Đừng nói nhạc trẻ ồn ào, vô nghĩa
Trong khi nhiều người công kích nhạc trẻ, NSND Bạch Tuyết lại đi ngược đám đông: “Người ta nói nhạc trẻ ồn ào, vô nghĩa, nhưng tôi không thấy vậy, một số bài có lời thâm thúy”. Nghệ sĩ cải lương gạo cội lấy ví dụ, “bài “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP có nhiều người nghe như thế thì cũng có lý của nó. Người Trung Hoa có câu: Nghe âm nhạc của một thời thì biết rằng thời đó đang đi đến đâu. Qua quan sát và nghiên cứu “Lạc trôi” tôi thấy giới trẻ ngày nay rất hay nhưng họ đang bị mất phương hướng. “Lạc trôi” phản ánh trúng tâm trạng người trẻ, cho nên anh Sơn Tùng đó được triệu người like (thích)”.
NSND Bạch Tuyết tán dương ngôn ngữ trong ca khúc trẻ và nhiều bài được bà “nhào nặn” thành phiên bản cải lương khi thấy ngôn từ thuyết phục: “Tôi nghe một số từ, thấy người trẻ hôm nay họ nói rất ngắn, súc tích. Ví dụ, “mưa trôi để lại ngây thơ” trong “Em gái mưa” của Hương Tràm. Thế hệ trước cứ giải thích dài dòng, sợ người ta không hiểu. Còn người trẻ thì tóm gọn điều muốn nói trong một câu. Tôi tự nghĩ: Ủa, sao mình không làm cải lương bằng mấy từ văn học này ta?”. Thế là phiên bản cải lương “Em gái mưa” ra đời. Theo NSND Bạch Tuyết thì văn học cải lương chưa có lối diễn tả này, mà muốn giới trẻ thích thì phải có ngôn ngữ của người trẻ. Quan tâm đến ngôn ngữ trong âm nhạc như một yếu tố quan trọng đặc biệt tạo nên thành công của ca khúc, thế nên có lẽ chẳng lấy làm lạ khi NSND Bạch Tuyết có bằng cử nhân Ngữ văn ở tuổi 40.
Trước khi hát lại những bài hát nhạc trẻ bằng phiên bản cải lương, NSND Bạch Tuyết đều chủ động xin phép làm việc với các ca sĩ, nhạc sĩ. Khi tiếp xúc với các ca sĩ trẻ, bà nhận thấy “các bạn ấy có văn hóa, có khao khát đóng góp cho cuộc đời này”. Ca sĩ Hương Tràm đã viết cho NSND Bạch Tuyết: “Cảm ơn cô rất nhiều. Bản thân con không ngờ ca khúc của mình lại có ngày được sự công nhận của một NSND gạo cội, được hát lại theo phiên bản cải lương tuyệt vời như vậy”.
|
|
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết |
Cần người tài hoa, không cần chiêu trò
Nhiều người thường quá chú trọng danh hiệu NSND của Bạch Tuyết mà quên mất bà còn là một nghệ sĩ có học vị cao. Bà giành tấm bằng tiến sĩ cách đây 19 năm, rồi học về luật quốc tế, học thêm về sinh học. Hiện tại, dù ở tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn làm việc cần mẫn “20 tiếng một ngày không thấy mệt”. Bà tự thấy mình “giống như con virus, tôi không chịu ngồi yên”. Tại sao một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng vẫn miệt mài học? Bà dẫn câu tiếng Anh kinh điển để trả lời: “You’re never too old to learn” (dịch nôm na là việc học không có tuổi-PV). NSND Bạch Tuyết giải thích: Ở nước ngoài, 70, 80 tuổi người ta vẫn vô đại học. Vấn đề không phải người ta kiếm bằng cấp mà là hướng tới có nhiều thông tin chừng nào, người ta sẽ văn minh chừng ấy và tốt đẹp chừng ấy. Khi tôi vào cải lương, tôi thấy nó quá quý. Nhưng vì cải lương ra đời ban đầu để đáp ứng nhu cầu chống ngoại xâm nên “gạo chợ nước sông” riết rồi ít người có học quá đi. Người ta vẫn cảm thấy sự ít học là bình thường, còn tôi thấy tội nghiệp nghệ thuật của cả một dân tộc. Vì thế tôi nguyện sẽ học tử tế. Khi đi dạy phải bước vô trường đại học dạy đàng hoàng chứ tôi không thích sống lâu lên lão làng.
Nghệ sĩ cải lương gạo cội cho rằng, cải lương không cần chiêu trò. Bởi ở cải lương đã hội đủ chiêu trò, kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật, vấn đề ở chỗ cần có một người tài hoa để hiểu nó. Theo bà, cải lương cũng cần một sân khấu hấp dẫn để thu hút khán giả: “Khi tôi học ở nước ngoài, tôi có một thẻ vào nhà hát. Nhà hát bên họ luật lệ đàng hoàng, sân khấu hấp dẫn. Có những vở tôi đi coi tới 4, 5 lần có khi chỉ để xem cảnh trí. Có những nhà hát như thế mới khiến khán giả toàn cầu ngưỡng mộ, đặt mua vé từ năm trước.
Trong giai đoạn hiện nay khi nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, NSND Bạch Tuyết không trách người trẻ quay lưng với cải lương. Bà cho rằng, đừng hỏi người trẻ theo cải lương nhiều hay ít. Vấn đề là cải lương có gì để giới thiệu với người trẻ. Giống như ta đọc trăm cuốn sách, có khi chỉ một cuốn được “gối đầu giường”. “Nửa đời hương phấn” là vở cải lương ra đời khi Sài Gòn bị Mỹ chiếm đóng, trong đó có những người con gái nghèo phải bán thân nuôi gia đình, cải lương chia sẻ với họ. Bây giờ ở miền Tây có những cô gái nghèo không biết chữ phải lấy chồng nước ngoài, có thấy vở cải lương nào chia sẻ với người ta. Cải lương không mang hơi thở cuộc sống đương đại thì trách gì người ta quay lưng?”, NSND Bạch Tuyết nói.
Bài và ảnh: NÔNG HỒNG DIỆU