Tái ngộ khán giả phương Nam, vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” (kịch bản: Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) nhanh chóng gây sốt. Các buổi biểu diễn đều kín rạp khiến ê kíp không khỏi nức lòng. Để làm nên thành công này, ngoài chất lượng chuyên môn, “Chuyện tình Khau Vai” có thể xem là vở cải lương đầu tiên tích cực tiếp cận khán giả bằng tiện ích mạng xã hội. Ê kíp lập fanpage để liên tục thông tin về vở diễn, cập nhật chuyện hậu trường, hình ảnh diễn viên tập luyện. Clip ghi lại hành trình về miền núi phía Bắc tìm hiểu Khau Vai của các nghệ sĩ phía Nam cũng được “nhá hàng” trước giờ công diễn khiến khán giả tò mò. Đặc biệt, nghệ thuật cải lương cũng nhạy bén học theo cách làm của phim điện ảnh khi tung trailer (clip ngắn tóm tắt, giới thiệu nội dung) đậm kịch tính. Trên fanpage còn có mini game đố vui dành cho khán giả với phần thưởng là vé mời, đây là điều mà chưa sân khấu cải lương nào từng làm.
|
|
Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” gây chú ý nhờ ứng dụng công nghệ trong tổ chức biểu diễn. |
Ở lĩnh vực kịch nói, không ít sân khấu tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá tác phẩm, thu hút khán giả. Hễ vở nào mới ra mắt, các nghệ sĩ có vai đều lên trang cá nhân quảng bá, ra sức kêu gọi fan hâm mộ mua vé ủng hộ. Chính nhờ sự tích cực của nghệ sĩ, các buổi biểu diễn sáng đèn thường xuyên hơn. NSƯT Trịnh Kim Chi, “bà bầu” Sân khấu TKC tiết lộ, đây là bí quyết giúp vở kịch nói về đề tài anh hùng cách mạng như “Rặng trâm bầu” cuốn hút công chúng đến vậy. Về hình thức dàn dựng vở diễn, không chỉ sân khấu kịch nói mà sân khấu cải lương cũng bước đầu tận dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tạo hiệu ứng độc đáo, đẹp mắt. Tuy nhiên, các bước tiến vẫn còn khá ít ỏi khi ê kíp vẫn chủ yếu sử dụng màn hình LED, bàn xoay, thang cuốn... nên sự cách tân vẫn chỉ là những bước dò đường thử nghiệm.
Tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để cách tân sân khấu cả về mặt dàn dựng lẫn tổ chức biểu diễn là đòi hỏi thiết yếu nếu muốn sân khấu hấp dẫn, mời gọi khán giả trẻ. Bởi theo đạo diễn Hoàng Duẩn, một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến khán giả quay lưng với sân khấu là do sân khấu chưa vận dụng được sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc dàn dựng và tổ chức biểu diễn. “Thực tế cho thấy, sau hàng trăm năm phát triển thì sân khấu vẫn cứ loay hoay với bục, bệ, phông, màn, pa-nô... với cách xử lý cũ kỹ. Hệ thống ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật âm thanh còn quá lạc hậu, nhiều khi gây trở ngại trong biểu diễn, làm giảm cảm xúc của khán giả. Sân khấu rất cần những loại đèn chuyên dụng với công nghệ hiện đại để xử lý nghệ thuật, cắt và tạo hiệu ứng không gian, thời gian cho nghệ sĩ sáng tạo. Hệ thống âm thanh thì đứng đầu bảng xếp hạng về... sự tụt hậu. Nhiều khi, diễn viên đang thoại thì mất luôn cả tiếng, hay âm thanh “rột rẹt” là chuyện thường ngày. Thực tế đó đã hạn chế rất nhiều sự sáng tạo của đạo diễn, nhất là những đạo diễn khao khát muốn xử lý nghệ thuật, muốn dàn dựng các vở diễn hoành tráng”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ. Ông cho hay, ở các nước trên thế giới, họ không chỉ tận dụng hết không gian sân khấu mà phần lớn đều có sự can thiệp của công nghệ, thậm chí là tự động hóa. Hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, hoàn toàn tự động trong điều khiển, pha màu, nhuộm màu, các loại đèn kỹ xảo tạo hiệu ứng, công nghệ 3D mapping...
Trước yêu cầu đổi mới, nhất là đổi mới nghệ thuật truyền thống như cải lương, không ít người e ngại, chần chừ. Đáp trả e ngại này, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng: “Chúng ta không nên quan niệm đưa kỹ thuật công nghệ cao của thế giới vào sân khấu cải lương là phá cải lương. Bởi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái, hồn phách của cải lương. Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật, công nghệ đó như thế nào? Có phù hợp không? Từ thuở manh nha, nghệ thuật cải lương đã mang trong mình sự tiếp nhận, giao thoa và đổi mới. Vậy thì thế kỷ 21 với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể không đổi mới sân khấu cải lương. Chúng ta không thể mãi bám vào quá khứ rồi bảo thủ, duy ý chí, làm thế thì nền sân khấu của Việt Nam sẽ yếu kém toàn diện so với khu vực và trên thế giới”.
Lâu nay, công tác tổ chức biểu diễn tại các sân khấu vẫn bị cho là nghiệp dư và thủ công. Theo TS văn hóa Mai Mỹ Duyên, một số vở diễn như “Chuyện tình Khau Vai”, “Rặng trâm bầu”... tận dụng kịp thời và áp dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ trong việc tổ chức các chiến lược quảng cáo, quảng bá, tiếp thị là động thái rất đáng hoan nghênh. Bà cho rằng cách làm này cần được nhân rộng, nhất là việc triển khai bán vé, cập nhật thông tin vở diễn, chăm sóc khán giả trên mạng xã hội. Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, bất cứ khán giả nào cũng có thể mua vé, nhận quà tặng, đón chờ vở diễn mà không phải cất công đến rạp. Để làm được điều đó, các sân khấu phải có cơ sở vật chất tiên tiến và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ, biết nắm bắt xu hướng. Mà trong bối cảnh đa phần sân khấu đang phải “ăn đong, chạy bữa” hiện nay, không phải nơi nào cũng đủ sức, đủ tầm để làm được điều đó.
Bài và ảnh: HẠNH TRANG