Ngay sau khi được phép hoạt động trở lại, nhiều sân khấu xã hội hóa trên địa bàn thành phố đã tung ra hàng loạt vở diễn mới, cùng với nhiều hình thức khuyến mại để thu hút khán giả. Cụ thể: Sân khấu Idecaf giảm 50.000 đồng mỗi vé; Sân khấu Kịch Hồng Vân áp dụng chương trình “mua bốn vé tính tiền ba vé”. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Sân Khấu Nhỏ 5B tạo sức hút cho khán giả bằng chương trình khuyến mãi giảm 10% cho người mua 1 vé, 15% cho người mua 5 vé và giảm 30% cho khán giả mua 10 vé. Riêng với khán giả là giáo viên, học sinh, sinh viên, sân khấu này còn giảm tới 50% giá vé. Chính sự chủ động quảng bá, tiếp cận khán giả trong điều kiện “sống chung với dịch” đã giúp cho không khí sân khấu trên địa bàn thành phố sôi động trở lại.

Sân khấu Kịch Idecaf  thu hút khán giả đông kín khán phòng là nhờ sự biến hóa tài tình của NSƯT Thành Lộc trong các vở kịch được xem là “đắt vé” như: “Mưu bà Tú”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Mơ giấc tình tình”, “Gươm lạc giữa rừng hoa”... Tuy vậy, ông Huỳnh Anh Tuấn, ông bầu của Sân khấu kịch  Idecaf, cho biết: “Chúng tôi vừa mở cửa, vừa thăm dò lượng khán giả cũng như phản ứng của họ. Để kích cầu, Idecaf quyết định giảm giá vé. Chúng tôi vẫn yêu cầu các nghệ sĩ cũng như khán giả phải tuân thủ các biện pháp để bảo đảm an toàn sức khỏe như: Khán phòng luôn được xịt kháng khuẩn trước suất diễn, khán giả khi đến xem kịch sẽ được đo thân nhiệt, vệ sinh tay bằng cồn diệt khuẩn, đeo khẩu trang...”.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở "Mưu bà Tú" của Sân khấu Kịch Idecaf.

Khi được tin sân khấu được phép sáng đèn trở lại, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân Khấu Nhỏ 5B, chia sẻ: “Dù biết thời gian tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng phải mở cửa lại sân khấu. Một mặt để các nghệ sĩ có không gian, địa điểm gặp gỡ, tập luyện. Mặt khác, chúng tôi phải lấy lại thói quen đến sân khấu xem kịch của một bộ phận khán giả. Tôi sợ rằng những ngày ở nhà vì dịch Covid-19, đông đảo người dân sẽ tạo lập thói quen giải trí bằng các hình thức coi phim trên ti vi, mạng xã hội. Vì vậy, chúng tôi sẽ chọn diễn những vở có đề tài gần gũi, mang tính xã hội, nhân văn và đặc biệt là đan xen tính giải trí, sự hài hước để khán giả khi đến đây cảm thấy thoải mái, được thư giãn sau những ngày tháng căng thẳng vì dịch Covid-19. Và dẫu bán vé có khó khăn nhưng đối với chúng tôi, dù là 10-15 khán giả thì vẫn diễn hết mình như là 200 khán giả”.

Còn theo NSND Hồng Vân, “bà bầu” của Sân khấu Kịch Hồng Vân, sau thời gian dài “nghỉ đông”, sân khấu được hoạt động trở lại là điều rất đáng vui mừng. Tuy nhiên, hoạt động có thành công hay không còn phải phụ thuộc nhiều vào tâm lý khán giả. Bởi sau đợt giãn cách xã hội, khán giả thường e dè khi đến nơi đông người. Do đó, hai cơ sở của Sân khấu Kịch Hồng Vân là sân khấu Chợ Lớn và sân khấu Phú Nhuận, NSND Hồng Vân cũng như toàn bộ anh chị em nghệ sĩ, công nhân hậu đài vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định vừa diễn kịch vừa phòng dịch.

Sự hồi sinh bước đầu đó là tín hiệu lạc quan cho sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để duy trì và kéo dài quá trình sáng đèn đòi hỏi các đơn vị cần đầu tư lâu dài, có chiều sâu, tạo nên nét riêng. Khuyến mại chỉ là tạm thời, điều cốt lõi là các nhà quản lý sân khấu xã hội hóa phải nâng cao chất lượng của từng vở diễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm thật sự có giá trị nghệ thuật, mang hơi thở đời sống hôm nay. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự tiếp sức cho các sân khấu về đầu tư kịch bản, cơ sở vật chất để những đơn vị này không thấy mình đơn độc, đồng thời tạo thêm động lực cho đội ngũ làm sân khấu tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, gắn bó với nghề trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Bài và ảnh: LÊ CÚC