thực hiện nhiệm vụ phục vụ công chúng. 

Trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo cùng anh chị em diễn viên kịch Thủ đô đã có mặt ở những vùng trọng điểm phục vụ bộ đội và nhân dân tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), bến phà Long Đại (Quảng Bình), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), trên đỉnh Trường Sơn... Trò chuyện với chúng tôi, biết bao kỷ niệm thời thanh xuân ùa về khiến người nghệ sĩ già đôi lúc rơm rớm nước mắt. Ông không thể quên hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc bị trúng bom chỉ 10 phút sau khi giao lưu ca hát vui vẻ với các nghệ sĩ Đoàn kịch Hà Nội xong. Nhớ những đêm diễn dưới địa đạo phục vụ các chiến sĩ “cơm Bắc, giặc Nam” và các chiến sĩ từ mặt trận bí mật bơi qua sông Bến Hải sang bờ Bắc xem kịch buổi tối. Xem xong, nửa đêm họ lại bơi về bờ Nam để rạng sáng hôm sau chiến đấu. Nhiều hôm, các nghệ sĩ và chiến sĩ gặp nhau, ôm nhau cười-khóc, hỏi xem ai còn, ai mất…

40 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Hoàng Quân Tạo đã trải qua các vị trí từ diễn viên, trợ lý đạo diễn, đạo diễn đến giám đốc nhà hát. Tên tuổi của ông được đóng đinh trong lòng khán giả một thời qua vai diễn Lê Lợi trong “Lam Sơn tụ nghĩa”, Bí thư Cường trong vở “Hà Nội đầu năm 1946”, anh Thống trong vở “Những người du kích”, anh Tâm trong vở “Cái máy chém”, Bùi Đức Nhiệm trong vở “Ngôi sao ban ngày”… Với vai trò đạo diễn, ông đã dựng 40 vở diễn, trong đó có nhiều vở để lại ấn tượng sâu sắc vì mạnh dạn đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội, như: “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc vô tận”, “Quyền được hạnh phúc” (tác giả kịch bản Lưu Quang Vũ); “Ăn mày dĩ vãng”, “Hà Nội đêm trở gió” (tác giả kịch bản Chu Lai); “Thung lũng tình yêu”, “Đời người giấc mộng” (tác giả kịch bản Thanh Hương), “Em đẹp dần trong mắt anh” (tác giả kịch bản Tất Đạt)… Riêng vở “Tôi và chúng ta” do NSƯT Hoàng Quân Tạo trực tiếp đặt hàng nhà thơ Lưu Quang Vũ viết kịch bản thành công vang dội với hơn 1.000 đêm diễn trên khắp mọi miền đất nước, trở thành hiện tượng hiếm có ở sân khấu nước ta từ thập niên 1980 đến nay. Vở “Hà Nội đêm trở gió” đã trở thành cảm hứng cho nhạc sĩ Trọng Đài viết nên ca khúc cùng tên cho đến nay vẫn làm thổn thức biết bao trái tim người yêu nhạc. Ngoài ra, NSƯT Hoàng Quân Tạo còn tham gia nhiều vai diễn trong các phim truyện điện ảnh và phim truyền hình như vai Đôn trong phim “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”, thầy giáo người Kinh trong phim “Rừng xà nu”, Phó tổng giám đốc trong phim “Chuyện tình biển xa”, Thủ tướng Phạm Hùng trong phim “Giải phóng Sài Gòn”…

Với sự cần mẫn, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo, ân tình của ông trong quá trình tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện diễn viên, đặt hàng các nhà văn, nhà thơ viết kịch bản mà kịch Hà Nội đã có một thời vang bóng. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh dưới mái nhà chung này như: Trần Vân, Trần Đức, Thanh Tú, Tự Cường, Quốc Toàn, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Tiến Đạt, Tiến Hợi, Minh Hòa, Minh Vượng, Minh Trang, Thu Hà, Chu Hùng, Phú Thăng, Trung Hiếu… Như NSND Hoàng Dũng đã có lần phát biểu rằng: “Nếu không có NSƯT Hoàng Quân Tạo thì không có kịch Hà Nội như ngày hôm nay. Nếu không có ông thì chắc chắn không có NSND Hoàng Dũng”. Còn NSND Hoàng Cúc thì nhận xét: “Ông như một minh chứng sống động về một chàng trai Hà thành dấn thân cho nghiệp diễn, để lại dấu ấn một nhân cách, một cuộc đời làm vẻ vang cho sân khấu kịch nói Việt Nam”.

Theo NSƯT Hoàng Quân Tạo, sân khấu bây giờ vẫn có thể kéo khán giả tới rạp nếu đi trúng vào các đề tài thời sự nóng hổi. Đừng đổ lỗi cho sự xâm nhập của các trò giải trí ngoại lai trong thời đại công nghiệp 4.0 mà quan trọng hãy mạnh dạn đầu tư những kịch bản hấp dẫn, phản ánh được những vấn đề bức xúc của xã hội và đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bài và ảnh: MINH THÀNH